Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao - kinh nghiệm từ Lâm Đồng

18:43, 08/10/2017

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua chuyến thăm quan tại tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ quyết tâm trong thời gian tới với những giải pháp hữu hiệu, từng bước đưa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào một số cây trồng phù hợp, ở những vùng có khí hậu thuận lợi giống với Đà Lạt.    

Được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết, khí hậu ôn hòa, cùng với đó là các Chủ trương, chính sách phù hợp, Lâm Đồng đã thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Hương tại phường 9, thành phố Đà Lạt là một ví dụ điển hình của HTX kiểu mới. Trên diện tích 7 ha, HTX thực hiện quy trình trồng các loại rau, hoa trên đất sạch được khép kín bằng nhà màng, công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt, doanh thu đạt 7,2 tỷ đồng/ha/năm.

Chia sẻ của ông Trần Đức Quang - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Xuân Hương: “Tất cả các loại rau trồng ở trong nhà có mái che, thì cách ly được thời tiết, rất ít phun thuốc, mưa nắng gì cũng phải tưới. Ở trên bầu trời luôn luôn có ô nhiễm, mình cách ly được nên rất ít bệnh. Thị trường của HTX cũng đã thâm nhập được ra các tỉnh, thành phố lớn  như: Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Bình, Đắk Nông,… và một số siêu thị, chợ đầu mối ở thành phố HCM”.

a
Mô hình trồng rau trong nhà kính đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công ty TNHH trang trại Langbiang Đà Lạt là doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích 27 ha, gồm 3 cơ sở sản xuất, sản phẩm chủ yếu là hoa cắt cành; cây giống; hoa chậu; dâu tây; khoai tây sạch được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.  Hiện nay, công ty còn đưa vào khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, tham quan trang trại dâu và hoa công nghệ cao, tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao  với doanh thu từ 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Trần Huy Đường – Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp Công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Hầu hết các sản phẩm chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ISO hoặc là VIETGAP. Các sản phẩm được xuất khẩu và bán ở tất cả các thị trường trong cả nước. Các công nghệ chúng tôi áp dụng là công nghệ nhà màng; hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, quản lý bằng các phần mềm tin học; sử dụng các biện pháp sinh hoc để quản lý dịch hại.”

Không chỉ cung ứng rau sạch, Công ty
Không chỉ cung ứng rau sạch, Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm còn khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lâm Đồng hiện có 50.000 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 17% diện tích canh tác; doanh thu bình quân trên diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 150 triệu/ha, đặc biệt rau thuỷ canh đạt 8 - 9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt 800 triệu – 1,2 tỷ đồng/ha/năm… Để có được những kết quả này, tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều Chủ trương, chính sách phù hợp, đó là: Quy hoạch các vùng liên kết sản xuất; quan tâm đến xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm. Riêng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh xác định không chỉ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp mà trực tiếp đưa nông dân đi học tập ứng dụng công nghệ trong nước và nước ngoài. Từ những kinh nghiệm của tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới với những giải pháp hữu hiệu, tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào một số cây trồng phù hợp.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết: “Tỉnh sẽ giao cho các ngành Nông nghiệp, Khoa học Kỹ thuật xây dựng, đề xuất những cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, hỗ trợ những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào trong lĩnh vực này;  Không rập khuôn, máy móc, nhưng sẽ chọn lựa những loại cây gì, lĩnh vực nào phù hợp với thời tiết để sản xuất rau và hoa, sau đó nhân ra diện rộng; hướng tới trở thành một trong những tỉnh triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Dự kiến bước đầu tỉnh sẽ triển khai trồng rau, hoa và một số cây trồng khác phù hợp với điều kiện của địa bàn”.

Từ những
Từ những kinh nghiệm thực tế trong Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào một số cây trồng phù hợp trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng nông ngiệp công nghệ cao giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Nghệ An đã có định hướng quy hoạch từ 20 - 25 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổng diện tích  từ 8.000 – 10.000 ha. Trước mắt, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn với quy mô 200 ha./.

Quốc Toàn