Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tự sản xuất thức ăn chăn nuôi: Cách làm giàu mới của nông dân

11:35, 12/11/2017

Để đảm bảo nguồn chăn nuôi sạch, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nông dân huyện miền núi Con Cuông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng dây chuyền tự sản suất thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Gia đình anh Nguyễn Đức Hải ở khối 8, thị trấn Con Cuông gắn bó với nghề chăn nuôi gần 10 năm nay với quy mô trên 100 con lợn/lứa, 1.000 con gà và hàng trăm con chim cút. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch trong chăn nuôi, trước đây anh Hải áp dụng theo cách thức truyền thống đó là sử dụng các loại thức ăn tạp như cám ngô, rau xanh, cây chuối… vừa tốn thời gian vừa không đảm bảo chế độ dinh dưỡng.

a
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Đức Hải.

Đầu năm 2017, gia đình anh Nguyễn Đức Hải mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua hệ thống dây chuyền máy móc tự chế biến thức ăn chăn nuôi gồm: máy nghiền, máy trộn, máy đùn cám viên và máy sấy khô. Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được tận dùng từ những phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như: ngô, cám gạo, đỗ tương, cá tạp được nghiền nhỏ, sau đó đưa vào máy làm chín, ép thành viên rồi sấy khô. Tính ra, chi phí tự sản xuất 1kg thức ăn khoảng 8.500 đồng – 9.000 đồng, thấp hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với cám công nghiệp.

a
Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được tận dụng từ những phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương.

Anh Hải chia sẻ thêm: “Thức ăn tự sản xuất được sấy khô có thể sử dụng trong 2 - 3 tháng, vừa giảm được thời gian trong khâu cho ăn mà đàn lợn, gà lớn nhanh, sức đề kháng tốt, chất lượng thịt lại ngon, được thương lái ưa chuộng”.

Thức ăn tự sản xuất được sấy khô nên tiện cho việc bảo quản và sử dụng.
Thức ăn tự sản xuất được sấy khô tiện cho việc bảo quản và sử dụng.

Đánh giá cao về mô hình tự sản xuất thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Con Cuông Đoàn Thị Xuân Quý cho biết: “Ngoài giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, việc tự sản xuất đảm bảo an toàn, không có chất cấm, gây hại cho vật nuôi. Chúng tôi mong muốn thời gian tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn nói riêng, trên địa bàn huyện nói chung sẽ được tiếp cận, sử dụng nguồn thức ăn này để nâng cao hiệu quả kinh tế”. 

a
Tự sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ giúp nông dân kiểm soát được nguồn thức ăn mà còn tiết kiệm chi phí chăn nuôi, đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi giúp tăng năng suất.

Việc sử dụng thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong chăn nuôi, đặc biệt là đối với đàn lợn rừng lai. Mỗi năm, gia đình anh cho xuất 2 lứa, mỗi lứa 50 - 60 con. Trọng lượng mỗi con từ 25-30 kg, với giá bình quân 100.000 đồng/kg, gia đình anh đã có nguồn thu trên 250 triệu đồng. Chia sẻ về mong muốn trong thời gian tới, anh Hải cho biết: Ngoài phục vụ cho chăn nuôi của gia đình, anh còn muốn cung cấp thức ăn ra cho thị trường, đặc biệt là những hộ chăn nuôi ở huyện miền núi như Con Cuông để người dân giảm được chi phí trong chăn nuôi và quan trọng hơn tạo ra hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Minh Hạnh - Bá Hậu