Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Doanh nghiệp Nghệ An cần gì để hội nhập

18:47, 02/07/2016

Nghệ An vừa tổng kết đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân giai đoạn 2012 – 2015 và đang xây dựng kế hoạch phát triển, bồi dưỡng giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025. Vậy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Nghệ An đang cần gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập?

Trong hơn 3 năm triển khai đề án, doanh nghiệp Công ty CP XNK Thủy sản Nghệ An II cũng đã được hỗ trợ và trang bị những kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Những nền tảng đó phần nào cũng hữu ích đối với những đơn vị mới bước vào hội nhập sau khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy vậy, với tinh thần xây dựng cho kế hoạch phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã thẳng thắn chia sẻ những vấn đề còn tâm tư.

Ông Phan Đình Đức - Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nghệ An II cho biết: Sự cố môi trường vừa qua các tỉnh đều có họp doanh nghiệp thủy sản lại và có chính sách hỗ trợ nhưng tỉnh ta thì các doanh nghiệp thủy sản vẫn tự bơi. Chương trình của tỉnh cũng thể hiện quan tâm rồi nhưng chúng tôi cần cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp phát triển hơn.

Các doanh nghiệp thủy sản vẫn phải tự bơi
Các doanh nghiệp thủy sản vẫn phải tự bơi

Bên cạnh việc được bồi dưỡng lý thuyết về tìm kiếm cơ hội kinh doanh,  cách kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, học quản trị doanh nghiệp trước những rủi ro, cũng như đối thoại pháp lý thì doanh nhân Nghệ An đang rất cần sự đồng hành của một chính quyền minh bạch, có trách nhiệm. Đó là thể hiện cách ứng xử của một chính quyền coi công dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Theo ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Quỳ Hợp: Quan điểm là một chuyện nhưng thực hiện làm sao để từng cán bộ chuyên viên có năng lực, thái độ phục vụ coi doanh nghiệp là đối tượng cần phục vụ là vấn đề cần. Lãnh đạo thì chúng tôi không thấy nhiều vấn đề nhưng chất lượng chuyên viên hiện nay chúng tôi cho là đang có vấn đề.

Ở góc độ khác, việc tổ chức triển khai các lớp đào tạo về quản trị kinh doanh, thuế trong giai đoạn 2012 - 2015... nhằm trang bị các kỹ năng, kiến thức thời kỳ hội nhập cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ông Trần Anh Sơn - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư kí Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho hay: Trong hội nhập, vấn đề trang bị kiến thức cho cộng đồng doanh nhân am hiểu về thương mại quốc tế là rất cần thiết. Thứ hai là vấn đề ngoại ngữ thì chúng tôi dám đánh giá rằng đội ngũ doanh nhân của Nghệ An chưa mạnh. Chúng tôi mong muốn có những chương trình sâu sát hơn, thời sự hơn để doanh nghiệp Nghệ An sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Hội nghị giao ban hiệp hội doanh nghiệp  khu vực Bắc Trung Bộ
Hội nghị giao ban hiệp hội doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ

Với việc có quá nhiều hội doanh nhân nhưng thiếu một hiệp hội chung để đại diện ý chí, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền khi gặp khó khăn vướng mắc cũng là điều cản trở doanh nhân Nghệ An khi hội nhập. Và mô hình tại một số tỉnh bạn trong khu vực Bắc Trung Bộ đang là điều mà tỉnh cần có.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Tỉnh tập trung ý chí chỉ đạo, chủ trương chính sách xuống cộng đồng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, chúng tôi là đầu mối tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp phản ánh lên lãnh đạo tỉnh.

Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và cũng không ít rủi ro. Cùng với kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh thì các doanh nhân, doanh nghiệp Nghệ An cũng cần khắc phục những hạn chế mang tính truyền thống lâu nay như: hoạt động độc lập, tham gia thương trường bằng kinh nghiệm... để phát triển bền vững và có nhiều đóng góp hơn đối với sự phát triển của địa phương.

(Xuân Hướng)