Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cổ vật trong di tích: Bảo vệ trước, phát huy sau!

08:54, 14/10/2016

"Công nhận di tích quý, hiện vật quý xong rồi thì phải có cách mà bảo vệ. Luật Di sản luôn yêu cầu mọi người cố gắng bảo vệ và phát huy các cổ vật trong di tích tốt hơn. Mà bảo vệ là yếu tố đầu tiên, còn quan trọng hơn phát huy", PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói.

Chùa Ninh Khánh (Bắc Giang) bị kẻ gian phá cửa sổ vào trộm.
Chùa Ninh Khánh (Bắc Giang) bị kẻ gian phá cửa sổ vào trộm.

Nghị định quy định việc thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 21/9/2010 của Chính phủ đã quy định chi tiết về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích và ngăn chặn đào bới, trục vớt trái phép di chỉ khảo cổ học.

Nghị định này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các ban, ngành chức năng và địa phương trong việc bảo vệ di sản văn hóa, tổ chức quản lý di tích, không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

Không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích

Theo các cơ quan chức năng, trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc thực hiện nghiêm nội dung quy định của các văn bản pháp luật về trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức cho phù hợp với tình hình mỗi địa phương thì việc thống kê lại số lượng cũng như chất lượng cổ vật là một việc làm cần thiết. Qua đó, vừa đánh giá được thực trạng công tác bảo vệ cổ vật cũng như dễ dàng phân cấp quản lý hợp lý. Hơn nữa, việc làm này cũng tránh được tình trạng làm giả hồ sơ để đánh tráo cổ vật hay mất cắp cổ vật mà ngành chức năng không nắm được.

Phó Giáo sư Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận xét, hiện nay, việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả cơ quan hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về đánh giá cổ vật. Họ không phân biệt được cổ vật thật, cổ vật giả dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn. Do buôn bán cổ vật thu lợi nhuận rất cao cộng với trình độ làm giả tinh vi, mắt thường khó phân biệt nên việc kẻ gian lợi dụng đánh tráo cổ vật thật lấy cổ vật giả rất có thể xảy ra.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Việt Nam cần thiết phải xây dựng Trung tâm kiểm định đồ cổ, giúp các cơ quan hải quan và bảo vệ pháp luật xác định đồ cổ thật, giả được chính xác.

Với người dân, cổ vật trong các di tích mang một ý nghĩa tinh thần rất thiêng liêng, nếu chính quyền các cấp khéo huy động thì "tai mắt" người dân sẽ là "hàng rào" bảo vệ cổ vật hiệu quả nhất. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ cổ vật có lẽ là điều mà chính quyền các địa phương cần quan tâm.

Ngành công an cũng cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, đưa một số vụ việc ra ánh sáng để tạo tính răn đe. Về phía các cấp chính quyền cơ sở, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ cơ sở văn hóa, đình chùa, cần có chế độ thù lao thỏa đáng cho những người trông coi, cần chủ động nắm tình hình về số lượng cổ vật, giá trị của các cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử, đền, chùa... trên địa bàn để có phương án bảo vệ thích hợp.

Không thể bảo vệ chỉ bằng… người

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng hiện ý thức bảo vệ của người dân, người quản lý ở các di tích quốc gia đã được nâng lên, nhưng cần phải nâng cấp các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh cho cổ vật quý. Các giải pháp đó có thể tốn kém song nếu không làm thì khó lòng giữ được di sản.

Ông Bình đề nghị, có thể thì gắn hệ thống báo động, gắn chip điện tử vào cổ vật để có thể lần theo dấu vết khi chuyện không may xảy ra. Ngoài ra, có thể học cách làm ở đền An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh: Chiếc hộp vàng hình hoa sen thời Trần khi được trưng bày ở đây đã được bảo vệ trong tủ với lớp kính chịu lực và nhiều thiết bị khác tham khảo từ Hàn Quốc.

Một giải pháp được không ít người đưa ra là làm phiên bản của hiện vật để bày tại di tích, đưa hiện vật gốc về các bảo tàng hay kho lưu giữ. Tuy nhiên, theo ông Bình, hoàn toàn không nên làm như vật, bởi: “Hiện vật gốc có giá trị khi ở không gian gốc, không thể mang đi chỗ khác được”.

Theo một chuyên gia bảo tồn, hiện nay việc bảo vệ cổ vật tại các di tích đang trong tình trạng “toàn bảo vệ bằng người”, nghĩa là chỉ có người được huy động để trông coi các cổ vật, còn sử dụng công nghệ thì rất hạn chế. Chưa kể, số lượng người bảo vệ cũng không đông nên không thể bảo đảm sự an toàn cho hiện vật.

“Việc phòng chống trộm cổ vật ở di tích phải đầu tư bài bản. Các thiết bị bảo vệ lắp ở chùa chiền phải giấu kín để khỏi ảnh hưởng không gian nhưng việc này cũng không khó. Quan trọng là từ trước đến nay chưa có ai chi cho việc đó”, vị chuyên gia này nói.

Chính vì thế, theo vị chuyên gia này, việc bảo vệ cổ vật quý tại di tích bây giờ không phải là chuyện làm thế nào mà là chuyện có quyết tâm làm hay không.

(Theo VGP)