Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thành Trà Lân – Di tích lịch sử cần được bảo vệ

10:09, 16/03/2011
Thành Trà Lân gắn liền với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của chủ tướng Lê Lợi đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng ở huyện Con Cuông. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm với sức tàn phá của tự nhiên, thành Trà Lân đang dần bị mai một.

 

Thành Trà Lân nằm cách thị trấn Con Cuông gần 2km, thuộc bản Tân Hoà, xã Bồng Khê. Thành gắn liền với cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược. Tương truyền rằng, để chiếm đóng khu vực Tây Nam Nghệ An, tướng giặc Minh Cầm Bành đã cho xây dựng thành, cho hàng nghìn quân sỹ canh gác, trấn giữ. Thành được xây dựng phía tả ngạn sông Lam, có hào sâu, có luỹ tre, nhiều ngọn núi bảo vệ. Năm 1424, tướng Lê Lợi dẫn đầu hàng nghìn quân sỹ đánh chiếm thành làm nên chiến thắng lịch sử đi vào thơ ca. Sau khi thắng lợi, Lê Lợi chọn vùng Khe Đóng, Thạch Ngàn để chiêu binh, tập hợp lực lượng. Chiến thắng của Lê Lợi góp phần không nhỏ trong chiến thắng chống quân Minh xâm lược của dân tộc ta. Tuy nhiên, trước việc nhà dân đã và đang mọc lên ngày càng nhiều thì nguy cơ vùi lấp di tích lịch sử này đang hiện hữu.

 

Rất khó phát hiện bóng dáng của "miền Trà Lân trúc trẻ tro bay" nơi đây

 

Theo cán bộ văn hoá huyện và người dân ở đây cho biết, vật liệu để xây thành chủ yếu bằng gạch, một loại dày 20cm, dài 30cm, rộng 40cm để xây thành. Một loại dùng để trang trí, có hoa văn uốn lượn rất tinh xảo, dày 2,5cm, dài 30cm, rộng 15cm. Nhưng giờ không còn nguyên vẹn và bị vùi sâu dưới đất. Hào bảo vệ thành trải qua hàng trăm năm, nay chỉ còn dài gần 1km, nơi sâu nhất chỉ còn 1m. Phần lớn di tích đã bị đất đá vùi lấp rất khó phát hiện.

 

Trước thực trạng đó, mấy năm trước, huyện Con Cuông đã đưa Thành Trà Lân là di tích lịch sử cần được bảo vệ. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay, việc trùng tu, sửa chữa di tích vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hiền, Cán bộ Trung tâm văn hoá huyện Con Cuông còn cho biết thêm: Thành Trà Lân nằm trong cụm di tích lịch sử được huyện lập hồ sơ trình Tỉnh để đầu năm 2011 trình bộ Văn hoá – thể thao du lịch để được công nhân di tích lịch sử cấp QG.

 

Để thành Trà Lân sống mãi với thời gian, cần lắm sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành để thế hệ mai sau mãi tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

 

(Hương Sen)