Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sáp nhập TT giáo dục thường xuyên và TT dạy nghề: Cần hướng đi cụ thể

19:33, 10/07/2017

Hiện nay,12 huyện trong tỉnh đã có Quyết định phê duyệt đề án sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên theo Thông tư 39 Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ nội vụ. Tuy vậy, hiện trên địa bàn tỉnh việc thực hiện chuyển đổi, sáp nhập còn nhiều vướng mắc.

Sở hữu diện tích rộng gần 6.200 m2 nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nghi Lộc chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề. Lâu nay Trung tâm vẫn chỉ cơ bản dừng lại ở việc đào tạo bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ chuyên môn; dạy nghề phổ thông; giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT… còn việc hướng nghiệp và dạy nghề ngắn hạn tại Trung tâm rất khó triển khai. 

Cơ sở, trang thiết bị dạy
Cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề khiến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nghi Lộc khó thực hiện được Thông tư 39.

Theo chia sẻ của Võ Văn Ân - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nghi Lộc: “Theo Thông tư 39, khi đổi tên Trung tâm giáo dục dạy nghề - Trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ rất thuận lợi cho việc hướng nghiệp và dạy nghề. Học sinh được dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia; khi học nghề các em sẽ không mất học phí, được học gần nhà. Trung tâm giáo dục thường xuyên được phép liên kết với các Trường CĐ nghề trên địa bàn tỉnh.”

Hiện nay, 12 huyện trong tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi, trong đó 7 huyện đã có quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên đối với các địa phương có các loại hình vừa có trường Trung cấp nghề trực thuộc huyện vừa có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc vừa có trường Trung cấp nghề trực thuộc Tỉnh vừa có Trung tâm Giáo dục thường xuyên, thì việc việc sáp nhập hoặc giữ nguyên đang còn lúng túng. Và nếu thực hiện theo Thông tư 39 thì các trường Trung cấp nghề hiện không thuộc đối tượng sáp nhập.

a
Các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện Thông tư 39.

Nói về những bất cập, thầy giáo Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành cho biết: “Trường Trung cấp nghề không nằm trong đối tượng thực hiện Thông tư 39; nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn cho các trường giáo dục nghề nghiệp. Bởi trong lộ trình phát triển của trường đến năm  2020 sẽ đi đến tự chủ tài chính, nếu nhập thêm các biên chế giáo viên giáo dục văn hóa sẽ ảnh hưởng đến lộ trình này.”

Với đặc thù vừa có trường Trung cấp nghề trưc thuộc huyện lại vừa có Trung tâm giáo dục thường xuyên, huyện YênThành hiện đã xây dựng xong đề án đổi tên Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp công lập. Tuy nhiên, quan điểm của địa phương đã có trường Trung cấp nghề thì không nên bổ sung chức năng giáo dục nghề nghiệp cho Trung tâm giáo dục thường xuyên và cũng không thực hiện sáp nhập theo đúng như tinh thần của Thông tư 39.

Cụ thể, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Quan điểm của huyện, địa phương nào có trường Trung cấp nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên không nên cứng nhắc phương án sáp nhập, nên phù hợp với phương án của địa phương.”

a
Cần hướng đi cụ thể cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề khi thực hiện chuyển đổi, sáp nhập.

Sáp nhập, chuyển đổi là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Với quy mô 35 trường Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay thì các địa phương cần có lộ trình cụ thể. Đặc biệt, cần tính đến hiệu quả hoạt động sau chuyển đổi, sáp nhập để hướng tới giảm bớt đầu mối quản lý, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách Nhà nước mà vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh - sinh viên trong tìm kiếm cơ hội học tập và đào tạo nghề.

(Thanh Hà)