Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khó khăn đầu ra cho cây nghệ tại Nghĩa Đàn

10:18, 21/03/2019
Đến thời điểm này, giá nghệ củ tươi giảm gấp 3 - 4 lần và giá tinh bột nghệ giảm xuống còn 1/2, nhiều vườn nghệ củ ở Nghĩa Đàn đã đến vụ thu hoạch nhưng nông dân không biết bán cho ai.    

Năm 2016, giá nghệ củ tươi có thời điểm lên cao 15 ngàn đồng/kg, ở xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Đàn nhiều hộ dân vừa chuyển đổi, vừa trồng xen dưới các tán cây trồng khác để tăng thêm thu nhập. với hy vọng cải thiện được đời sống, và có thu nhập cao hơn so với một số nông sản khác. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, giá nghệ củ tươi giảm gấp 3 - 4 lần và giá tinh bột nghệ giảm xuống còn 1/2, nhiều vườn nghệ củ đến vụ thu hoạch thì không biết bán cho ai.    

Giá nghệ thấp nông dân không mặn mà.
Giá nghệ thấp nông dân không mặn mà.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở xóm Sơn Thượng, xã Nghĩa sơn, cả vườn Quýt PQ được gia đình chị tận dụng trồng xen nghệ củ. Những năm trước, sau khi thu hoạch quýt xong, gia đình cũng đào nghệ bán, nhưng 2 năm nay, giá nghệ giảm mạnh, năm ngoái vào thời điểm này cũng được 7 ngàn đồng/kg. Thấy giá nghệ xuống thấp, gia đình chị Yến không thu hoạch, tiếp tục chăm sóc thêm một năm nữa, để mong giá nghệ tăng trở lại. Nhưng càng đợi giá nghệ càng rớt thảm, chỉ được 3.500 đồng/kg.

Nghệ càng để giá càng giảm
Nghệ càng để lâu càng rớt giá.

Nghệ đã đến kì thu hoạch, nhưng gia đình vẫn phải kéo dài thời gian để già củ và tranh thủ tìm đầu ra cho khâu tiêu thụ”- chị Nguyễn Thị Yến, xóm Sơn Thượng, Nghĩa Sơn bày tỏ.
Đặc điểm của cây nghệ là dễ thích nghi với thổ nhưỡng đất trồng, có thể trồng xen canh với nhiều loại cây công nghiệp nên nhiều nông hộ không ngần ngại trồng với diện lớn. Đặc biệt, loài cây này rất khỏe và ít bị bệnh hại.

Chị Vũ Thị Vân ở xóm Sơn Đông cũng đã tính tới việc tự xay nghệ thành bột để dùng và bán dần. “Nghệ trồng ổn định hơn các loại cây khác, nhưng khó khăn đầu ra và giá cả không ổn định. Nếu mức giá thấp như hiện nay, người trồng nghệ sẽ không đủ công, chỉ đủ mua giống trồng lại nên gia đình tính xay làm tinh bột dùng trong gia đình”- chị Vân chia sẻ.

Nhiều gia đình tính tới việc tự xay nghệ thành bột để dùng và bán dần.
Nhiều gia đình tính tới việc tự xay nghệ thành bột để dùng và bán dần.


Được biết Nghĩa Sơn là địa phương có diện tích đất trồng nghệ nhiều nhất huyện, với hơn 12 ha, tập trung các xóm Sơn Nam, Sơn Thượng... Để bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của người dân nơi đây làm ra, tại địa phương cũng đã có nhiều hộ đã cùng nhau liên kết làm tinh bột nghệ, sản phẩm tinh nghệ ở Nghĩa Sơn đã được nhiều người biết đến. Ở Nghĩa  Sơn hiện nay đã có nhiều hộ đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất tinh bột nghệ, nhưng do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, mong muốn của người dân sớm được  xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm.

“Gia đình làm nghề đã 6 - 7 năm nay, nhưng năm nay giá nghệ xuống thấp quá, người dân chúng tôi mong muốn được các cấp các ngành quan tâm, giúp đỡ xây dựng thương hiệu tinh nghệ Nghĩa Sơn để sản phẩm bán dễ hơn, có thêm thu nhập”- bà Lương Thị Duyên, xóm Sơn Nam, Nghĩa Sơn mong muốn.

Hiện nay tinh bột ngột có giá 130 nghìn đồngkg
Hiện nay tinh bột nghệ có giá 130 nghìn đồng/kg.

Tốn thời gian gần 1 năm, chi phí sản xuất không dưới 20 triệu đồng/ha, nếu không tìm được đầu ra cho sản phẩm, thì thiệt hại đối với nông dân Nghĩa Sơn sẽ là con số không nhỏ.

“Những năm trước đây nghệ tươi lên cao, dân tự phát mở rộng trồng nghệ, năm nay giá nghệ xuống thấp, không chỉ củ nghệ mà cả tinh nghệ cũng giảm từ 300 ngàn đồng xuống 130 ngàn đồng/kg. Cũng như người dân, chúng tôi mong muốn xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ để sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn mà còn xuất bán cho các Công ty dược..” - ông Trần Quốc Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn trao đổi.
Không chỉ có nghệ, hiện nay, các mặt hàng nông sản làm ra khó tiêu thụ, giá rẻ đang diễn ra và đang là bài toán khó giải, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Minh Thái