Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Huyện miền núi Nghĩa Đàn tạo sinh kế giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo

10:33, 18/09/2019
Với phương châm tạo sinh kế để phát triển bền vững, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách chung của Hội nông dân tỉnh, Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều chính sách phù hợp, cách làm hay, mô hình hiệu quả và hiện đang được nhân rộng. Qua đó, giúp hội viên nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Năm 2017, gia đình anh Lê Trọng Hà ở xóm Lung Thượng là một trong 3 hộ may mắn được chọn làm điểm để nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế dê giống sinh sản cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với 7 con dê giống, gia đình anh Hà còn được tham gia lớp tập huấn trang bị kiến thức về chăn nuôi dê sinh sản. Nhờ cần cù chịu khó, chăm sóc, đến nay đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, gia đình đã bán được 35 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Đàn dê của gia đình anh Hà được chăm sóc một cách khoa học.

Trước đây gia đình cũng rất khó khăn, năm 2017 được Huyện và tỉnh phối hợp hỗ trợ gia đình tôi 1 con dê đực và 6 con dê cái, thức ăn 1 năm. Dê sinh sản rất nhanh và dễ nuôi, ở đây cây cối nhiều nên dễ tìm nguồn thức ăn. Hiện đàn dê của gia đình còn 20 con, trước đó tôi bán được 35 triệu để cho con cái học hành, thêm tiền sửa chữa nhà ở" - anh Hà chia sẻ.
Cũng như gia đình anh Hà, ở xóm Lung Bình có hộ anh Lê Văn Đường cũng may mắn được hưởng chương trình hỗ trợ sinh kế này. Đến nay, mô hình thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi dê là loại động vật ăn tạp, sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là cây cỏ xung quanh vườn nên chăn nuôi không tốn kém, vất vả như các vật nuôi khác; mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đầu ra và giá dê thịt luôn ổn định.

Bán được lứa dê đầu tiên gia đình anh Hà có thêm tiền xây mới ngôi nhà khang trang.

“Sau khi được Hội nông dân tỉnh và huyện bỗ trợ dê giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, sau 2 năm đàn dê phát triển tốt, chúng tôi đã bán được 15 triệu, hiện tại vẫn còn 25 con.  Quá trình nuôi dê cho thấy, nuôi dê lãi hơn trâu, bò. Vì vậy, gia đình tôi sẻ mở rộng khu chuồng nuôi, mua thêm con giống để nuôi" - anh Lê Văn Đường, hội viên nông dân xóm Lung Bình, xã Nghĩa Lợi vui mừng nói.

Thời gian tới gia đình anh Đường sẻ mở rộng khu chuồng nuôi, mua thêm con giống để nuôi.

Chương trình hỗ trợ dê giống sinh kế được triển khai tại xã Nghĩa Lợi có 3 hộ tham gia. Để chương trình đạt hiệu quả cao, Hội nông dân xã đã lựa chọn các hộ có đủ điều kiện, kinh nghiệm và sở thích chăn nuôi, từ đó để mọi người có thể học tập kinh nghiệp để nhân rộng trên địa bàn. Từ mô hình này, đến nay 6/6 xóm trên địa bàn đã có từ 5 đến 10 hộ đầu tư nuôi dê theo định hướng và quy mô từ 15-20 con.

Dê là loại động vật ăn tạp, sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là cây cỏ xung quanh vườn.

Sau 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế dê giống sinh sản cho hội viên nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bà Đặng Thúy Hà – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Được sự quan tâm của tỉnh, trực tiếp là hội nông dân huyện trong việc xây dựng mô hình nuôi dê sinh kế cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Hội nông dân huyện lựa chọn 3 hộ tại xã Nghĩa Lợi. Đến thời điểm này mô hình phát huy hiệu quả, mỗi hội cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng/năm. Năm 2019, Hội sẻ nhân rộng mô hình tại địa bàn xã Nghĩa Thọ.”

Hội nông dân huyện xã tham quan quá trình nuôi của đình anh Lê Trọng Hà ở xóm Lung Thượng.

“Mô hình nuôi dê sinh kế cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số là một lợi thế cho địa phương miền núi như xã Nghĩa Lợi. Đến nay, mô hình phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và Hội cũng đã nhân rộng trên toàn địa bàn" - ông Lô Quang Hòa, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Lợi trao đổi.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình hỗ trợ sinh kế dê giống sinh sản cho hộ đồng bào dân tộc thiếu số được triển khai tại ở xã Nghĩa Lợi không chỉ góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững mà tạo ra hướng phát triển cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có việc làm, tăng thêm thu nhập.

Minh Thái 

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm