Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Libya đứng trước cơ hội mới chấm dứt 4 năm khủng hoảng

08:02, 10/10/2015

Chỉ riêng việc thống nhất được danh sách ứng cử nội các cũng đã là một thành công, mở ra cơ hội lớn cho Libya chấm dứt khủng hoảng bấy lâu nay.

Liên Hợp Quốc hôm 8/10 đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Libya nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Bắc Phi này hơn 4 năm sau khi chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi bị sụp đổ.

Có thể nói, Libya đang đứng trước cơ hội lớn để chấm dứt khủng hoảng, bởi chỉ riêng việc thống nhất được danh sách ứng cử thành phần nội các cũng đã là một thành công.

Đề xuất của Liên Hợp Quốc được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán giữa hai phe phái đối lập chính tại Libya, đồng thời cũng là đại diện của 2 Chính phủ và 2 Quốc hội hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này. 

Phát biểu với báo chí ở Morocco, nơi diễn ra các cuộc đàm phán, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya, ông Bernadino Leon tuyên bố, sau 1 năm theo đuổi tiến trình này, làm việc với hơn 150 nhân vật Libya từ mọi khu vực, cuối cùng đã tới thời điểm mà có thể đề xuất về một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Trong bộ máy chính phủ này sẽ có sự tham gia của cả các quan chức Quốc hội Libya được dân bầu và Đại hội nhân dân toàn quốc, tức cơ quan lập pháp cũ. Để có hiệu lực, danh sách đề cử cần phải được cả hai phe đối lập ở Libya bỏ phiếu thông qua.

Dù thừa nhận hiện các bên vẫn còn bất đồng về các vị trí chủ chốt, song Liên Hợp Quốc tin tưởng, nội các mới của Libya, một khi được thông qua, sẽ thành công trong việc chấm dứt xung đột.

Theo Liên Hợp Quốc, đây là lựa chọn duy nhất đối với quốc gia Bắc Phi này nếu không muốn đất nước đối mặt với khoảng trống chính trị và một tương lai không chắc chắn.

Hy vọng về việc thành lập chính phủ mới tại Libya đứng trước muôn vàn thử thách.

Hy vọng về việc thành lập chính phủ mới tại Libya đứng trước muôn vàn thử thách.

Lộ trình chính trị toàn diện và khả thi

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Lần đầu tiên trong gần 4 năm qua, Libya có một lộ trình chính trị toàn diện, khả thi và nhất là đạt được thông qua đàm phán. Không có thỏa thuận nào là hoàn hảo, nhưng điều này sẽ giúp Libya tiến lên, vượt qua bất ổn, hướng tới sự ổn định và dân chủ trong một khuôn khổ pháp lý rõ ràng.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cũng hối thúc các bên liên quan ở Libya sớm đạt được thỏa thuận hòa bình, thành lập chính phủ mới để nhanh chóng ổn định tình hình trong nước, tránh tạo cơ hội cho các phần tử cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển và gây rối, và khôi phục nền kinh tế đang suy sụp của quốc gia này.

Ông Kerry nói: “Đây là cách duy nhất để Libya có thể tiến lên phía trước. Tôi hi vọng tất cả mọi người sẽ cùng tham gia và đóng góp vào các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.  Libya là một quốc gia nhỏ, nhưng lại có nguồn tài nguyên dồi dào. Nếu đoàn kết, thì tất cả đều được hưởng lợi. Song nếu các phe phái tiếp tục đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người dân, thì điều này sẽ chỉ càng tạo cơ hội cho nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.”

Gần 4 năm sau khi chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi bị sụp đổ năm 2011, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn với sự tồn tại song song của 2 Quốc hội và 2 chính phủ đối lập. Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, Quốc hội Libya được dân bầu hồi tháng 6 năm ngoái sẽ thay thế Đại hội nhân dân toàn quốc, được lập nên từ năm 2011.

Tuy nhiên, Đại hội nhân dân toàn quốc, với sự ủng hộ của Liên minh Hồi giáo vũ trang Bình Minh Libya quyết không rời bỏ quyền lực và lập chính phủ riêng đặt ở thủ đô Tripoli, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải rời xuống miền Đông.

Trong suốt 1 năm qua, Liên Hợp Quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã nhất trí được một lệnh ngừng bắn.

(Theo VOV)