Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hy vọng mới nào cho TPP?

07:31, 13/07/2017

Đại diện 11 nước đã thống nhất việc sẽ hợp tác chặt chẽ để Hiệp định TPP có thể hiệu lực sớm nhất.

Ngày 12/7, tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cuộc gặp giữa đại diện cấp cao 11 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không bao gồm Mỹ đã được tiến hành.

Nhật Bản-với tư cách là Chủ tịch đã đề nghị các nước tham gia nỗ lực hợp tác để Hiệp định có thể thực hiện sớm.

Đại diện các nước tham gia đàm phán TPP tại Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times)
Đại diện các nước tham gia đàm phán TPP tại Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times)

Nhật Bản cũng đã đề cập đến kết quả của cuộc gặp cấp Bộ trưởng được diễn ra vào hồi tháng 5 vừa qua tại Việt Nam, khẳng định rằng tại cuộc gặp này đã thu được những kết quả khả quan khi vượt qua được những quan điểm khác nhau.

Tại phiên thảo luận ngày làm việc đầu tiên, Nhật Bản, Newzealand, Canada đã có chung lập trường là cần phải điều chỉnh lại những điều kiện trong Hiệp định khi không có sự tham gia của Mỹ để có thế Hiệp định sớm có hiệu lực. Việt Nam và Malaysia cũng hy vọng những nội dung trong Hiệp định phù hợp với thị trường trong nước để những thị trường này có thể mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Cuối ngày làm việc đầu tiên, đại diện 11 nước đã thống nhất việc sẽ hợp tác chặt chẽ để Hiệp định có thể hiệu lực sớm nhất, nhưng cẫn còn có những quan điểm chưa thống nhất trong từng nội dung của Hiệp định.

Các thành viên khác của TPP đang hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thay thế mà không cần sự tham gia của Mỹ, được gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1," trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới.

TPP đã được ký kết vào tháng 2/2016 bởi Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam - chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, phía Mỹ đã tuyên bố rút lui khỏi hiệp định đa phương này để tập trung nghiên cứu các hiệp định thương mại song phương.

(Theo VOV)