Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nguyên tắc 4 đúng và cách khắc phục hiện tượng sâu bệnh kháng thuốc

17:17, 09/08/2017

Sâu bệnh kháng thuốc đang là mối lo lắng của các chuyên gia nông nghiệp. Liệu có phải sẽ tới lúc chúng ta không còn biện pháp hiệu quả để khống chế dịch hại? Cùng truyenhinhnghean.vn trao đổi với các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và lắng nghe những tư vấn trong cách khắc phục sâu bệnh kháng thuốc.

Vụ hè thu năm 2017, bà con nông dân gặp nhiều điều kiện bất lợi. Ngoài sự thất thường của thời tiết thì sâu bệnh năm nay cũng phát sinh nhiều nơi, gây hại cho nhiều đối tượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Trước tình hình sâu bệnh phức tạp, ngành nông nghiệp các địa phương đã chỉ đạo các biện pháp phòng trừ, tuy nhiên, bà con ở nhiều nơi vẫn còn tự ý phun thuốc theo kinh nghiệm truyền miệng.

Chia sẻ của ông Mai Văn Hợi – người dân xóm 7, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên: “Thông thường các thửa ruộng cạnh nhau hay gặp cùng một loại bệnh. Do vậy nhà bên cạnh phun thuốc gì thì mình cũng mua thuốc đó về phun.”

Cách làm của ông Hợi cũng là cách mà đa số bà con nông dân vẫn làm. Nhận định của ông Nguyễn Tuấn Lộc - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV về việc sử dụng thuốc BVTV của người nong dân: “Đa số người nông dân vẫn chưa có ý thức sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Để nhanh chóng có hiệu quả, bà con thường tự ý tăng nồng độ, liều lượng hoặc sử dụng không đủ lượng thuốc và nước trên một đơn vị diện tích. Điều này sẽ làm cho dịch hại quen thuốc và dẫn đến kháng thuốc.”

a
Hiện tượng sâu bệnh kháng thuốc ngày càng tăng cao do cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân.

Sâu bệnh kháng thuốc là gì?

Tính kháng thuốc của sâu bệnh là khả năng của sâu ngày càng chịu được một lượng thuốc lớn hơn lượng thuốc sử dụng thời gian đầu, do thuốc được sử dụng thường xuyên nhiều lần. Khả năng này có thể di truyền cho đời sau, dù cá thể của đời sau có hay không tiếp tục tiếp xúc với thuốc. Tình trạng sâu bệnh kháng thuốc ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, khiến cho bà con càng ngày càng phải sử dụng một lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn hơn, vừa tốn kém chi phí, vừa ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các loại sâu bệnh kháng thuốc ngày một đa dạng hơn khiến cho người dân rất khó kiểm soát dịch hại trên đồng ruộng, kéo theo những thiệt hại lớn cho mùa màng.

Làm thế nào để khắc phục?

Theo Thạc sỹ Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, ngay từ bây giờ bà con nông dân phải điều chỉnh cách sản xuất, canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm hạn chế tình trạng sâu bệnh kháng thuốc. Ông Lam cũng tư vấn một số biện pháp kỹ thuật để khắc phục như sau:

Th.s Trịnh Thạch Lam trao đổi về sâu bệnh với bà con nông dân
Thạc sỹ Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An trao đổi về sâu bệnh với bà con nông dân.

1. Sử dụng các biện pháp canh tác hợp lý:

Các biện pháp canh tác được sử dụng phù hợp sẽ tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng kháng tự nhiên đối với dịch hại. Đồng thời, các biện pháp này cũng tạo ra điều kiện bất lợi để dịch hại không phát triển được, do đó làm giảm tác động của chúng trên đồng ruộng. Ví dụ như đối với các loại cây trồng cạn như ngô, rau mầu...., biện pháp làm đất kỹ có tác dụng tiêu diệt sâu non và cỏ dại tồn tại trong đất canh tác; điều tiết nước phù hợp trong canh tác lúa sẽ góp phần hạn chế và tiêu diệt cỏ dại trong ruộng; điều chỉnh thời vụ hợp lý sẽ giảm tới mức thấp nhất thiệt hại của sâu bệnh.... Do đó, tùy loại cây trồng mà bà con tìm hiểu cách chọn giống, làm đất, xử lý đất, bón phân, tưới tiêu, luân canh xen canh hợp lý.

Biện pháp trừ sâu sinh học có hiệu quả.
Biện pháp trừ sâu sinh học.

Khi mới xuất hiện sâu bệnh, ưu tiên sử dụng các biện pháp trừ sâu sinh học như làm bẫy, bắt sâu, diệt trứng, diệt bướm bằng tay hoặc vây lưới...

2. Sử dụng những loại thuốc ít có khả năng gây tính kháng thuốc: 

Phần lớn các loại thuốc hóa học tác động trực tiếp đến hệ thần kinh đều dễ gây tính kháng thuốc. Bà con nên lưu ý khi chọn thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và thảo mộc vì nhóm thuốc này ít có khả năng gây tính kháng thuốc ở sâu bệnh.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả các chế phẩm sinh học bà con cần tìm hiểu kỹ càng về loại thuốc mình định sử dụng. Lưu ý khi thời tiết nắng, nhiệt độ cao thì nên ưu tiên các loại chế phẩm chứa vi khuẩn hoặc vi rút, ngược lại khi thời tiết ẩm ướt thì cân nhắc sử dụng các loại nấm, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các yếu tố sinh học này phát triển và khống chế dịch hại. 

3. Dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”

Thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp cuối cùng được sử dụng khi tất cả các biện pháp khác đều không còn hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải luôn tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.

+ Đúng thuốc: Sử dụng đúng chủng loại thuốc đối với từng loại dịch hại

+ Đúng nồng độ và liều lượng: Không tự ý tăng hoặc giảm lượng thuốc, nên đọc kỹ và làm đúng theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì thuốc.

Áp dụng nguyên tắc
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" để tăng tính hiệu quả trong diệt trừ sâu bệnh.

+ Đúng lúc: Chỉ sử dụng thuốc khi dịch hại bùng phát đến một mật độ nhất định và không còn khả năng kiểm soát, có khả năng gây thiệt hại lớn cho mùa màng. 

+ Đúng cách: Dựa vào đặc điểm của từng loại thuốc và từng loại sâu bệnh để sử dụng. Ví dụ, với cây lúa, các loại dịch hại trú ẩn dưới gốc thì bà con phải phun làm sao cho thuốc tiếp xúc với gốc lúa, khi đó dịch hại mới tiếp xúc với thuốc và mới bị tiêu diệt.

4. Luân phiên thay thế các loại thuốc:

Trong thực tế, bà con nông dân khi tìm ra được 1 loại thuốc có hiệu quả cao thì sẽ sử dụng thường xuyên liên tục trong nhiều vụ, điều này tạo điều kiện cho dịch hại quen với thuốc và hình thành tính kháng thuốc. Bà con nên luân phiên sử dụng thay thế các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau và cách tác động khác nhau lên đối tượng sâu bệnh để đạt hiệu quả cao.

Anh Đào