"Hạt mầm" khát vọng của một người mẹ
|
Người mẹ ấy là Vũ Thị Dung, 43 tuổi, người sáng lập Quỹ Khát vọng đồng hành, giúp đỡ trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lứa tuổi lớp 5 đến lớp 12. Chị tâm niệm, món quà lớn nhất trong suốt chặng đường dài 7 năm qua là những tờ giấy báo đỗ đại học, các con ra trường có việc làm, có em chọn cánh cửa học nghề… Nhưng điều quan trọng nhất là các con đều biết đáp trả cuộc đời bằng cách sống tử tế, trở thành người phụng sự cộng đồng.
15 tuổi, Phạm Thị Hoài Thương (quê Hà Tĩnh) trải qua cú sốc lớn nhất trong cuộc đời: mẹ mất vì ung thư gan.
"Mẹ mất, 4 tháng sau em như trầm cảm, tự kỷ. Đã có lúc em thấy mình bất hạnh nhất, không muốn sống nữa", Thương nhớ lại những ngày gian khó.
|
Không có bố, mẹ qua đời, đứa trẻ sống bơ vơ một mình nơi quê nhà. Đến tháng 4-2015, có một người phụ nữ lặn lội từ Hà Nội vào Hà Tĩnh trao cho cô bé một cái ôm thật chặt.
Thương nhớ, từ ngày mẹ mất hình như em chưa ôm ai hết.
"Cái ôm như tiếp thêm động lực, em cảm giác như ‘mẹ mình đây rồi’", Thương nói và bắt đầu suy nghĩ lại: "Tại sao mình lại sống không có mục tiêu như thế này?".
Và cô quyết tâm thay đổi. Phấn đấu không ngừng nghỉ trong học tập. Càng cố gắng khi xung quanh luôn có những người tốt nâng đỡ trong lúc khó khăn nhất.
4 năm sau cú sốc đầu đời, Hoài Thương bước sang tuổi 19 và hiện là sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ra Hà Nội sinh sống trong ngôi nhà Khát vọng, Thương nói chính người phụ nữ trao cho em cái ôm ngày đó đã "hồi sinh" em một lần nữa.
Gấp lại tờ giấy báo đỗ đại học, Phạm Quang Vinh (20 tuổi, quê Quảng Nam) khăn gói ra Hà Nội xin học nghiệp vụ khách sạn.
|
Nơi đất khách quê người, Vinh nương nhờ ngôi nhà chung Khát vọng, được mẹ Dung giới thiệu vào làm ở một khách sạn 5 sao và có thu nhập ổn định.
Vinh nhớ, năm lớp 11 là những chuỗi ngày cơ cực nhất cuộc đời của cậu học trò nghèo.
Bố phát hiện ung thư bị mất khả năng lao động, mẹ bị bệnh thận ốm đau liên miên, dưới Vinh còn 3 đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn. Vừa học Vinh vừa đi phụ hồ, bốc vác thuê để phụ giúp gia đình.
"Hay mình nghỉ học?", cậu trăn trở. May mắn thay, cũng cánh tay ấy đã chìa ra đúng lúc nâng đỡ bước chân của cậu học trò nghèo hiếu học, hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng để Vinh an tâm học hết lớp 12.
"Không chỉ giúp đỡ vật chất, mẹ Dung còn hỗ trợ mình về mặt tinh thần, những năm cuối cấp mẹ hay gọi điện hỏi thăm. Chỉ là những câu hỏi đơn giản 'Con à, nay con ăn gì?', 'Con khỏe không?' 'Đi làm có mệt không?' nhưng với mình 'nó' cần lắm.
Đỗ đại học nhưng nhà không có điều kiện nên mình quyết định đi học nghề do mẹ Dung giới thiệu. Hàng tháng mình chi ra 3 triệu đồng gửi về cho bố mẹ nuôi các em", Vinh tâm sự.
|
Khởi nguồn từ năm 2012, đến nay hành trình Khát vọng đã đi được chặng đường 7 năm, người mẹ của hàng trăm đứa con nói hạnh phúc nhất là thấy được sự thay đổi của các con.
Dù đi đâu, ở bất cứ nơi nào, có một điều chúng không thể nào quên là đều đặn gửi những bức thư tay về cho mẹ Dung.
Những dòng viết run rẩy, có dòng chữ mờ đi vì nước mắt nhưng đều là những lời lấp lánh xuất phát từ trái tim dành tặng cho người mẹ.
Trong túi xách của người mẹ ấy luôn dành một ngăn thật rộng cất kỹ những bức thư của các con và đi đâu chị cũng mang theo bên mình.
"Đọc những bức thư ấy lúc nào tôi cũng thấy xúc động, mới thấy thực sự hạt mầm hạnh phúc đã nảy nở trong lòng các con. Đấy là hoa trái lớn nhất, hạnh phúc nhất mà mình nhận được", chị Dung nói.
|
Để "hạt mầm" Khát vọng nảy nở như ngày hôm nay, chị Dung nhớ lại những ngày đầu tiên "đi gieo hạt". Chị thường xuyên tham gia các chuyến đi thiện nguyện, cho đến ngày đến thăm một trung tâm bảo trợ xã hội, chị cảm thấy xót xa vì không nhìn thấy được tương lai của hàng trăm đứa trẻ ở đây.
"Tôi trăn trở và quyết định làm theo cách khác cho dù năng lực hạn chế, đi từ cái nhỏ nhất, tạo giá trị thực sự cho những người được nhận. Chính ngày hôm đó Khát vọng ra đời thể hiện mong muốn, khát khao thay đổi, được giúp các bạn yếu thế thay đổi", chị Dung nhớ lại quyết định ngày ấy.
Nhìn rộng ra trong nhóm yếu thế, chị nhận thấy nhóm học sinh tuổi "teen" mồ côi cha mẹ đối mặt với nhiều rủi ro về tâm sinh lý, thiếu cơ hội đến trường, không được yêu thương, thiếu điểm tựa tinh thần.
|
Biết rằng việc giúp đỡ những đứa trẻ này là cả quãng đường dài, đòi hỏi thời gian, đòi hỏi sự hiểu biết, tình yêu thương vô điều kiện và tinh thần dấn thân không mệt mỏi, chị Dung cùng Khát vọng đã đi từng bước, từng bước.
"Tìm thấy" một đứa trẻ, chị dang rộng vòng tay đón các con vào đại gia đình, chăm sóc chúng như những đứa con của mình.
Hành trình chăm sóc, cưu mang một đứa trẻ ở ngôi nhà chung thường rất lâu, có em nhỏ được "tìm thấy" từ năm lớp 5 được chăm sóc đến ngày con học hết lớp 12 và 6 tháng sau đó. Tổng cộng chặng đường đó dài khoảng 8 - 9 năm.
36 tuổi, chị Vũ Thị Dung có một gia đình nhỏ để yêu thương, có một người mẹ già đặt hết niềm tin, kỳ vọng vào đứa con gái độc nhất.
Ba năm đầu, một tay chị Dung chăm bẵm "đứa con tinh thần" Khát vọng. Chị dành quá nhiều thứ cho "nó" đến nỗi chồng trách cứ, con cái trách cứ, người mẹ cũng lắc đầu phản đối.
Đang làm giám đốc nhân sự, cả ngày đã quay cuồng với guồng quay công việc, tối đến chị còn ngồi lì trước màn hình máy tính, gọi điện thoại liên tục và cuối tuần lại đi xác minh từng trường hợp.
Năm 2015 đôi vai như oằn xuống, chị quyết định nghỉ công việc chính đang làm, dành hết tâm huyết cho những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ nghèo.
Nói chuyện với chồng, anh nghĩ vợ nông nổi, sợ vợ bỏ việc không có thu nhập thì có trụ được lâu dài không? Còn người mẹ thì sốc vì chỉ có mình chị Dung là con gái mà giờ lại bỏ công ăn việc làm, chọn con đường "đi lang thang".
May mắn trong một lần tổ chức trại hè, những đứa trẻ được chị Dung cưu mang từ khắp nơi tụ hội về Hà Nội, đó là lần đầu tiên chồng chị chứng kiến được niềm hạnh phúc của những đứa trẻ bước chân vào cánh cổng đại học.
Sau lần đó, anh gật đầu chính thức nói với chị: "Anh hoàn toàn ủng hộ em. Thấy em vất vả nhưng đúng là tràn đầy năng lượng, tràn đầy hạnh phúc".
Xung quanh bạn bè gọi chị là "kẻ điên", song chị luôn tin đó là điều phải làm, hoa trái sẽ đến nhưng ở thời điểm đó nó chưa đến mà thôi.
Ba năm chị âm thầm đi xác minh, giúp đỡ những đứa trẻ nhưng hành trình nuôi các con rất dài, làm sao vận động được nguồn lực chung tay vào với mình?
Chị kể thời gian đầu đi vận động chỉ nhận được sự đồng lòng của vài ba người, nhưng chính sự tin tưởng của vài ba người lại là động lực khích lệ chị bắt tay vào làm từng bước một.
Từ khoản tiền nhỏ vận động được, chị nuôi 9 đứa trẻ đầu tiên.
"Tôi không bắt mọi người tin ngay vì "hạt mầm" nào cũng cần nhiều thời gian, cần sự chăm sóc, kiên trì, bền bỉ. Vì vậy, phải chờ đủ thời gian để mọi người nhìn thấy kết quả", chị tâm niệm.
Cho đến nay sau 7 năm, chị Dung và ngôi nhà chung Khát vọng đã và đang cưu mang, hỗ trợ hàng trăm đứa trẻ. "Hạt mầm" đã nảy nở, càng ở trong gian khó thì sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng càng nhiều hơn.
Nhìn thấy kết quả của Quỹ Khát vọng, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay vào với chị Dung giúp đỡ các em nhỏ. Đó là lý do Quỹ Khát vọng tăng lên, nhờ đó số đứa trẻ được giúp đỡ cũng tăng lên.
Có nhà hảo tâm chọn hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ nhà ở cho những đứa trẻ của Khát vọng hay hỗ trợ tổ chức trại hè định kỳ hàng năm cho các con.
Chị Dung cho biết hiện nay có khoảng 70 tình nguyện viên cùng đồng hành với chị nuôi dưỡng các em.
Năm 2019, Quỹ Khát vọng sẽ triển khai dự án du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp bền vững, dự án về giáo dục… tạo điều kiện cho chính các em nhỏ sống có trách nhiệm hơn, biết phụng sự lại cộng đồng, tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội.
"Hoa có hương thì tự nó bay, tự nó lan tỏa và tinh thần của Khát vọng cũng vậy", người sáng lập Quỹ Khát vọng mỉm cười hạnh phúc.
|
Theo Tuổi Trẻ online
Nội dung: HÀ THANH
Video: DƯƠNG LIỄU
Thiết kế: TƯỜNG VY
Concept: BẢO SUZU