Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Kỳ vọng Quốc hội thể chế hóa những chủ trương đột phá mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra

07:33, 21/04/2021
Nội dung trên được Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với PV NTV trước thềm Cuộc bầu cử bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026!
<br>
<br>
<br>

- Thưa ông! Từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhiều năm liền theo dõi hoạt động của Quốc hội, ông đã từng chia sẻ khi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, ông thường quan tâm và lựa chọn các ứng cử viên của Trung ương. Ở Quốc hội cách đây khoảng 20 năm, một cuộc khảo sát về hành vi bầu cử của cử tri cho thấy, có tới 75% cử tri sẽ chọn bỏ phiếu cho các ứng viên là người của địa phương. Vậy theo ông, xu thế này có thay đổi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới không?

Không có một cuộc điều tra công phu và khoa học khó lòng biết được xu thế ưu tiên lựa chọn các ứng cử viên của địa phương có thay đổi vào tháng 5 tới hay không. Tuy nhiên, ủng hộ người địa phương, ưu tiên người địa phương là một xu thế khá tự nhiên. Xưa nay vẫn vậy, và ở đâu vẫn vậy. Thêm vào đó, không phải cử tri nào cũng nhận thức được vai trò quan trọng của ứng cử viên của Trung ương trong việc vận hành thể chế. Chính vì thế tuyên truyền bầu cử là rất quan trọng ở đây.

<br>
<br>
<br>

- Ông có kinh nghiệm gì chia sẻ với những ứng cử viên sắp tranh cử đại biểu Quốc hội khóa XV?

Tôi chưa bao giờ là đại biểu Quốc hội nên chẳng có kinh nghiệm gì để chia sẻ ở đây. Tuy nhiên, do có nghiên cứu ít nhiều về bầu cử, tôi thấy cử tri nhận biết về các ứng cử viên nhiều nhất thông qua tờ in bản tiểu sử tóm tắt. Mà trước hết họ xem mặt, rồi mới đọc các thông tin có liên quan. Vì vậy, chọn bức ảnh chân dung hấp dẫn nhất cho tờ in này là rất quan trọng. 

Ngoài ra, việc sắp xếp liên doanh bầu cử là rất quan trọng. Việc này ít phụ thuộc vào các ứng cử viên. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì nên đề đạt nguyện vọng để sao cho việc sắp xếp liên doanh đạt được sự công bằng tối đa có thể.

Cuối cùng, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là quan trọng. Cho dù, các ứng cử viên chỉ có thể tiếp xúc được với 7-8% cử tri của mình bằng cách này mà thôi, thì số phiếu của các cử tri này vẫn có thể làm nên sự khác biệt. Đó là khi số phiếu của các cử tri không được vận động bầu cử bị chia đều. Chính vì thế không nên coi nhẹ việc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử thì chỉ nên nói những gì cử tri muốn nghe chứ không phải những gì mà mình muốn nói. Để làm được điều này thì cần tìm hiểu về tình hình kinh tế-xã hội và các vấn đề mà cử tri ở đơn vị bầu cử đang phải đối mặt, cũng như phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của cử tri ở đó.

<br>
<br>

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam?

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An hoạt động rất tích cực và để lại nhiều dấu ấn. Trước hết, nhiều đại biểu của Nghệ An rất có trình độ. Khi phát biểu, các đại biểu này đều nắm vấn đề rất sâu, nên ý kiến của họ rất có sức thuyết phục. Một số đại biểu có kỹ năng tranh luận rất tốt như đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chẳng hạn.

<br>
<br>
<br>

- Là người con của tỉnh Nghệ An, tham gia Tổ tư vấn Kinh tế của Chủ tịch UBND tỉnh, hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ qua có gì nổi bật, thưa ông?

Đây là câu hỏi khó, vì tôi ít có điều kiện và thời gian theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, tôi thấy Lãnh đạo của HĐND tỉnh rất tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các vị đại biểu. Từ đây có thể suy ra là chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND chắc chắn được nâng cao. Lý do là vì chất lượng hoạt động của HĐND phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu. Tôi cũng có cơ hội theo dõi một vài phiên chất vấn của HĐND trên truyền hình tỉnh. Nói chung, là rất ấn tượng. Các cuộc chất vấn như vậy là công cụ quan trọng để bảo đảm trách nhiệm giải trình của UBND và các sở ngành.

<br>
<br>

- Quốc hội khóa XV sẽ được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 23/5/2021.  Ông có kỳ vọng gì về nhiệm kỳ sắp tới của Quốc hội?

Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ thể chế hóa được những chủ trương đột phá mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Trước hết là hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, sau nữa là ban hành “cơ chế đột phá để thu hút và trọng dụng người tài”. Đây là điều kiện tiên quyết để đất nước ta có một thời kỳ phát triển nhanh và bền vững.

<br>
<br>

Tôi cũng kỳ vọng Quốc hội bằng hoạt động của mình sẽ nâng cao chất lượng của nền quản trị quốc gia. Cụ thể là bảo đảm pháp quyền, bảo đảm sự minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình, bảo đảm sự tham gia của người dân, bảo đảm công bằng xã hội…

Xin cảm ơn ông!

 

Biên tập: Hiến Chương

Đồ hoạ: Sỹ Hoàn

KTV: Lưu Đăng

NTV

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm