Xuân về trên vùng tái định cư Thanh Chương
Những năm qua, bằng nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, xã Ngọc Lâm đã vận động bà con tích cực trồng chè, trồng keo nguyên liệu giấy, phát triển chăn nuôi.. tạo nguồn thu nhập bền vững. Đơn cử như gia đình ông Vi Văn Phong, Năm 2009, gia đình ông cùng nhiều hộ gia đình thuộc diện tái định cư chuyển về xã Ngọc Lâm, nhường đất để xây dựng thủy điện bản Vẽ. Những ngày mới về đây, mọi thứ đều lạ lẫm từ đất đai, khí hậu đến cách thức sản xuất. Nhận thấy cây chè chính là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, ông Phong đã mạnh dạn nhận đất, đầu tư trồng 1ha chè. Hơn 4 năm gắn bó với cây chè, không ít vất vả nhọc nhằn, đến nay gia đình ông Phong đã có nguồn thu nhập ổn định.
Còn hộ gia đình ông Lô Văn Sâm cũng ở bản Tân Sáng, bên cạnh thu nhập ổn định từ rừng keo, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn gà; đào thêm ao thả cá..để phát triển kinh tế. Trong trang trại của gia đình ông luôn có 10 con trâu; hàng chục con lợn đen địa phương chờ xuất chuồng; chưa kể đàn gà, vịt các loại..Những tháng cuối năm, ông Phong tập trung chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và chăm sóc vườn keo. Từ phát triển kinh tế tổng hợp, gia đình ông có một nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, thoải mái chi tiêu mua sắm lương thực, thực phẩm và vật dụng, chuẩn bị đón một cái Tết đủ đầy và ấm cúng.
Ngay từ những năm đầu mới thành lập, Đảng bộ xã Ngọc Lâm đã xác định tập trung cây mũi nhọn phát triển kinh tế vẫn là cây nguyên liệu giấy, đặc biệt là cây chè công nghiệp. Đến nay toàn xã có hơn 1200ha trồng cây nguyên liệu giấy và chè, chiếm thu nhập lớn của ngành nông nghiệp. Toàn xã có hàng trăm hộ trồng chè, cho thu nhập ổn định từ 20-60 triệu đồng/năm, trong đó có hơn 30 hộ thu nhập từ cây chè trên 60-120 triệu đồng/ năm. Đơn cử như hộ Lương Văn Phượng, Lương Thanh Hoài, Lương Thanh Hải (bản Tân Hợp), ông Lô Văn Bình (bản Tân Tiến), Lô Văn Cả, Vi Văn Thanh (bản Tân Học).
Đến nay, toàn xã Ngọc Lâm trồng được 1200ha cây nguyên liệu giấy và chè |
Đến nay, toàn xã Ngọc Lâm trồng được 1200ha cây nguyên liệu giấy và chè |
Không chỉ trồng chè, trồng keo nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được xác định là thế mạnh của vùng miền núi giáp biên này. Bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, kết hợp với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để xây dựng mô hình kinh tế VAC, VACR… có hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Sơn – Ngọc Lâm giảm dần so với trước đây. trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ngọc Lâm chiếm 37%.
Hiểu rõ những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của bà con vùng tái định cư Ngọc Lâm – Thanh Sơn, những năm qua các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội, trong đó có Công ty thủy điện Bản Vẽ đã cùng chung tay chăm lo, động viên và có những việc làm thiết thực để giúp đỡ. Đến nay, sau hơn 15 năm về nơi ở mới, vùng tái định cư Ngọc Lâm -Thanh Sơn đã có diện mạo mới với nhiều khởi sắc. Người dân tái định cư ngày càng thêm gắn bó, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương mới. Dưới những ngôi nhà nhỏ của người Thái, Khơ Mú.. không khí vui Xuân dường như chộn rộn hơn. Xuân mới đang về trên vùng tái định cư với muôn thanh sắc rộn ràng cùng niềm tin yêu và hy vọng mới của bà con.
Bản làng vùng tái định cư Thanh Chương rộn rã vào Xuân |
Hiến Chương - Hữu Hoàng - Sỹ Hoàn