Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Xanh mãi rừng Pơmu

06:59, 01/01/2023
Những ngày cuối năm, theo chân cán bộ huyện Kỳ Sơn chúng tôi lên thăm khu rừng Pơmu của thủ lĩnh trồng rừng người Mông – già làng Vừ Pà Rê ở xã Tây Sơn. Trong cái rét buốt của buổi sáng mùa xuân đã đến rất gần, đi dưới những tán cây, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa hương nhè nhẹ rất dễ chịu. Từ giấc mơ về những cánh rừng rợp bóng pơ mu, nay tâm nguyện một đời của cụ Vừ Pà Rê đã trở thành hiện thực, những khu rừng Pơmu xanh ngát tuyệt đẹp vẫn đang được con cháu cẩn trọng giữ gìn cho muôn đời sau.
 

Khu rừng pơ mu và sa mu rộng hơn 28ha có tuổi đời 24 năm ở  bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn được 7 cha con cụ Vừ Pà Rê trồng từ năm 1996. Ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của già làng Vừ Pà Rê kể lại: 

Vừa kể chuyện, ông Phử vừa chỉ tay vào khu vực rừng đang đứng, như nơi này do bố tôi đề phòng cây này chết thì có cây khác thay thế vào nên trồng rất dày, nhưng do hợp chất đất thổ nhưỡng cây nào cũng sống được thành ra ở đây cây bị rợp bóng nên phát triển dày và có chậm hơn ở những nơi có ánh nắng.   

Câu chuyện 7 bố con ông Rê tìm cây con để trồng rừng chẳng mấy chốc đến tai ông Vừ Chông Pao, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn suốt 20 năm (từ năm 1969 - 1989), đại biểu Quốc hội khóa 8 và là một thủ lĩnh nổi tiếng của người Mông. Để hỗ trợ bà con Tây Sơn rồng rừng, ông Vừ Chông Pao đã đưa dự án trồng rừng 327 về xã để hỗ trợ dân bản cùng chung tay trồng lại những cánh rừng pơ mu”.  

Nhờ có dự án 327 hỗ trợ, lại hiểu ra việc trồng pơ mu của già Rê, vừa giữ được rừng, vừa có thu nhập, bà con trong các bản càng hăng hái cùng bố con ông vào rừng tìm cây con về trồng. Phong trào trồng pơ mu cứ thế được nhân rộng dần trong toàn xã. Vui hơn là chuyện trồng rừng pơ-mu, sa-mu đã lan sang các bản Mông, các xã rẻo cao lân cận có cùng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như Tây Sơn. 

Đến nay, xã Tây Sơn đã phục hồi được 68,7 ha rừng pơ mu và sa mu, trong đó riêng bố con cụ Vừ Pà Rê đã trồng được 28 ha trong các năm 1996 - 1998. Nay, người thủ lĩnh trồng rừng xưa không còn nữa nhưng những cây pơ mu thì cao lớn rợp bóng, phủ xanh núi rừng của bản  Huồi Giảng 3. Những cánh rừng pơ mu quý hiếm của gia đình già làng Vừ Pà Rê và dân bản ở xã Tây Sơn có giá trị rất lớn về môi trường, phòng hộ, bảo vệ nguồn gen... Không chỉ có vậy, việc làm của già làng Vừ Pà Rê còn có ý nghĩa to lớn thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn. Nhờ đó, những cánh rừng vô giá bằng pơ mu, sa mu được trồng bởi mồ hôi, công sức của đồng bào người Mông Kỳ Sơn suốt hàng chục năm qua đã điểm xanh thêm những cánh rừng nơi đại ngàn xứ Nghệ. 

Nhờ thích hợp với khí hậu lạnh vùng cao nên cây pơ mu ở đây phát triển rất tốt, hiện cây to nhất có đường kính từ 35-40cm.  Gỗ pơ mu tốt, có mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được người dân ưa chuộng để làm đồ gia dụng. Theo thị trường hiện nay thì gỗ pơ mu có giá 30 triệu đồng/m³. Ước tính, khu rừng pơ mu của bố con ông Vừ Pà Rê trị giá cả trăm tỷ đồng nếu thu hoạch gỗ. Tuy nhiên, ông Phử cho biết mục đích của bố con ông là trồng cho đời con, đời cháu và cho đời sau, chứ không phải trồng rừng để mục đích kinh doanh. Vì vậy hai người con của cụ Rê là ông Vừ Xái Chù và Vừ Giống Phử đang nối tiếp công việc của bố mình, vừa bảo vệ chăm sóc khu rừng vừa tham gia dự án bảo tồn nguồn gen quý hiếm của rừng pơ mu, đồng thời xây dựng nơi đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở miền Tây Nghệ An. Hiện con đường dẫn lên cánh rừng đã được ông Phử cho máy xúc san mặt bằng, để các phương tiện dễ dàng lên tới đỉnh. Anh em nhà ông Phử còn đóng những dãy ghế dài, xích đu để người tham quan nghỉ ngơi. Thời gian gần đây, cánh rừng đã trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút nhiều nam thanh nữ tú trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu.

Pơ mu là cây thân gỗ thuộc nhóm 1 quý hiếm ở Việt Nam có tên khoa học là Fokienia, tùy vào từng địa phương cây pơmu lại có những tên gọi khác nhau như là gỗ Đinh Hương, Mạy Vạc, Tô Hạp… Pơ mu là một chi thuộc họ Hoàng Đàn (Cupressaceae) với những đặc tính nổi bật như chống mối mọt, đuổi côn trùng, mùi hương gỗ đặc trưng. 

Biên tập: Hiến Chương, Ảnh: Hữu Hoàng
Đồ họa: Sỹ Hoàn

 

 

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm