Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Người về hò hẹn cùng ai

23:31, 13/02/2022
Đó là buổi chiều ngày 13/12/2021. Đường phố Hà Nội như tấp nập hơn vì không khí tết Nguyên đán đã gần kề. Biết tin ông ốm nặng đã lâu, nhưng vì dịch Covid-19, nên mãi đến hôm đó tôi mới từ quê nhà ra thăm ông được.
 
 

Lứa chúng tôi lớn lên, được nghe và cảm nhận phần nào sức lay động của những bài hát “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xôn xao bến nước”… nhiều lần phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và những đêm văn công về làng. Dù làng Đại Định quê tôi chỉ cách làng Thượng Thọ một cánh đồng, nhưng mãi tới năm 2018, tôi mới lần đầu tiên được gặp ông. Những câu chuyện về ông qua lời kể của bà, của mẹ và người dân quê nhà về tài năng ca hát, sáng tác của ông hồi trẻ, về hành trình lận đận phải rời quê ra Hà Nội kiếm sống, học tập do gia đình bị xếp vào diện thành phần trong Cải cách ruộng đất; cảm phục về một tài năng lớn của quê hương… đã thôi thúc tôi cùng các đồng nghiệp ở Đài PT-TH Nghệ An mời ông về để tổ chức đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ. May mắn được ông nhận lời, dù có đôi chút lưỡng lự. Đêm nhạc được tổ chức trang trọng, được truyền hình trực tiếp và livetream trên mạng xã hội, tạo dấu ấn rất đẹp trong người yêu nhạc trong và ngoài tỉnh. Sau đó ít lâu, tôi nhận được lá thư của ông với những lời thật trân quý, cảm động:

Cũng sau lần đó, tôi may mắn được thành người bạn nhỏ của ông. Thỉnh thoảng ra Hà Nội, tôi lại tới thăm ông. Nhiều chuyện như ông vừa sáng tác một ca khúc mới, vừa hoàn thành xong mấy đĩa nhạc, hay cô Vũ Thị Cẩm Tú vợ ông đã không còn bị run chân tay nữa, ông bà đều gọi điện, nhắn tin chia sẻ. 

Lần gặp cuối năm vừa rồi, không rõ do linh tính hay sao, ông nói chuyện với tôi như sự hồi ức về đời mình- một cuộc đời mà ông khái quát là “niềm vui thi thoảng, nỗi buồn mênh mang”. Ông chia sẻ về những ngày từ Thanh Chương đi bộ ra Hà Nội kéo xe ba gác ở bến Phà đen để kiếm sống, may mắn được các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng nhận vào làm ca sĩ tại Đoàn Văn công nhân dân Trung ương; những năm tháng lên miền núi Tây Bắc giúp củng cố đoàn ca múa Lao- Hà-Yên. Chính những năm tháng gian khó ấy, ông đã thẩm thấu được kho tàng văn hoá dân gian Tây bắc, cùng bề dày của văn hoá xứ Nghệ, viết nên những ca khúc “Xuân về trên bản”, “Lời ca gửi Nọong”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó’, “Xa khơi”…

 

Nhắc đến Xa Khơi, ông hào hứng hẳn lên. Ông nhớ lại: năm 1961, từ một chuyến đi điền dã đầy gian nan tại vùng miền núi tỉnh Hoà Bình, trong nỗi nhớ quê nhà với những đêm trăng ví giặm da diết, nhớ lại chuyến đi thực tế  cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư vào vùng giới tuyến Gio Linh, Quảng Trị trước đó mấy năm.Ý tưởng sáng tác một ca khúc nói về nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước lại trỗi dậy, thôi thúc ông viết những nốt nhạc, ca từ đầu tiên của Xa khơi. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chia sẻ: Tôi viết Xa khơi cực kỳ vất vả, một đề tài mang tính ảo ảnh, âm nhạc và lời ca phải mang được tính khái quát, bao hàm tính triết học, tính nhân văn của thời đại, nhưng tôi đã thấy được con đường mình đi. Viết Xa khơi, tôi đã khai thác hồn cốt của ví, giặm, không để nguyên điệu thức của nó, mà đi sâu phát triển lên, làm cho hồn ví, giặm cất cánh, đi xa, hoà nhập với thời đại. Nghe ông tâm sự, tôi thầm nghĩ, đối với một người mới 25 tuổi, chưa hề qua một trường lớp bài bản về âm nhạc đã sáng tạo được như vậy thì không thể gọi gì khác hơn hai chữ tài năng.

Khi Xa khơi vừa được cất lên bay bổng, trữ tình, lay động con tim bao người qua giọng hát xúc cảm, đồng điệu nỗi đau chia cắt của ca sĩ Tân Nhân, ông đã gặp trắc trở. Một số ý kiến phê phán lời ca của Xa khơi không ăn nhập gì với thời cuộc sản xuất và chiến đấu của hai miền. May mắn, thời điểm ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường miền Nam ra hết lời khen Xa Khơi.

Và Xa khơi đã xuyên qua không gian, thời gian, là một trong bộ 5 tác phẩm để ông được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001. Nhắc lại chuyện này, Nguyễn Tài Tuệ bình thản: tại điều kiện khách quan nó thế thôi!

Nói về bí quyết thành công trong sáng tác của mình, Nguyễn Tài Tuệ khẳng định: “dân gian và hiện đại, chỉ thế thôi”. Kiên định phương châm ấy, đến nay gia tài âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ chỉ có hơn 35 tác phẩm thanh nhạc và giao hưởng thính phòng, song nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống vượt thời gian, trở thành kinh điển, được đưa vào các giáo trình tại nhạc viện và nhiều cuộc thi quốc gia về âm nhạc. 

Với ông, sáng tạo luôn là sự kiên trì, bền bỉ đến mức khổ luyện. Chẳng thế mà nhiều tác phẩm của ông theo năm tháng đã đạt đến độ toàn bích. Ông  bộc bạch niềm tự hào mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho gia luôn trọng sự học, rèn dũa con cái nghiêm khắc và may mắn có một tuổi thơ được đắm mình giữa dòng sông quê ví, giặm. Tôi hỏi: làm thế nào để vừa giữ gìn, vừa phát huy được di sản ví, giặm trong đời sống hôm nay. Không chút đắn đo, ông nói: “khai thác, nhưng tuyệt đối không được lấy y nguyên, không được ăn cắp vốn quý của cha ông, như vậy là thiếu lễ độ với cha ông”. Và ông kể có vài lần một số nhạc sĩ ở quê nhà đã hỏi như vậy, ông cũng trả lời đúng như thế, nhưng họ nói khó quá.  

Lo ông mệt vì mải chuyện, tôi nhìn sang cái bàn làm việc cũ kỹ, bên cây đàn oocgan cũng nhuốm màu thời gian là một bản nhạc ông đang viết dở. Đoán ý tôi, nhạc sĩ cho biết: ông đang phổ bài thơ “ Lời Kỹ nữ” của Xuân Diệu. Và ông đọc thầm như chỉ cho riêng mình nghe: “Khách ngồi lại cùng em thêm chốc nữa/ Vội vàng chi, trăng lạnh quá khách ơi”, rồi ông quay lại hỏi: anh Khôi có nhớ bài này không? Đến hôm nay, tôi tự hỏi: Không biết ông đã kịp hoàn thành tác phẩm này trước khi về miền an lạc gặp lại nhà thơ Xuân Diệu?  

 

Chiều Hà Nội đã muộn, trước lúc chia tay, ông rút từ giá sách cuốn “ Nguyễn Tài Tuệ- Cuộc đời và tác phẩm” của nhà văn Bùi Tuyết Mai, tặng tôi với dòng chữ được viết rất đẹp:

Nâng niu cuốn sách, tôi vui và xem đó là lời động viên của một nhân cách lớn để mình luôn phấn đấu, học tập. 

Tôi bày tỏ mong muốn được nghe ông đàn một bài hát ông yêu thích. Ông nhanh nhẹn ngồi bên cây đàn, từ hai bàn tay mềm mại của người nhạc sĩ già, những giai điệu quen thuộc, bay bổng của Xa khơi vang lên da diết, xa vắng trong không gian cuối chiều, vừa thực vừa hư ảo. Nhân lúc ông vui, tôi nói lên nguyện vọng lâu nay của mình, được cùng các anh em người quê mà ông quý mến như PGS TS Nguyễn Thiện Nam đón ông về thăm lại quê nhà sau bao năm xa cách; cùng ông xuôi thuyền trên dòng sông Lam đêm trăng sáng, lại nghe những điệu hò ví, giặm mà ông thuộc nằm lòng thủa niên thiếu.

“Tôi tự hỏi, với hai nhạc phẩm Xa khơi viết thủa thanh xuân và Mơ quê viết vào lúc “thất thập cổ lai hy”, đã phần nào trả được một chút nợ nần với cha ông, với quê hương xứ sở chưa? Thấp thoáng đâu đấy là hình bóng một cậu bé chân quê mau nước mắt và dễ hờn tủi đứng trên bờ sông Lam là tôi chăng?”. Lúc ấy, đôi mắt ông nhìn xa xăm. Cho đến giờ, tôi vẫn ám ảnh bởi khoảnh khắc ấy trong ông- một tâm hồn sâu lắng, trí tuệ uyên thâm trong cốt cách nho nhã; sự bình thản đi qua bao biến cố thời cuộc, luôn khát khao vươn tới cái đẹp - đẹp của tình người, của non sông đất nước; một trái tim luôn khắc khoải niềm thương, nỗi nhớ quê nhà xứ Nghệ. 

 

Giờ thì nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã về miền mây trắng, về với thế hệ những người anh, người bạn tài hoa như các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu …; về với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bao người thân. Còn tôi, trong buổi chiều quê nhà không nắng, viết ra những dòng này, cả những bài viết về ông trước đó, nhớ đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ mấy năm trước, những lần ra thăm ông… với tất cả niềm mong: nơi miền xa thẳm ấy, “nỗi buồn mênh mang” trong linh hồn ông sẽ vơi bớt phần nào. Tôi muốn được nói với ông thêm lần nữa: Bác Tuệ ơi, nơi làng quê xưa bên dòng sông Lam đẹp như miền cổ tích, những ngày này bao niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi, mãi chờ đợi “Người về hò hẹn cùng ai”.

 

Nguyễn Như Khôi

 
 

 

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm