Nghịch lý chiến thắng của Pfizer trong cuộc đua vaccine Covid-19

15:58, 18/10/2021
Chiến thắng trong cuộc đua phát triển và sản xuất vaccine Covid-19 nhưng Pfizer không đạt được thành công tương xứng về mặt giá trị thương mại.

Cuối năm 2020, cuộc chạy đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 khi đó đang ở giai đoạn nước rút. Các quốc gia ngóng chờ một loại vaccine giúp mang lại lối thoát khỏi đại dịch. Sau 12 tháng, cuộc đua đã ngã ngũ, và Pfizer là người chiến thắng, theo Financial Times.

Pfizer chiến thắng

Không chỉ là loại vaccine đầu tiên được sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành rộng rãi, vaccine của Pfizer-BioNTech cho thấy ít tác dụng phụ hơn, cũng như không gặp phải gián đoạn trong sản xuất giống các đối thủ khác như AstraZeneca, Moderna hay Johnson & Johnson.

Những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới khác như GlaxoSmithKline, Merck hay Sanofi thậm chí đến nay còn chưa phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, một số ứng cử viên vaccine đáng chú ý như CureVac, Novavax hay Valneva, dù được kỳ vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm đang lưu hành, đến nay vẫn chưa thể ra mắt sản phẩm cuối cùng.

"Đại dịch vẫn chưa qua. Vaccine của họ (Pfizer và Moderna) là những sản phẩm tốt, nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn được chờ đợi", John Trizzino, giám đốc thương mại của Novavax, cho biết. Ông Trizzino nói vaccine Novavax cần thêm thời gian. 

Pfizer giành thắng lợi lớn trong cuộc đua phát triển vaccine. Ảnh: AFP.
Pfizer giành thắng lợi lớn trong cuộc đua phát triển vaccine. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, tập đoàn sinh học CureVac của Đức đã thất bại trong nỗ lực ra mắt vaccine Covid-19 trong tuần qua.

Lúc này, CureVac đang tập trung vào một loại vaccine "thế hệ thứ hai", với kỳ vọng tạo ra hiệu quả bảo vệ lâu dài chống lại các biến chủng hiện nay và những biến chủng có thể xuất hiện trong tương lai.

"Phần lớn các chính phủ khắp thế giới đều mong muốn có sự cạnh tranh trên thị trường vaccine", Klause Edvardsen, giám đốc phát triển của CureVac, cho biết.

Trong khi các đối thủ đang chật vật, thậm chí phải bắt đầu nghiên cứu lại, Pfizer đang trên đà sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm 2021. Các chuyên gia dự báo sản lượng vaccine của Pfizer trong năm 2022 có thể lên đến 4 tỷ liều.

Pfizer đã bắt đầu phát triển các loại vaccine mới dành riêng cho những biến chủng đáng lo ngại như Delta và Beta, dù rằng vaccine ban đầu của hãng này đã cho thấy hiệu quả đáng kể.

"Chúng tôi sẽ cho lưu hành loại vaccine mới này, dù rằng chỉ để phòng ngừa", Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết trong một hội thảo mới đây.

Không thành công như mong đợi

Bất chấp những kết quả ấn tượng trong phát triển và sản xuất vaccine Covid-19, giá trị thương mại của Pfizer đang không có được thành công như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Giá trị cổ phiếu của Pfizer mới chỉ tăng 12% kể từ đầu năm 2020. Mức tăng giá này chỉ là số lẻ nếu so với BioNTech, đối tác cùng Pfizer phát triển vaccine Covid-19. Cổ phiếu của BioNTech đã tăng 500% trong cùng thời kỳ.

Đối phủ của Pfizer là Moderna, hãng dược phẩm cũng sản xuất thành công vaccine sử dụng công nghệ mRNA, chứng kiến giá cổ phiếu tăng 1.700%.

Giá cổ phiếu của Pfizer thậm chí còn tăng chậm hơn đáng kể so với sự tăng trưởng của chỉ số S&P500.

Kể từ giữa tháng 8, giá cổ phiếu của Pfizer đã liên tục lao dốc. Từ đỉnh 50,42 USD ngày 17/8, giá cổ phiếu của Pfizer hôm 15/10 đã chỉ còn 41,49 USD.

Các chuyên gia có chung nhận định Pfizer đang thống trị cuộc đua vaccine Covid-19 và sẽ củng cố vị thế dẫn đầu trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vị thế này sẽ bị thách thức trong năm 2022.

Cuộc cạnh tranh vaccine sẽ quyết liệt hơn trong năm 2022. Ảnh: AFP.
Cuộc cạnh tranh vaccine sẽ quyết liệt hơn trong năm 2022. Ảnh: AFP.

Ngân hàng đầu tư SVB Leerink dự báo doanh thu từ vaccine Covid-19 của Pfizer sẽ tụt xuống chỉ còn 9 tỷ USD trong năm 2022, so với 39,5 tỷ USD của năm 2021.

Nguyên nhân của hiện tượng này là nhu cầu từ các nước giàu ngày càng giảm, Pfizer phải hạ giá bán cho các nước thu nhập thấp, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường.

"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng họ (Pfizer) sẽ chiếm 60% thị phần vaccine, nhưng thị phần này sẽ không duy trì lâu", Geoffrey Porges, chuyên gia của SVB Leerink, nhận xét.

Bên cạnh Moderna, Pfizer cũng bị chỉ trích vì quá chậm bàn giao vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Theo dữ liệu do tập đoàn thống kê Airfinity công bố, 64% doanh thu vaccine Covid-19 của Pfizer đến từ một nhóm nhỏ các nước thu nhập cao.

Những báo cáo mới đây từ nghiên cứu tại Israel và Qatar công bố hôm 6/10 cũng mang tới những tín hiệu không vui cho Pfizer, theo Bloomberg.

Các nhà khoa học Israel phát hiện nồng độ kháng thể trong cơ thể người tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer sụt giảm nhanh chóng chỉ sau 2 tháng chủng ngừa đầy đủ, "đặc biệt ở nam giới". Hiện tượng này cũng xuất hiện trên người bị suy giảm miễn dịch.

Trong một nghiên cứu khác tại Qatar, các nhà khoa học phát hiện "sự bảo vệ chống lại virus tăng nhanh sau mũi vaccine đầu tiên, đạt đỉnh trong tháng đầu tiên sau mũi tiêm thứ 2, và liên tục giảm trong những tháng tiếp theo.

"Sự suy giảm tăng nhanh kể từ tháng thứ 4 sau khi tiêm mũi đầu tiên và chỉ còn 20% trong những tháng sau đó", các nhà khoa học từ Đại học Weill Cornell Medicine cho biết.

Dù vậy, vaccine Pfizer vẫn duy trì hiệu quả bảo vệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 trước nguy cơ diễn tiến nặng hoặc tử vong, nghiên cứu cho thấy.

Trải nghiệm được tiêm vaccine miễn phí của người Việt ở nước ngoài Mỹ và Nga đã sớm triển khai, vận động người dân tiêm ngừa Covid-19. Người Việt đang sống tại hai nước này có thể đăng ký để được tiêm vaccine miễn phí.

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện