Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Từ Đại thắng Mùa Xuân của Việt Nam nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine

10:43, 28/04/2023
Năm nay Việt Nam kỷ niệm 48 năm Đại thắng Mùa Xuân, hoàn thành sứ mệnh đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn đất nước trong bối cảnh Mỹ đứng đầu các nước Phương Tây đang ủng hộ toàn diện cho chính quyền Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga. Nhân dịp này, giới phân tích chính trị trên thế giới làm phép so sánh cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và sự can thiệp của họ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina. Sự so sánh này là hoàn toàn có cơ sở để rút ra kết luận về nhiều nét tương đồng giữa hai cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam và ở Ukraina.

Năm nay Việt Nam kỷ niệm 48 năm Đại thắng Mùa Xuân, hoàn thành sứ mệnh đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn đất nước trong bối cảnh Mỹ đứng đầu các nước Phương Tây đang ủng hộ toàn diện cho chính quyền Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga. 

Nhân dịp này, giới phân tích chính trị trên thế giới làm phép so sánh cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và sự can thiệp của họ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina. Sự so sánh này là hoàn toàn có cơ sở để rút ra kết luận về nhiều nét tương đồng giữa hai cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam và ở Ukraina.

Ở Việt Nam, sau thất bại thảm hại ở Điên Biên Phủ, ngày 20 tháng 7 năm 1954, thực dân pháp phải chấp nhận ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định Genevơ xác định vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam dưới sự chứng kiến của Ủy ban giám sát quốc tế. Đến năm 1956, nhân dân hai miền Nam và Bắc Việt Nam sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. 

Phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc đám phàn nhưng từ chối ký Hiệp định Giơnevơ vì cho rằng Hiệp định này là “tai họa đối với thế giới tự do”. Từ đó, Mỹ ráo tiết thực hiện kế hoạch chuẩn bị thực hiện chiến lược thế chân thực dân Pháp, mở đầu quá trình can thiệp chính trị và quân sự ở Miền Nam Việt Nam. 

 

 

Sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam diễn ra dưới hình thức cuộc chiến tranh đặc biệt kéo dài từ năm 1961 đến năm 1965 theo phương thức “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Theo đó Mỹ, viện trợ vũ khí trang bị hiện đại nhất, đồng thời đào tạo và huấn luyện chiến thuật cho ngụy quân Sài Gòn. Sau khi bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1968 có sự tham gia trực tiếp của gần nửa triệu quân Mỹ. Bị thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ, Mỹ lại chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. 

Rút cuộc, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh cũng thất bại nốt, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bằng thắng lợi trong cuộc tổng tấn công vào Mùa xuân năm 1975, Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, hoàn toàn giải phóng đất nước và thống nhất non sông về một mối.  

Như vậy, nếu Mỹ chấp nhận ký kết và thực hiện Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì họ đã không phải chịu thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Tương tự như ở Việt Nam, ở Ukraina Mỹ và đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng xé bỏ Thỏa thuận Minsk, mở đường cho sự can thiệp chính trị và quân sự ở Ukraina. Tuy gọi là Thỏa thuận, nhưng Thỏa thuận Minsk có giá trị pháp lý như một hiệp định vì đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và xác nhận như một văn kiện pháp lý quốc tế, buộc tất cả các quốc gia có liên quan phải thực thi. Chín Mỹ là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng phải có trách nhiệm liên đới.

Thỏa thuận Minsk ra đời như thế nào và ý nghĩa của văn kiện này ra sao? Cả thế giới đều biết rằng, sau khi Cộng hòa tự trị Crimea sáp nhập về Nga do người dân trên bán đảo này không chấp nhận chính quyền mới do Mỹ dựng lên ở Kiev sau cuộc đảo chính ngày 21/2/2014, người dân Ukraine gốc Nga và người Ukraine nói tiếng Nga ở hai tỉnh Lugansk và Donetsk tổ chức cuộc bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân và thành lập Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk. 

Theo chỉ đạo của các cố vấn Mỹ, ngày 2 tháng 5 năm 2014, chính quyền Kiev coi chính quyền hai tỉnh Donetsk và Lugansk là “các tổ chức khủng bố” và phát động cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở Miền Đông Ukraina. Đỉnh cao của chiến dịch này là trận quyết chiến chiến lược ở khu vực Debalsevo trong tháng 2 năm 2015, trong đó Lực lượng vũ trang của Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk bao vây chặt lực lượng của Quân đội Ukraine gần 10.000 quân, buộc họ đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoặc đầu hàng vô điều kiện. 

Để tránh cho Quân đội Ukraine thất bại ở Debalsevo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vội vã tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi tới Kiev và Matxcơva. Kết quả hoạt động ngoại giao con thoi này của nguyên thủ hai quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu là lãnh đạo ba nước Nga, Đức, Pháp đồng bảo trợ cho chính quyền Ukraine và Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk ký kết Thỏa thuận Minsk vào ngày 12 tháng 2 năm 2015.

Tuy gọi là Thỏa thuận Minsk nhưng ý nghĩa của thỏa thuận này cũng có ý nghĩa như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam bởi đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận như một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý mà chính quyền Kiev cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk phải thực thi. 

Thỏa thuận Minsk có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với tương lai của Ucraina.  

Một là, khẳng định tôn trọng đầy đủ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina không bao gồm Crimea đã sáp nhập về Nga. Trên cơ sở này, Nga đã đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo Nghị quyết về tình hình Ucraina và ngày 17 tháng 2 năm 2015 và đã được Hội đồng thông qua Nghị quyết ủng hộ các biện pháp thực thi thỏa Thỏa thuận Minsk để hóa giải cuộc khủng hoảng tại Ucraina, trong đó ghi nhận tôn trọng đầy đủ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina. Nghị quyết này đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu của các nước Phương Tây và chính quyền Kiev về cái gọi là “Nga xâm lược Ucraina” bởi chính Mátxcơva chứ không phải quốc gia nào khác luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina và chủ trương đó đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ghi nhận thành nghị quyết. 

Hai là, các bên bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng ở Ucraina chỉ có thể được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình. Nội dung này cũng được Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 17 tháng 02 năm 2015 ghi nhận thông qua việc ủng hộ gói biện pháp thực thi Thỏa thuận hòa bình Minsk. Tuyên bố này vừa khẳng định Nga không có ý đồ xâm lược Ucraina, vừa bác bỏ mọi khả năng của Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí nóng cho Quân đội Ucraina và ngăn chặn cuộc nội chiến ở quốc gia này leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. 

Ba là, Tuyên bố chung của lãnh đạo bốn nước Nga, Pháp, Đức và Ukraina, gọi tắt là Bộ tứ Normandie, thể hiện quan điểm sẽ cam kết xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng đầy đủ luật quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu. Nội dung này mở ra triển vọng cải thiện quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Nga hướng tới xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á - Âu trên cơ sở liên kết Liên minh Á - Âu với Liên minh châu Âu vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng của Nga và các quốc gia châu Âu.

Bốn là, yêu cầu ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức tại các khu vực nhất định thuộc các tỉnh Donetsk và Lugansk của Ucraina, tạo điều kiện để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ucraina.

Năm là, chính quyền Kiev và hai tỉnh Donetsk và Lugansk sẽ bắt đầu đối thoại về phương thức tiến hành các cuộc bầu cử địa phương phù hợp với Luật Ucraina và Đạo luật Ucraina quy định tạm thời quyền tự quản địa phương ở các khu vực Miền Đông Ukraina. Chính nội dung này đã trao quyền độc lập tự trị nhiều hơn cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Để trao quyền tự chủ cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, đến cuối năm 2015, chính quyền Kiev sẽ phải sửa đổi Hiến pháp Ucraina.

Sáu là, rút tất cả các đơn vị vũ trang, phương tiện quân sự nước ngoài cũng như lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Ucraina dưới sự giám sát quốc tế và giải giáp tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Điều này rất quan trọng đối với việc lập lại hòa bình ở Ucraina vì vào thời điểm đó ở Ucraina đang hiện diện đội quân đánh thuê của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Như vậy, nếu chính quyền Kiev thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk, Ukraina sẽ tiếp tục phát triển trong hòa bình và là cầu nối giữa Nga và các nước Châu Âu để xây dựng không gian kinh tế, chính trị, an ninh thống nhất, đem lại lợi ích cho Nga và tất cả các quốc gia trên châu lục này. Tuy nhiên, chính quyền Kiev với sự hậu thuẫn của Mỹ đã xé bỏ  Thỏa thuận Minsk. 

Về sau, chính cựu Thủ tướng Đức Angela Merken, Cựu Tổng thống Pháp Holland và cựu Tổng thống Ukraina Poroshenko thú nhận rằng Thỏa thuận Minsk chỉ là một chiêu trò đánh lừa Nga. Kể từ năm 2014 đến năm 2022, Mỹ coi Ukraina là đồng minh ngoài NATO và xúc tiến chương trình hiện đại hóa Quân đội Ukraina theo tiêu chuẩn của quân đội các nước Phương Tây. Ngoài ra, Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận trên lãnh thổ Ukraina theo kịch bản chiến tranh với Nga.  

Trước đây, Mỹ coi Hiệp định Giơnevơ là mối đe dọa đối với “thế giới tự do” thì hiện này họ coi Thỏa thuận Minsk là mối đe dọa đối với quyền bá chủ trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh khi Liên Xô-một cực của trật tự thế giới lưỡng cực sụp đổ. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.

Trước đây, Mỹ dựng lên ở Miền Nam Việt Nam chính quyền bù nhìn và viện trợ toàn diện chọ để dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam, còn hiện nay, Mỹ đang sử dụng chính quyền Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm để chống lại Nga đến người Ukraina cuối cùng. 

Trước đây ở Việt Nam, Mỹ phát động chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ với toan tính đưa Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”, còn hiện nay ở Ukraina, Mỹ lôi kéo Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm với toan tính đưa Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và sụp đổ, thậm chí xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ thế giới.  

Trước đây ở Việt Nam, Mỹ ra sức chia cắt hai miền Nam và Bắc Việt Nam, còn hiện nay Mỹ cũng ra sức chia rẽ hai đất nước Nga và Ukraina có cùng chung nguồn cội, biến Ukraina thành quốc gia thù địch với Nga.

Trước đây, Mỹ phát động chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ chống Việt Nam, còn hiện nay Mỹ đang theo đuổi toan tính lôi kéo Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương dính líu vào cuộc chiến Ukraina. Vì thế, Tổng Thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tuyên bố, tương lai của Ukraina là đứng trong hàng ngũ NATO. Khi đó, không chỉ là Ukraina mà là các quốc gia thành viên NATO sẽ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm chống Nga đến người Châu Âu cuối cùng. Đây là điều khác biệt giữa cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina. 

Trước đây Mỹ thất bại trong chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ, buộc phải rút khỏi Miền Nam Việt Nam, chấp nhận ký Hiệp định Paris và tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay, một khi Mỹ nhận thấy không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm, họ sẽ không trực tiếp chấp nhận thất bại mà có nhiều khả năng là sẽ đưa Ukraina ra chịu đòn thay và ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Khi đó, như Chiến lược đối ngoại mới của Nga đã nêu rõ, Nga không coi mình là kẻ thù của Phương Tây, không tự cô lập mình khỏi Phương Tây, không có ý định thù địch với Phương Tây. Hy vọng rằng trong tương lai, Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng như các đối tác của họ nhận ra rằng chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền của họ sẽ không mang lại kết quả và sẽ quay trở lại tương tác với Nga theo các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở này, Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác.

Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước Mỹ vẫn tiếp tục chính sách cấm vận Việt Nam, Washington cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Mãi tới 20 năm sau, vào năm 1995, xuất phát từ nhu cầu của Việt Nam và Mỹ, Washington chấp nhận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đến thời điểm này, có thể nhận thấy chính sách của Mỹ đứng đầu Phương Tây bao vây cô lập Nga bước đầu đã thất bại. Hy vọng rằng, những đầu óc có tư duy tỉnh táo ở Washington sẽ rút ra bài học thất bại từ cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina, không để cuộc xung đột Nga-Ukraina leo thang thành cuộc chiến tranh thế giới mới ở Châu Âu. Nhưng với Nga, Washington từng tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục cấm vận Nga bất kể kết cuộc cuộc chiến ở Ukraina sẽ ra sao./.  

 

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm