Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Người “giữ lửa” cho nghề truyền thống ở vùng cao Tương Dương

15:11, 03/11/2023

Với đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân ở huyện vùng cao Tương Dương đã tạo ra những sản phẩm mây tre đan tinh xảo. Không chỉ tạo thu nhập ổn định, nghề đan lát còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Không ai nhớ, nghề mây, tre đan có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những kinh nghiệm đan lát truyền thống đã được đồng bào dân tộc Thái vùng cao Tương Dương gìn giữ, truyền cho nhau từ đời này qua đời khác.

<br>

Ông Kha Văn Thương, ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) gắn bó với nghề đan lát mây, tre tự nhiên như hơi thở cuộc sống của mình. Ban đầu ông tự làm đồ dùng cho gia đình bằng mây, tre đan như chiếc ghế mây nhỏ nhắn, chiếc bàn mây tròn vành vạnh, rổ, rá, đến chiếc ép đựng xôi…dần dần ông làm thêm nhiều, dùng không hết thì bắt đầu bán. 

Được nhiều người ưa chuộng, ông Thương lại mày mò nghiên cứu làm thêm nhiều mẫu mã khác. Những chiếc đĩa đựng hoa quả, mâm cơm, bàn trà, mâm mây …với đủ hình dạng, hoa văn lần lượt ra đời.

Mỗi bộ bàn ghế mây tre đan phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Các khâu xử lý nguyên vật liệu đến tạo hình, đan lát chủ yếu làm bằng thủ công.

Giá bán của mỗi bộ bàn ghế dao động từ 4-6 triệu đồng, mỗi chiếc ghế tựa tròn từ 1,5-2 triệu đồng.

Sản phẩm làm từ mây tre đan do chính bàn tay khéo léo của ông Kha Văn Thương làm ra bằng chính các nguyên liệu mây, tre tại địa phương. Các sản phẩm này không chỉ bền mà còn có tính thẩm mỹ cao, nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là khách hàng ở Hà Nội.

Năm 2022, tại Hội thi Festival làng nghề Việt Nam, xuất sắc vượt qua gần 400 sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên cả nước, “Bộ bàn ăn mây tre đan” của ông Kha Văn Thương đã giành giải đặc biệt. 

Ông Kha Văn Thương nhận giải Đặc biệt Hội thi Sản phẩm thủ công mũ nghệ Việt Nam 2022
Ông Kha Văn Thương nhận giải Đặc biệt Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022

Cơ sở sản xuất mây tre đan tại nhà của ông Kha Văn Thương tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động, chủ yếu là các bà, chị em trong bản cùng tham gia làm.

Những sản phẩm mây tre đan tinh xảo, không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào mà còn góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc. Đây cũng là minh chứng cho tâm huyết trong việc “giữ lửa” nghề truyền thống của những nghệ nhân như ông Kha Văn Thương ở vùng cao Tương Dương.

 
 

 

 

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm