Ngày xuân nghĩ về người Nghệ xa quê!
Không có số liệu chính xác, nhưng có một nhận định rằng: số lượng con em, người Nghệ An đang học tập, sinh sống, làm việc, lập thân, lập nghiệp và định cư ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài hiện nay cũng xấp xỉ số lượng dân số của Nghệ An ở trong tỉnh hiện nay. Trong nước, người Nghệ An tập trung nhiều nhất có thể kể đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên.
Điều đó cho thấy người Nghệ An xa quê là vô cùng lớn. Số lượng dường như tỷ lệ thuận với quy mô, sự phong phú đa dạng về lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ người tài và những đóng góp cho xã hội, cho đất nước của người Nghệ.
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, không chỉ có người Nghệ An mới dịch chuyển, mới di dân, xa quê, mà người dân ở rất nhiều địa phương khác cũng có sự hòa trộn địa bàn cư trú. Đó là điều tất yếu của tự nhiên. Nhưng vì sao cộng đồng người Nghệ xa quê lại được khu trú và được nhìn thấy một cách rõ ràng như thế? Nói cách khác, vì sao người Nghệ xa quê lại được chú ý nhiều và tạo được dấu ấn rõ trên bản đồ địa lý cũng như bản đồ văn hóa Việt Nam như thế? Vì số lượng người xa quê lớn? Vì mảnh đất này sản sinh ra nhiều người tài? Vì tính cách, cốt cách khá đặc biệt của người Nghệ? (điều mà lâu nay nhiều người vẫn nhấn mạnh)…tất cả đều đúng. Nhưng có lẽ bao trùm lên toàn bộ những đặc trưng đó chính là tinh thần, văn hóa xứ Nghệ. Một tinh thần cộng đồng rõ đến mức nhiều khi bị đánh giá là cục bộ, một bản sắc văn hóa quá đặc trưng và đậm nét, từ ngôn ngữ, tiếng nói đến tính cách và thói quen sinh hoạt. Đi đâu cũng mang theo và rất khó mai một. Hơn thế nữa đó là trí tuệ. Không thể không tự hào về bản lĩnh và trí tuệ người Nghệ An. Lịch sử đã chứng minh ở bất cứ giai đoạn, thời kỳ và lĩnh vực nào, dù là yêu cầu về tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, hay về đổi mới, sáng tạo, hội nhập phát triển, người Nghệ An đều có mặt và đóng góp một cách xuất sắc. Điều đó cũng cho thấy người Nghệ An thích ứng rất nhanh, rất linh hoạt chứ không phải cứng nhắc, cục bộ và quá “truyền thống” như nhiều người vẫn nghĩ.
Hội đồng hương Nghệ An tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Gặp mặt Xuân Giáp Thìn 2024” |
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông thứ 4 sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Nhiều năm nay, các thể hệ cán bộ, đảng viên, người dân đều rất nỗ lực để đưa quê hương phát triển xứng tầm và thực hiện ý nguyện thiêng liêng, mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chắc chắn rồi, không chỉ có người dân ở quê nhà, mà con em người Nghệ xa quê cũng luôn đau đáu nỗi niềm hướng về quê hương. Bằng nhiều cách thức, có thể là nỗ lực học tập, lao động, cống hiến, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh người Nghệ để mang lại vinh quang, niềm tự hào cho đất nước, quê hương, cũng có thể là trực tiếp hoặc tạo cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, làm giàu cho quê hương...Đã không ít người phải thốt lên rằng: tại sao gần như sự kiện, vấn đề nào, cả tốt và xấu, cả may mắn và không may mắn xảy ra ở đâu đó trong nước hay ở nước ngoài đều có hình bóng người Nghệ An? Nhìn nhận một cách khoa học ở góc độ xác suất thống kê, thì quy mô càng lớn, càng rộng thì tỷ lệ phân bổ càng cao. Nhưng cũng chính vì thế, chúng ta vui khi người Nghệ An được vinh danh, xướng tên ở những thành tựu, giải thưởng, đóng góp nào đó, ngược lại chúng ta buồn khi một sự cố, một rủi ro mất mát xảy ra liên quan đến con em mình. Người Nghệ An ở quê nhà hay cộng đồng người Nghệ An ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài là một thể thống nhất. Đó luôn luôn là sức mạnh tiềm tàng nội tại, là ý chí to lớn và là niềm tự hào của tất cả người dân Nghệ An.
Chương trình Truyền hình “Người Nghệ muôn phương” của Đài PT-TH Nghệ An |
Trăn trở với người Nghệ xa quê, muốn tiếp thêm sức mạnh, động lực tinh thần cổ vũ con em mình giữ lửa truyền thống, tiếp bước cha anh, phát huy trí tuệ, sức mạnh và ý chí bản lĩnh người Nghệ An trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời muốn có thêm một cầu nối giữa người Nghệ xa quê với quê hương, giữa cộng đồng người Nghệ khắp muôn phương với nhau, để họ có sự gắn bó mật thiết, chia sẻ yêu thương và gửi gắm niềm tin với quê nhà, từ rất lâu Đài PT-TH Nghệ An với trách nhiệm của một cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh đã thực hiện rất nhiều chương trình về người Nghệ xa quê. Có thể kể đến chuyên mục “Người Nghệ xa quê”; “Tinh thần Việt” và 2 năm trở lại đây là “Người Nghệ muôn phương”. Qua góc tiếp cận của NTV, nhiều nhân vật lịch sử người Nghệ, nhiều câu chuyện cuộc đời, số phận, sự nghiệp, thành tựu…của người Nghệ ở các thời kỳ lịch sử, các lĩnh vực hoạt động khác nhau đã được khắc họa rõ nét và được lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn An Vinh - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắc Lắc Một người Nghệ xa quê đã 50 năm! |
Nghệ An không thiếu người tài. Với một số lượng lớn người Nghệ định cư lập nghiệp ở rải khắp cả nước, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, việc tiếp cận, gặp gỡ thật sự là hữu hạn. Thế nhưng có đi, có đến, có trực tiếp trò chuyện, tìm hiểu về từng con người cụ thể, chúng ta mới thấy được trí tuệ và nỗ lực của người Nghệ xa quê như thế nào. Dường như sinh ra là người Nghệ An vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng vừa là áp lực tinh thần để mỗi một người trong số họ cố gắng, phấn đấu nhiều hơn. Không chỉ có những chính trị gia, những giáo sư, tiến sỹ được sinh dưỡng từ những dòng họ khoa bảng nổi danh xứ Nghệ mà ngay cả những nông dân, công nhân đi ra từ mảnh đất nghèo này cũng làm nên tên tuổi và để lại dấu ấn cho riêng mình. Trên cả nước và ở nước ngoài, Nghệ An không thiếu những chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh, về ngoại giao, về kinh tế số, về toán học hay công nghệ kỹ thuật. Nhưng thật sự khâm phục khi ở vùng đất nắng gió như Tây Nguyên, những nông dân, công nhân Nghệ An từng gắn bó với các nông trường cao su, cà phê với sự mệnh di dân để giữ yên cho núi rừng, thì nay lại đi đầu trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong tìm kiếm giống mới, mô hình kinh tế mới. Những tỷ phú sầu riêng, bơ, mắc ca; điều…ở Đắc Lắc, Đắc Nông, thậm chí hoa Đà Lạt, khoai lang, trà Lâm Đồng cũng gọi tên người Nghệ. Rồi ở những thành phố sôi động và sầm uất nhất như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, những thành phố năng động và đầy sức trẻ như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long…nhiều người trẻ bằng tài năng, nhiệt huyết và trí tuệ mới đã khởi nghiệp, chiếm lĩnh vị trí của mình ở những lĩnh vực mang tính cạnh tranh và sáng táo rất cao như du lịch; IT; giáo dục đào tạo; âm nhạc, điện ảnh… Có thể nói bản lĩnh người Nghệ bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và thay đổi. Nói không quá rằng: người Nghệ không chỉ bản lĩnh mà còn hào hoa, không chỉ chắt chiu mà còn phóng khoáng. Chợt liên tưởng tới 2 câu thơ trong bài “Sông Lam” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo “Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài”. Dù khắc khổ, khắc nghiệt bao nhiêu, từ trong khô cằn sỏi đá vẫn vươn mình trỗi dậy những chồi xanh. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Xô Viết Nghệ -Tĩnh đi đầu dậy trước. Trong cách mạng kinh tế, hội nhập phát triển, người Nghệ An cũng không ngần ngại dấn thân và tiến về phía trước. Càng khó khăn càng thách thức trí tuệ và bản lĩnh của mỗi người. Và có lẽ vì thế nên người Nghệ ở đâu, làm gì phần lớn đều thích ứng được và hòa nhập nhanh.
Như một lẽ tất yếu, “cây có cội, sông có nguồn”, con người dù đi muôn phương, càng thành danh, càng có sự nghiệp, thành tựu, càng hướng và nghĩ nhiều về quê hương, “đi xa lại muốn về”, thậm chí “khổ đau càng muốn về”. Đặc biệt Văn hóa Nghệ, ở một góc độ hẹp hơn là tính cách, cốt cách người Nghệ lại khiến cho tình xứ Nghệ sâu đậm hơn. Nhiều người cho rằng, người Nghệ An bảo thủ, văn hóa Nghệ An là cố thủ, khó hòa nhập. Thực chất không phải. Vì sao có nhiều bạn trẻ nói được 7-8 thứ tiếng, nhưng giọng Nghệ vẫn rất rõ ràng không hòa trộn vào đâu được. Vì sao có những cuộc di dân, người dân “gánh” cả tên làng, tên xã ở Nghệ An vào tận Tây Nguyên? Vì sao xa quê 3-4 chục năm, nhưng văn hóa chè xanh, “nhút cà tương mắm”, những câu dân ca Ví Giặm vẫn là nếp sinh hoạt hàng ngày của nhiều cộng đồng người Nghệ trên khắp cả nước? Vì đó là tình yêu, là nỗi nhớ quê hương đã ăn sâu vào máu thịt. “Nghe tiếng ai quen giữa dòng người xa lạ… Tiếng của quê hương hòa trong nỗi nhớ”. Xa quê, người Nghệ vui khi giữa đường, giữa phố nghe thấy giọng nói quê nhà, vui khi ở nơi đất khách gặp được đồng hương. Giọng nói, bản sắc văn hóa Nghệ đậm đà không bị hòa trộn và mai một chính là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết, để kết nối cộng đồng người Nghệ xa xứ. Đó chính là cái tình đằm thắm, mặn mà của người Nghệ.
Khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của người Nghệ với quê hương |
Không ai không yêu và tự hào về quê hương mình, người Nghệ càng là vậy. Chính vì yêu nên dù xa quê, dù ở đâu, làm gì cũng đều nỗ lực, phấn đấu hết mình và không muốn đánh mất hồn cốt, bản sắc văn hóa, cái đã neo giữ tinh thần, tình cảm, sợi dây gắn kết mỗi người với nguồn cội quê hương. Quê hương là điểm tựa, là niềm tự hào cỗ vũ động viên tinh thần cho cộng đồng người Nghệ xa quê, và ngược lại cộng đồng người Nghệ xa quê càng lớn mạnh, càng có nhiều đóng góp cho đất nước thì càng là niềm tự hào của quê hương, xứ sở.
Thanh Huyền