Luật sư Trần Mạnh Hùng – Có lẽ sự bền bỉ và nhẫn nại của người Nghệ đã giúp tôi vượt qua thách thức
Tôi gặp anh Hùng vào một chiều cuối đông tại Hà Nội, sau rất nhiều cuộc điện thoại và email, và sau những chuyến công tác dài ngày của anh tại Singapore, Nhật Bản. Trời cuối năm lạnh căm, cái lạnh của Hà Nội nó khác cái lạnh của xứ Nghệ quê tôi lắm. Chúng tôi hẹn nhau ở một quán cafe. Cuộc gặp ngắn ngủi giữa những bộn bề công việc cuối năm của người hành nghề luật sư với các cuộc họp trực tuyến, vừa lạ mà vừa quen. Lạ vì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được hiểu thêm về nghề luật trong một hãng luật đa quốc gia, quen vì những thân tình và ấm áp của người cùng quê, mà gặp nhau là chuyển sang "Nghệ ngữ".
"NGƯỜI NGHỆ"
Trần Mạnh Hùng lớn lên ở Tân Kỳ, một huyện miền núi mà nhiều năm về trước, ký ức luôn là một vùng quê hiu hắt. Anh Hùng tránh nói về những khó khăn trong quá khứ, và anh nhắc tôi đừng viết về anh như một "chân dung thành đạt", vì theo anh, sự thành công của một con người là những lấp lánh bên ngoài, còn những trải nghiệm trong cuộc sống và nghề nghiệp mới thực sự là niềm vui đến từ bên trong. Dấu mốc đầu tiên mà anh Hùng (hồi ở quê mọi người gọi là "Hùng Huyện") làm được là cùng với hơn 10 học sinh của tỉnh Nghệ Tĩnh cũ tham gia đội tuyển văn Quốc gia năm 1987. Và đây là tiền đề để anh Hùng theo đuổi ước mơ vào trường Phan – ngôi trường nổi tiếng bậc nhất của Nghệ An. Câu chuyện về "Hùng Huyện" thì có lẽ cả cái thị trấn Lạt (Tân Kỳ) nhỏ xíu đều biết. Nguyên nhân là trong kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tiểu học của huyện Tân Kỳ, lúc làm đoạn kết của bài văn, do không kịp thời gian làm một cái kết thật hay, anh Hùng đã viết "ước mơ của em sau này là trở thành Ông Huyện". Các thầy cô chấm thi thuở ấy đã kể về cái kết văn đặc biệt cho mọi người nghe và mọi người gọi Hùng là "Hùng Huyện".
Luật sư Hùng và đồng nghiệp tại lễ kỷ niệm 30 năm Baker McKenzie mở Văn phòng tại Việt Nam |
Anh Hùng luôn dành một tình yêu ấm áp cho Trường Phan và Trường Luật, nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò. Trong cuốn Phan Nhân 1972, phần Hồi ức của anh là "Những ô cửa ký túc” viết về những tháng năm khó quên và “ký túc xá là những ô cửa đầu tiên của tôi. Từ đó, tôi nhìn ra thế giới rộng lớn hơn…”
Năm 1995, anh Hùng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, nhưng chàng trai trẻ năm đó đã không trở thành "Ông Huyện" như cái kết văn thời tiểu học, mà quyết tâm thực hiện ước mơ được làm việc trong một công ty luật quốc tế, và sau đó có duyên gắn bó với Baker McKenzie từ năm 1997 đến nay.
“Không bỏ cuộc – đó là hiện sinh của sự cố gắng mà có lẽ người Nghệ nào cũng có. Không bỏ cuộc giúp mình tự tin dần lên bằng chính những vấp ngã và yếu đuối của bản thân. Trong các mối quan hệ của mình (dù xã giao hay thân mật), tôi luôn thẳng thắn và chân tình, vì sự giả dối (dù khéo léo đến đâu) cũng sẽ phơi bày, dù sớm hay muộn. Tôi nghĩ đó là những giá trị cốt lõi của người Nghệ mà tôi luôn mang theo trên các nẻo đường đến với các đối tác và khách hàng ở nhiều Quốc gia trên thế giới” – Trần Mạnh Hùng.
DỊCH VỤ PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI VÀ CẢ THÁCH THỨC CHO CÁC BẠN LUẬT SƯ TRẺ VIỆT NAM
Nhiều năm trước đây, nhiều người quan niệm rằng Luật sư là một nghề tranh cãi, và chủ yếu làm những công việc liên quan đến tố tụng trước tòa án. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của nền kinh tế và thế giới phẳng, dịch vụ pháp lý đang dịch chuyển và quốc tế hóa sâu rộng. Dịch vụ pháp lý chính là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số đang diễn ra vô cùng phức tạp và quyết liệt.
Tại Việt Nam, từ năm 1993, các hãng Luật nước ngoài đã bắt đầu gia nhập thị trường, trong đó có hãng luật hàng đầu thế giới Baker & McKenzie. Các công ty quốc tế thường đi cùng thân chủ của mình là các nhà đầu tư lớn trong nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc vào Việt Nam.
Cùng với đội ngũ luật sư trong nước, các luật sư làm việc trong các hãng luật quốc tế đã và đang trở thành cầu nối quan trọng đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và hỗ trợ các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đầu tư sang các thị trường hải ngoại. Nhưng để làm được những điều đó, các luật sư phải có hàm lượng kiến thức và am hiểu không chỉ về pháp luật trong nước và quốc tế, mà buộc phải có khả năng ngoại ngữ thông thạo, kiến thức nền về kinh tế, chính trị, văn hóa kinh doanh, ứng xử giữa con người với nhau... Bởi đối với mỗi thân chủ và các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, các luật sư sẽ cần kiến thức chuyên môn chuyên biệt. Vì thế đòi hỏi luật sư phải luôn luôn học hỏi, tìm hiểu và cập nhật kiến thức mỗi ngày.
Theo đó, khả năng diễn đạt các vấn đề pháp lý phức tạp phải được thực hiện thông qua sự thông thạo về ngôn ngữ, và một luật sư giỏi là người không phải làm cho vấn đề phức tạp thêm (hay chứng tỏ mình hiểu vấn đề phức tạp nào đó), mà là người có thể dẫn dắt các vấn đề một cách đơn giản hơn và có tính thương mại cao. Bởi ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là ngôn ngữ giao tiếp hay ngoại ngữ, mà còn là văn hóa và cách truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu nhất (đặc biệt là đối với các vấn đề pháp lý còn nhiều tối sáng).
Luật sư Hùng và đồng nghiệp hỗ trợ và trao văn bằng sáng chế tại Mỹ cho doanh nghiệp Việt Nam |
Mười năm trở lại đây đội ngũ luật sư ở khu vực châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng phát triển rất nhanh. Nền kinh tế phát triển, hội nhập dẫn đến các dịch vụ liên quan đến pháp lý cũng phát triển (đặc biệt là các giao dịch thông qua biên giới). Điều này đặt ra thách thức đối với từng luật sư trong việc tự học, hòa nhập và nắm bắt được "ngôn ngữ" của một nền kinh tế vận động mạnh mẽ thông qua các nền tảng công nghệ xuyên biên giới. Vì thế, các sinh viên theo ngành luật và các luật sư trẻ phải tự mình tạo nên cơ hội cho chính mình thông qua việc kết nối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các cơ hội làm việc với các đồng niên trong khu vực (như ALSA – Tổ Chức Sinh Viên Luật Châu Á), hoặc tham gia các phiên tòa quốc tế giả định do các trường luật trong khu vực tổ chức. "Vượt qua vòng an toàn xung quanh mình, đặt mình vào sự vận động mạnh mẽ của công nghệ (trong bối cảnh AI/Trí Tuệ Nhân Tạo đang là một xu thế) là tự tạo thêm giá trị cho bản thân mình" – anh Hùng tâm sự.
TÔI MUỐN LÀM CẦU NỐI ĐƯA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ VỀ QUÊ HƯƠNG NGHỆ AN
Những năm gần đây, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ với sự cạnh tranh lành mạnh và quyết liệt giữa các điểm đến đầu tư. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc tại một trong những hãng luật lớn nhất thế giới (Baker & McKenzie), hàng năm, anh Hùng và các luật sư đồng nghiệp của mình đã và đang hỗ trợ nhiều dự án quan trọng liên quan đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Là người con của quê hương Nghệ An, anh Hùng có nói với tôi: "Ước mong sau này Nghệ An chúng ta được biết đến là một tỉnh giàu bởi chúng ta thực sự giàu có về trí tuệ và văn hóa bản địa". Do các nguyên tắc bảo mật của một hãng luật, anh Hùng không thể tiết lộ chi tiết, nhưng anh luôn cảm thấy vui vì đã tham gia thuyết phục một số nhà đầu tư nước ngoài lớn đầu tư về Nghệ An. Trong dịp gần Tết, anh cũng đã dẫn một đoàn nhà đầu tư của Hoa Kỳ về tiếp xúc với lãnh đạo Tỉnh để xúc tiến đầu tư xây dựng khu công nghiệp và khách sạn tiêu chuẩn quốc tế.
Nghệ An có một thế mạnh rất lớn đó là nguồn nhân lực (bao gồm cả nguồn nhân lực chất lượng cao và lực lượng lao động phổ thông). Ngoài việc duy trì các hội thảo thu hút đầu tư vào tỉnh, điều quan trọng hơn cả đó là tỉnh nên có một chính sách thu hút đầu tư quyết liệt bởi không ai có thể làm tốt hơn việc "tiếp thị và bán hàng" bằng chính người lãnh đạo cao nhất. Bản thân các CEO của các tập đoàn lớn trên thế giới là những người "bán hàng" tốt nhất cho các sản phẩm của họ. Ngoài ra, việc kết nối, duy trì kết nối và tận dụng được mạng lưới trí thức gốc Nghệ trong nước, ở khu vực và trên thế giới sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế của tỉnh. Chính họ là những nhân tố tích cực cần được khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự tôn, để hỗ trợ tham vấn cho lãnh đạo tỉnh, mở rộng và khai thông các nguồn lực đầu tư về tỉnh nhà trên cơ sở các thế mạnh của các huyện trong tỉnh, góp phần quảng bá và đưa hình ảnh văn hóa bản địa cũng như các sản phẩm du lịch của tỉnh được đón nhận hơn. "Nghệ An thực sự không nghèo, chỉ là chưa muốn giàu thôi", anh Hùng chốt lại và nói lời tạm biệt với tôi. Chữ "giàu" trong sắc âm của người con xứ Nghệ làm tôi thấy chan chứa hy vọng. Vâng, chúng ta chỉ thực sự giàu khi chúng ta giàu có về trí tuệ, giàu có lòng yêu thương, sẻ chia và sẵn sàng kết nối để cùng nhìn về một hướng…
Luật sư Hùng và đồng nghiệp những ngày đầu vào Baker năm 1997 |
Anh cũng là tác giả của rất nhiều bài báo, công tình nghiên cứu tiêu biểu và là giáo viên thỉnh giảng tại Đại học Luật Waseda (Nhật Bản), Đại học RMIT (Úc, Vietnam Campus), ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại Thương, Học Viện Ngoại Giao…:
- Tác giả của nhiều bài báo về Pháp luật Sở hữu trí tuệ, Bảo vệ dữ liệu, Nhượng quyền, Đầu tư nước ngoài v.v… trên các tạp chí, ấn phẩm chuyên ngành trong nước và quốc tế.
- Đồng tác giả Chương "Việt Nam", sách The Intellectual Property Review của Tạp chí The Law Reviews.
- Đồng tác giả Sổ tay Luật sư, Quyển 3.
- Đồng tác giả cuốn sách: Bảo Vệ Dữ Liệu Cá Nhân và An Ninh Mạng, phát hành toàn cầu, 2024.
Bài: Khánh Ly - Thiết kế: Hoàng Bá (dbndnghean.vn)