Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Điện Biên phủ – đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân

20:02, 18/03/2024
Điện Biên phủ, đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, “lừng lẫy năm Châu” không chỉ vì chiến thắng oanh liệt trên chiến trường, của những cuộc đối đầu tưởng như không cân sức giữa một bên đế quốc hùng mạnh với trang bị vũ khí hiện đại và một bên là lực lượng quân dân một nước nhỏ yếu, càng không chỉ “chấn động địa cầu” bởi chiến thắng quân sự, ngoại giao với việc chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam và Hiệp định Giơ-ne-ver được kí kết. Mà quan trọng hơn còn vì những kỳ tích được tạo nên bởi những con người bình dị, nhưng lại có những hành động việc làm quả cảm kiên trung – những anh hùng từ nhân dân và được sinh ra trong suốt hành trình trăm ngã đổ về Điện Biên phủ. 

Trong cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới”, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định “trận Điện Biên phủ vĩ đại – đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX”, vì sao? 

Thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược và cai trị nước ta vào năm 1858. Sau gần 100 năm bị áp bức, đô hộ của thực dân đế quốc, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã làm nên kỳ tích Điện Biên phủ - nơi được xem là "pháo đài khổng lồ không thể công phá". Điện Biên phủ không chỉ là minh chứng cho cuộc đọ sức giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa lực lượng hùng hậu và tối tân lúc đó của thực dân Pháp với quân dân Việt Nam binh lực, quân trang quân dụng thiếu và yếu, mà quan trọng hơn là ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng. Chiến thắng Bạch Đằng (1288) của quân dân nhà Trần, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, một kẻ thù mạnh và tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Đại Việt. Chiến thắng Chi Lăng (1427) của quân dân nhà Lê, với tuyên bố hùng hồn của “Bình Ngô đại cáo” đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Còn chiến thắng Đống Đa (1789) lại là bản cáo chung cho quân xâm lược nhà Thanh. Đại quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã quét sạch quân xâm lược từ đằng trong ra đằng ngoài, nhất thống Bắc – Nam. Mỗi chiến thắng đều là bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đánh bại hoàn toàn một kẻ thù xuân lược, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Vì thế, chiến thắng Điện Biên phủ sau 9 năm ròng rã quân dân “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, đã chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX và “đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. So sánh Điện Biên Phủ với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa không chỉ về ý nghĩa lịch sử, giá trị độc lập, tự do mang lại cho dân tộc từ chiến thắng mà còn bởi quy mô, hào khí và việc vận dụng tài tình chiến lược quân sự lấy dân làm gốc, sau nay gọi là chiến tranh nhân dân. Từ tướng sỹ của Hưng Đạo đại vương đến nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, từ nghĩa quân Tây Sơn của Quang Trung đến bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sau này… đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, chiến đấu.       

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một cuộc kháng chiến được thực hiện ngay sau khi đất nước vừa giành độc lập, vị thế chính trị chưa vững chắc, ngân khố cạn kiệt, nhân dân đói khổ, lực lượng vũ trang nhỏ yếu, giặc đói giặc dốt bủa vây. Vì thế, Đảng ta, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, kết hợp lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang, tạo nên "vành hoa đỏ, thiên sử vàng" cho Việt Nam ở thế kỷ XX từ chiến thắng Điện Biên phủ thần kỳ.  

Cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta đều chủ trương tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân, phương châm toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Chính vì thế dù trọng tâm cuộc chiến và chiến trường khốc liệt ở Tây Bắc và miền Nam, nhưng các tỉnh thành với vai trò là hậu phương lại hết sức quan trọng. Tiền tuyến muốn mạnh, muốn đánh thắng giặc thì hậu phương càng phải vững chắc, thủy chung. Nghệ An, mảnh đất có truyền thống cách mạng, luôn đi đầu dậy trước, là thành đồng ao nóng của cả nước, trong mỗi giai đoạn lịch sử không chỉ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bình yên bờ cõi, cung cấp, bổ sung binh lực, đặc biệt là các anh tài hào kiệt, những tướng lĩnh kiệt xuất cho các mặt trận mà còn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả: hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường.

Vào những năm sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân cả nước đều đói khổ, thiếu thốn, chính quyền non trẻ, độc lập chưa được bao lâu thì cả nước lại phải bước vào một cuộc kháng chiến gian khổ trường kỳ. Nhưng vẫn phương châm "đem sức ta mà giải phóng cho ta", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tài lược quân sự biến hóa, cùng nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã huy động sức mạnh vật chất lẫn tinh thần từ trong dân để chiến thắng giặc Pháp. Binh lực mỏng thì kêu gọi xung phong nhập ngũ và tăng cường huấn luyện; lương thực quân dụng thiếu thì vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tích trữ đóng góp; phương tiện vận chuyển và giao thông khó khăn thì đề ra giải pháp gùi thồ; lực lượng phục vụ yếu thì kêu gọi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…Đúng như tinh thần "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)… Vũ khí như thế, lực lượng được huy động như thế thì lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến cũng theo cách đó mà gom góp tập kết để tiếp viện lên Tây Bắc, tất cả vì tiền tuyến. Quan trọng hơn chính là ý chí, là sức mạnh tinh thần trong toàn quân, toàn dân, cả nước dồn sức cho Điện Biên phủ. 

Đến tận hôm nay, sau 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ, thế giới và các thế hệ người dân Việt Nam vẫn không ngừng phân tích, lí giải vì sao: một đất nước nhỏ bé lại có thể đánh thắng một kẻ thù xâm lược hung hãn của thế giới lúc bấy giờ. Vì sao lực lượng chiến đấu bộ đội dân quân chân đất, áo vải đơn sơ lại chiến thắng đội quân tinh nhuệ được trang bị khí tài đạn dược tối tân, vì sao những chiếc xe đạp thồ lại chiến thắng cả xe vận tải, máy bay trực thăng, vì sao những khẩu pháo được kéo lên núi cao, vực sâu bằng sức người lại chiến thắng cả xe tăng bọc thép, và vì sao lại có những cảm tử quân lấy thân mình lấp lỗ châu mai và làm giá súng? Rất nhiều câu hỏi vì sao? Nhưng đó chính là bản năng phản kháng của những người dân yêu chuộng hòa bình tự do, không muốn tiếp tục chịu áp bức bóc lột, là sự phản đối sinh động nhất của chính nghĩa đối với phi nghĩa. Và bởi đó là tình yêu nước, tinh thần dân tộc cao cả. Kỳ tích Điện Biên phủ được dệt nên từ những kỳ tích anh hùng cá nhân. Đó là những con người bình dị, nhỏ bé trong nhân dân. Là "những đồng chí chèn lưng cứu pháo, nát thân nhắm mắt, còn ôm", là "những bàn tay xẻ núi lăn bom, nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện"… và đó không chỉ là bộ đội chủ lực, những chiến sỹ được huấn luyện chiến đấu mà còn là những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến "chị gánh, anh thồ… anh hò, chị hát", là những em bé thiếu niên nhi đồng ý thức giữ làng, giữ bản và dòng máu anh hùng luôn chảy trong huyết quản…Đó cũng chính là kỳ tích, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân.    

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ, Việt Nam đã huy động hơn 35 ngàn người vận chuyển, trên 20 nghìn xe đạp thồ để mang lên Điện Biên hơn 14 ngàn tấn vũ khí, lương thực, trang thiết bị. Và Thanh – Nghệ - Tĩnh là 3 địa phương cung cấp người và lượng thực, thực phẩm, quân nhu cho chiến dịch lớn nhất cả nước. Không có số liệu chính xác cho từng giai đoạn hay trận đánh vì quá trình bổ sung nhân lực và tiếp viện hàng hóa liên tục, kéo dài. Tiền tuyến cần hậu phương sẵn sàng chi viện. Nhưng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ -Tĩnh đã bổ sung gần 106.000 quân cho các mặt trận, huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 31 triệu ngày công. Cao điểm ngày mồng Một tết Nguyên đán 1954 và tổng động viên cho chiến dịch, Nghệ Tĩnh đã điều 32.000 dân công, hàng ngàn tân binh và gần 6000 thanh niên nhập ngũ. 

Khi nói về những đóng góp của hậu phương cho chiến dịch Điện Biên phủ, Tổng Bí thư Lê Duẩn một lần nữa nhấn mạnh: 

Điện Biên phủ, đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, “lừng lẫy năm Châu” không chỉ vì chiến thắng oanh liệt trên chiến trường, của những cuộc đối đầu tưởng như không cân sức giữa một bên đế quốc hùng mạnh với trang bị vũ khí hiện đại và một bên là lực lượng quân dân một nước nhỏ yếu, càng không chỉ “chấn động địa cầu” bởi chiến thắng quân sự, ngoại giao với việc chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam và Hiệp định Giơ-ne-ver được kí kết. Mà quan trọng hơn còn vì những kỳ tích được tạo nên bởi những con người bình dị, nhưng lại có những hành động việc làm quả cảm kiên trung – những anh hùng từ nhân dân và được sinh ra trong suốt hành trình trăm ngã đổ về Điện Biên phủ. 

Không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần dân tộc mới là bất khả xâm phạm. 

 

 

 

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm