Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên

08:20, 14/06/2019
Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh niên, với 88 số, mở ra lớp đào tạo 300 cán bộ đều do Bác Hồ khởi thảo, chủ trì, giảng dạy là sự mở đầu một cuộc Cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.

Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Đồng thời, Bác Hồ cũng chủ trì xuất bản một tờ báo bí mật được dùng làm cơ quan ngôn luận và đấu tranh của tổ chức này. Đó là tờ Thanh niên. Báo ra hàng tuần bằng tiếng Việt, trụ sở đặt tại số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, in trên chất liệu giấy sáp, tên báo viết bằng hai thứ tiếng (Việt và Hán), phần đầu bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao là số thứ tự của tờ báo. Báo có khuôn khổ 19 x 13 cm, ra mỗi kỳ 2 trang, có lúc 4 trang, với các mục: xã luận, bình luận, diễn đàn phụ nữ, phê bình, tin tức, thơ ca, vấn đáp, trả lời bạn đọc, việc làm…

Báo Thanh niên - Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên

Báo đảm trách nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Báo cũng thông qua những bài viết để trình bày có hệ thống một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Báo còn kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ra sức đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, tìm tòi để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh: Tư liệu

Trong những số đầu tiên, báo Thanh niên nhấn mạnh về sự đoàn kết nội bộ, nhờ đó mà đoàn thể có sức mạnh và những cá nhân trong đoàn thể làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, báo cũng kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng ái quốc mà người Việt Nam lúc bấy giờ ấp ủ, chờ cơ hội để thể hiện, hành động. Trong những số tiếp theo, tờ báo giúp bạn đọc nhìn nhận về tình hình thế giới, đặc biệt là những chuyển biến vừa xảy ra tại các cường quốc và Việt Nam. Các tác giả bài viết và ban biên tập báo đều cố gắng sử dụng những từ ngữ bình dân quen thuộc để chuyển tải tới bạn đọc từ thực trạng Việt Nam đến lý thuyết cách mạng, cộng sản.

 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh niên - cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam.

Báo Thanh niên được phát hành cho người Việt sống ở phía Nam Trung Quốc, một phần chuyển về lưu hành ở Việt Nam và một phần khác được gửi tới các trung tâm phong trào yêu nước của người Việt ở nước ngoài (Pháp, Nga, Thái Lan…). Đến tháng 4/1927, báo ra đều đặn được 88 số (kỳ). Giai đoạn sau đó, báo xuất bản thêm được hàng trăm kỳ nữa, nhưng khoảng cách thời gian giữa các kỳ không đều và lưu hành cũng bí mật hơn vì bị mật thám Pháp theo dõi cùng sự trấn áp gắt gao của chính quyền sở tại. Các kỳ báo cuối cùng không được in trên giấy sáp mà xuất bản dưới hình thức những trang đánh máy.

Bác Hồ và chiếc máy đánh chữ được Bác dùng để soạn thảo nhiều văn kiện. Ảnh: Tư liệu

Báo Thanh niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng quốc ngữ Việt Nam, được phổ biến rộng khắp cả nước, trong người dân Việt - nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân… - nhằm chuẩn bị tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21/6/1985, nhân kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản tờ báo Thanh niên đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm vinh dự là “Ngày Báo chí Việt Nam”.

 Minh Hữu                                                                                              

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện