Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Từ 1.7.2009: Uống 1 cốc bia cũng không được lái xe!

15:36, 08/12/2008
Cấm hoàn toàn rượu bia khi lái xe ô tô, bắt buộc lắp hộp đen trên xe khách, cho phép nhập xe tay lái nghịch... đó là những điểm mới trong Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) vừa được công bố (có hiệu lực từ 1.7.2009).
Từ 1.7.2009: Uống 1 cốc bia cũng không được lái xe! 
 
 
20/02/2009 23:50 
Hộp đen sẽ là cơ sở quan trọng để xác định nguyên nhân tai nạn giao thông - Ảnh: Ngọc Thắng
Cấm hoàn toàn rượu bia khi lái xe ô tô, bắt buộc lắp hộp đen trên xe khách, cho phép nhập xe tay lái nghịch... đó là những điểm mới trong Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) vừa được công bố (có hiệu lực từ 1.7.2009).

Theo luật mới sửa đổi, người lái ô tô sẽ bị xử phạt nếu phát hiện có nồng độ cồn trong máu (dù là một lượng rất nhỏ, luật hiện hành cho phép không được vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/1 lít khí thở).

"Với quy định này, người lái ô tô dù chỉ uống một cốc bia hay 1 ly rượu vang cũng không được lái xe ngay lập tức, vì khi đó khí thở chắc chắn có nồng độ cồn (dù nhỏ)", thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cảnh báo.

Về phương pháp và quy trình xử lý người vi phạm, thượng tá Sơn cho biết khi xe có biểu hiện nghi vấn vi phạm hoặc biểu hiện vi phạm, CSGT sẽ dừng xe kiểm tra giấy tờ, bằng lái, đăng ký. Nếu thấy tài xế có biểu hiện uống rượu (mặt đỏ, hơi thở có mùi rượu, bia), cảnh sát sẽ yêu cầu tài xế thử nồng độ cồn trong khí thở.

 

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe - Ảnh: M. Đức

"Lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ ống thổi để đảm bảo người thử sẽ dùng ống thổi mới, đảm bảo an toàn vệ sinh. Tài xế có quyền yêu cầu được xem tem kiểm định, nhãn mác bao bì của ống thổi, nếu không có tem, bao bì bị rách họ có quyền từ chối kiểm tra bằng phương pháp thổi vào máy. Còn nếu người nào cố tình không cho kiểm tra (không thổi) sẽ bị xử lý như là người sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép", thượng tá Sơn nói và khẳng định: "Khi phát hiện vi phạm, cảnh sát phải có trách nhiệm dừng ngay vi phạm đó. Trong tình huống như trên, cảnh sát sẽ yêu cầu tài xế phải di chuyển bằng phương tiện khác (gọi taxi, đi xe ôm...) hoặc đi bộ, gọi người khác đến chở đi. Nếu không, cảnh sát yêu cầu lái xe dừng xe cho đến khi hết hàm lượng cồn trong máu thì mới được lái xe đi tiếp".

 

 
Gần 1 năm nay, một số doanh nghiệp vận tải lớn như Hoàng Long, Mai Linh... đã lắp đặt hộp đen trên xe khách để kiểm soát hoạt động của xe. Anh Hồ Huy Thành, cán bộ giám sát thiết bị định vị của Tập đoàn Mai Linh, cho biết: "Chúng tôi đã lắp đặt trên 70 xe loại 45 chỗ và thấy hiệu quả khá tốt. Thiết bị định vị sẽ báo về cho chúng tôi biết xe đang ở đâu, chạy với tốc độ nào, cửa có đóng không, chạy có đúng lộ trình không... Nếu phát hiện xe chạy quá tốc độ, cửa chưa đóng, cán bộ điều hành ở nhà sẽ liên lạc qua điện thoại để nhắc nhở lái xe".
 

Cũng theo thượng tá Sơn, sắp tới Bộ Y tế nên có khuyến cáo để người lái xe dễ dàng kiểm soát được nồng độ cồn trong máu, vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa tránh bị xử phạt. Ví dụ: một người 20 tuổi sẽ biết được anh ta không được lái ô tô sau bao nhiêu thời gian kể từ khi uống 2 cốc bia

300 ml? Hoặc một người 40 tuổi biết được rằng sau bao nhiêu lâu thì hơi thở của họ sẽ không còn nồng độ cồn kể từ khi họ uống 2 ly rượu 39 độ cồn... 

Buộc gắn hộp đen cho xe khách

Một điểm đột phá trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi là quy định bắt buộc gắn thiết bị định vị (thường được gọi là "hộp đen" - PV) trên xe khách. Đây là điều được nhiều người mong đợi nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm đối với xe khách đường dài.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải, giải thích: "Quy định cụ thể về tiêu chí, chức năng của hộp đen sẽ được quy định trong nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, hộp đen trước hết phải là thiết bị giúp tài xế lái xe an toàn chứ không phải là một "điệp viên" chỉ nhăm nhăm ghi lỗi của tài xế và xử phạt.

Chẳng hạn hộp đen sẽ giúp xác định vị trí của xe đang ở đâu, trên tuyến đường nào, điều kiện kỹ thuật của xe có đảm bảo không, xe chở bao nhiêu khách... đồng thời cảnh báo cho tài xế nếu xe chạy quá tốc độ, tình trạng kỹ thuật của xe không đảm bảo...". Ngoài ra, theo ông Thanh, hộp đen cũng có thể là tài liệu để đơn vị quản lý xe, cơ quan chức năng hậu kiểm khi xe đã kết thúc hành trình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có bắt buộc phải lắp toàn bộ hộp đen trên xe khách từ 1.7.2009, khi Luật chính thức có hiệu lực? Ông Thanh cho rằng cần có lộ trình, trước hết cần lắp thí điểm trên một số tuyến đường dài. "Khi luật có hiệu lực, chúng tôi sẽ kiểm soát việc lắp đặt hộp đen ngay từ khi đăng kiểm xe. Chỉ những xe nào có gắn thiết bị này đủ tiêu chuẩn, chúng tôi mới cấp chứng nhận đăng kiểm. Ngoài ra, khi xe bắt buộc phải gắn hộp đen mà chủ xe không gắn, CSGT, thanh tra giao thông cũng sẽ xử lý. Tất cả những quy định chi tiết này sẽ được đề cập trong nghị định hướng dẫn", ông Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chia sẻ: "Hiện nay, có hơn 1.000 doanh nghiệp vận tải bằng xe khách. Các doanh nghiệp này cũng có sự chênh lệch rất lớn về quy mô, về trình độ quản lý, về trang thiết bị hoặc nhận thức. Cho nên, tôi cho rằng cần làm thí điểm trên một số tuyến, một số xe để chọn thiết bị phù hợp. Nếu làm đại trà với tất cả xe khách ở thời điểm 1.7.2009 là chưa phù hợp".

Káp Thành Long


Xem thêm