Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ve tau

10:18, 08/12/2008
Bài 1: Có tiền, vé kiểu nào cũng còn!TT - Trong những ngày qua, hành khách không dễ gì mua được vé tàu tết tại ga Sài Gòn, còn xếp hàng qua tin nhắn cũng thường được phản hồi “hết số thứ tự”. Thế nhưng trên thị trường vẫn còn nhiều vé tàu được bày bán công khai với điều kiện phải chịu công thêm khoản tiền được gọi là “phí dịch vụ”.

Vé tàu tết: trong hết, ngoài… vô tư

Bài 1: Có tiền, vé kiểu nào cũng còn!

TT - Trong những ngày qua, hành khách không dễ gì mua được vé tàu tết tại ga Sài Gòn, còn xếp hàng qua tin nhắn cũng thường được phản hồi “hết số thứ tự”. Thế nhưng trên thị trường vẫn còn nhiều vé tàu được bày bán công khai với điều kiện phải chịu công thêm khoản tiền được gọi là “phí dịch vụ”.

 

Hết vé cho những chỗ ngồi “đẹp”, hành khách chỉ còn một chọn lựa là mua cho mình vé ghế phụ (ghế nhựa) trong chuyến Sài Gòn - Vinh - Ảnh: NGỌC HẬU

Từ ngày 27-11, ga Sài Gòn hầu như không còn một tấm vé tàu để về quê ăn tết vào các ngày 18 đến 23-1-2009 (23 - 28 tháng chạp), đăng ký qua tin nhắn cũng hết. Thế nhưng tại một số công ty TNHH hay đại lý thì “vé kiểu nào cũng có” với điều kiện phải chi thêm tiền.

Nhiều ngày qua, hàng chục ngàn người có nhu cầu về quê ăn tết phải thức từ 4 giờ sáng để xếp hàng lấy số thứ tự qua tin nhắn. Không ít hành khách rất bức xúc vì nhắn tin mới 4g30 nhưng đã báo “hết số thứ tự cho cả ngày...”. Thậm chí người có số thứ tự cũng chưa chắc có được tấm vé như mong muốn...

Công khai nâng giá

 

Những tấm vé tàu được mua với giá vé chênh lệch rất cao so với giá gốc - Ảnh: NGỌC HẬU

Nếu như tại khu vực trước cổng ga Sài Gòn, vé “chợ đen” được “cò” vé chào mời với mức chênh lệch 150.000 - 200.000 đồng/vé tùy loại thì cũng với mức chênh lệch tương đương, hành khách có thể đường hoàng mua một tấm vé từ một doanh nghiệp hay phòng vé sang trọng nào đó. Thật vậy, từ ngày 27-11, trên một số tuyến đường ở TP.HCM, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hàng loạt tấm bảng to với dòng chữ “có vé tàu tết Vinh - Hà Nội - Thanh Hóa các ngày...” hoặc “Sài Gòn - Đà Nẵng từ 19-27 AL (âm lịch); Hà Nội 25, 26, 27; mồng 4, 5, 6 AL” hay “còn nhiều vé tàu đi các ngày từ 22-28 tết”... Trong khi đó tại ga Sài Gòn, các loại vé đi trong những ngày này hầu như không còn.

 

"À, mà ở đâu tôi cũng cộng phí trăm tám, trăm rưởi ngàn hết. Ai dễ thương tôi cộng trăm rưởi, ai thấy ghét có vé tôi cũng không bán."

(Lời cô nhân viên phòng vé Phương Thanh - 580 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình)

Ngày 29-11, chúng tôi ghé vào phòng vé máy bay - tàu hỏa Phương Thanh (580 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình). Trước mặt tiền của phòng vé là lời rao khá hấp dẫn: “Vé tàu đi nhiều tuyến như Đà Nẵng, Hà Nội trong các ngày giáp tết”. Cô nhân viên phòng vé đon đả: “Mua vé đi đâu?”. Chúng tôi hỏi: “Vé Đà Nẵng ngày 23 tết còn không chị?”. “Đà Nẵng hả, tôi có một cái giường nằm. Cộng phí dịch vụ 150.000 đồng một vé” - cô bán vé nói.

Thấy chúng tôi gặng hỏi về phí dịch vụ một số tuyến khác, cô bán vé gằn giọng: “Vé Đà Nẵng mức phí là 150.000 đồng, Hà Nội thêm 180.000 đồng/vé. À, mà ở đâu tôi cũng cộng phí trăm tám, trăm rưởi ngàn hết. Ai dễ thương tôi cộng trăm rưởi, ai thấy ghét có vé tôi cũng không bán”. Nói xong cô bán vé yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin điện thoại người mua, người đi tàu và nói: “Chờ đó, sẽ gọi lại sau”. Chúng tôi phải năn nỉ mới mua được tấm vé đi Đà Nẵng đã cộng phí 150.000 đồng, bằng với giá vé chợ đen được bán ngoài cổng ga Sài Gòn. Đó là vé tàu loại giường nằm mềm từ Sài Gòn đi Đà Nẵng ngày 18-1-2009, tức 23 tháng chạp, với giá 873.000 đồng (trong đó giá vé chính thức chỉ 723.000 đồng).

Quy mô hơn, tại phòng vé máy bay Phạm Nguyễn (477 Cộng Hòa, P.15, Tân Bình), tiếp chúng tôi, một nhân viên lấy bên trong ra một danh sách chi chít tên, số hiệu vé... để tra cứu và trả lời rằng có ngay vé. Sau đó, anh này sang lấy vé ở nhân viên nữ ngồi bàn khác. Tấm vé bán ra được giao kèm theo hóa đơn thu tiền mặt. Hóa đơn ghi rõ “tên khách hàng, điện thoại liên lạc, hành trình đi, giá tiền vé đại lý thu về là 840.000 đồng”, trong đó phí dịch vụ là 150.000 đồng. Đây cũng là một tấm vé rất “hiếm” vì vé đi ngày 23-1-2009 (28 tết) và không thể mua được tại ga Sài Gòn trong những ngày này.

Trên tấm vé ghi ngày xuất bán là 24-11, tức trước ngày chúng tôi mua năm ngày. Hơn thế, mặc dù phòng vé này không phải đơn vị mua vé hộ cũng không phải là đại lý của ngành đường sắt nhưng vẫn có vé trắng (chưa ghi tên, số CMND người mua), khi chúng tôi mua xong thì nhân viên mới cẩn thận ghi tên, số CMND của chúng tôi vào.

Tại phòng vé máy bay - tàu hỏa của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngôi Sao Quốc Tế (459 Cộng Hòa, P.15, Tân Bình), cô bán vé ra giá hệt như các “cò” vé trước ga: “Hà Nội cộng phí 100.000 đồng/vé, Huế cộng phí 90.000 đồng/vé, từ Huế trở vào lấy chênh lệch 80.000 đồng”. Chúng tôi vừa đăng ký tại phòng vé buổi sáng thì đầu giờ chiều đã lấy được tấm vé khá “ngon”: ghế ngồi Sài Gòn - Hà Nội ngày 23-1-2009 (28 tết).

Tấm vé xuất ngày 24-11 nhưng phòng vé bán cho chúng tôi vào ngày 25-11 và cũng như những tấm vé trước, nhân viên phòng vé yêu cầu chúng tôi đọc tên, số CMND để ghi vào sau tấm vé.

“Tất cả các loại vé đều có”

 

Những tấm biển quảng cáo bán vé tàu tết bên ngoài, trong khi ga Sài Gòn đã hết vé - Ảnh: Ngọc Hậu

Trong lúc vé tàu tết tại ga khan hiếm, chúng tôi bị thu hút với lời rao trên mạng: “Công ty chúng tôi phục vụ 24/24 giờ cho khách hàng có nhu cầu mua các loại vé đi các nơi. Đến với công ty chúng tôi là đại lý chính thức bán vé cho các chi nhánh nhỏ. Đi trên tàu hỏa quý khách sẽ có những chỗ tốt nhất hàng đầu... Liên hệ... ”.

Chiều 28-11, có mặt tại Công ty TNHH một thành viên dịch vụ thương mại - vận tải - du lịch Anh Tuấn (Công ty Anh Tuấn) theo địa chỉ như trên trang web quảng cáo, chúng tôi được giám đốc công ty là ông Trần Viết Hùng đón tiếp. Ông Hùng khẳng định: “Cứ đăng ký vé đi từ 23-28 tết, tất cả các loại vé đều có”. Ông Hùng còn cho biết: “Công ty chỉ lấy phí chênh lệch 100.000 đồng/vé. Yên tâm mua là có vé. Nguồn vé công ty lấy từ Hà Nội”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa tin, ông giám đốc hùng hồn phát biểu thêm: “Phía đầu ga Sài Gòn chỉ bán 80% vé thôi, còn 20% để lại cho ga Hà Nội bán. Mình lấy vé từ đầu Hà Nội luôn”.

Ông Hùng đưa cho chúng tôi bảng báo giá từ ga Sài Gòn đến các ga từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Nam Định, Phủ Lý... Chúng tôi lấy được bảng giá vé của công ty (có đóng mộc đỏ) cho thấy khung giá ở hàng trăm ô, mục (loại vé, tỉnh thành, ngồi cứng, ngồi mềm, giường nằm cứng mềm, có điều hòa hay không có điều hòa và loại tàu) đều được cộng sẵn phí dịch vụ vào giá mỗi vé 100.000 đồng.

Chúng tôi thỏa thuận mua vé ngồi cứng Sài Gòn đi Vinh trong thời gian từ 25 - 28 tết với giá vé là 654.000 đồng, tăng 100.000 đồng so với giá của ga. Ông Hùng yêu cầu chúng tôi đặt cọc 80% trên tiền vé, tức 523.000 đồng. Theo biên nhận thỏa thuận, Công ty Anh Tuấn sẽ giao vé vào ngày 3-1-2009 và thu thêm 20% số tiền còn lại. Công ty Anh Tuấn cam kết sẽ bồi thường 1,5 lần giá trị hợp đồng nếu không có vé. Trong thỏa thuận cũng quy định nếu trong ngày đi mà chúng tôi không nhận vé sẽ bị mất tiền đặt cọc mua vé.

Thấy chúng tôi vẫn chưa an tâm, ông Hùng đưa cả giấy phép đăng ký kinh doanh cho chúng tôi xem. Ông Hùng trấn an: “An tâm đi, công ty được Nhà nước cấp giấy phép hẳn hoi. Có gì chị cứ đến công ty đòi tiền...”. Giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ vận tải du lịch Anh Tuấn (đặt tại số 235/19 Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) ghi rõ ngày thành lập còn mới toanh 4-11-2008 và được cấp mã số thuế ngày 10-11-2008, tức là trước ngày cao điểm bán vé tàu tết ngoài ga Sài Gòn (15-11) chỉ năm ngày. Người đứng tên thành lập công ty là bà H.T.B.H. (sinh 1987). Còn ông Trần Viết Hùng chỉ là giám đốc điều hành công ty.

Lúc tiếp chúng tôi ngày 27-11, theo ông Hùng, công ty được phân phối khoảng 500 vé tàu nhưng đã bán được 300 vé, còn 200 vé. Nếu ngày 30-11 không đăng ký thì sẽ gút danh sách cuối cùng, để chứng minh ông Hùng còn chìa cho chúng tôi danh sách dày đặc những người đăng ký.    

VÕ HƯƠNG - NGỌC HẬU (còn tiếp)