Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An:Nắng nóng và dịch bệnh

08:05, 11/07/2010
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 10-7, nắng nóng trên diện rộng tiếp tục diễn ra ở khu vực phía đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 38oC, một số nơi ở vùng núi phía tây Nghệ An 38 đến 39oC. Dự báo, nắng nóng trên diện rộng ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ sẽ giảm dần.

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 10-7, nắng nóng trên diện rộng tiếp tục diễn ra ở khu vực phía đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 38oC, một số nơi ở vùng núi phía tây Nghệ An 38 đến 39oC. Dự báo, nắng nóng trên diện rộng ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ sẽ giảm dần.

Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng trên diện rộng còn kéo dài với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 39oC. Hầu hết các khu vực trên toàn quốc, vào chiều tối có mưa rào và dông vài nơi.

 

Hiện nay, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội dao động theo điều tiết của các thủy điện, vào khoảng 3,28 m.

 

Sông Thái Bình ở mức 0,79 m. Dự báo, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục dao động ở mức 3,2 m. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Thái Bình biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều, tại Phả Lại có khả năng ở mức 1,45 m. Mực nước các sông miền trung như sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục  giảm, dòng chảy thấp và thiếu hụt lớn so trung bình nhiều năm. Khô hạn, thiếu nước tiếp tục gay gắt trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình, các hồ Yên Ðồng, Yên Thành (Yên Mô), Thường Sung, Yên Quang, kênh tưới hồ Ðồng Chương (Nho Quan) đã sắp cạn kiệt. Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 30% diện tích đất gieo cấy thiếu nước; những diện tích đã gieo cấy bắt đầu thiếu nước tưới dưỡng. Tỉnh chỉ đạo các xã khẩn trương nạo vét, khơi sâu kênh dẫn tạo dòng chảy, phát huy tối đa công suất máy bơm, dùng máy bơm dầu, tận dụng nguồn nước tại các ao đầm, lòng hồ... phấn đấu không để đất bị bỏ hoang.

 

Ðến nay, tỉnh Quảng Nam có 142 ha lúa hè thu vừa gieo sạ bị chết. Ngoài ra, còn gần 1.000 ha lúa bị hạn và 3.780 ha không gieo sạ được. Toàn tỉnh có khoảng 50 nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tỉnh vừa đề nghị T.Ư hỗ trợ 17 tỷ đồng để triển khai các biện pháp chống hạn, trong đó có sáu tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt cho dân và hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói cho vùng bị hạn hán.

 

Tại Quảng Ngãi đã có hơn 10 nghìn ha lúa bị khô hạn nặng. UBND tỉnh vừa quyết định ứng 3,31 tỷ đồng cho UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi phòng chống hạn; hỗ trợ 60 triệu đồng cho người dân huyện đảo Lý Sơn đang thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.

 

Trước tình trạng  sạt lở tuyến đê Biển Tây, UBND Cà Mau vừa chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động làm ngay kè tạm ngăn sóng tại các đoạn đê sạt lở nặng, kiên quyết không để xảy ra vỡ đê, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân; đồng thời thi công thí điểm 300 m kè, cách con đê hiện tại 50 đến 80 m hướng ra biển, nhằm ngăn sóng từ xa.

 

Khu rừng trồng cây keo, nhãn, vải của Xí nghiệp gà Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) vừa xảy ra cháy. UBND xã huy động lực lượng công an, dân quân dập lửa, sau gần hai giờ, đám cháy được dập tắt, thiêu rụi khoảng 1,5 ha cây. Hiện Công an huyện Ba Vì đang điều tra, làm rõ nguyên nhân cháy.

 

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa. Hiện nay, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã xuất hiện tại chín huyện với hơn 1.929 ha bị nhiễm bệnh. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp phải xử lý tốt đồng ruộng trước khi gieo cấy, chọn đúng giống và dọn sạch bờ, ruộng, mương dẫn nước; kiểm tra, phát hiện và diệt trừ rầy nâu.

 

Dịch lợn tai xanh vừa bùng phát ở hai xã Triệu Tài và Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), làm hơn 300 con lợn bị nhiễm bệnh. Ngành thú y tỉnh đã tiêu hủy 50 con lợn và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tại ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) xuất hiện tình trạng lợn chết rải rác. Ðáng chú ý là nhiều gia đình có lợn chết đã không báo chính quyền và ngành thú y mà tự ý vứt xác lợn xuống sông, gây ô nhiễm môi trường. Ngành thú y tỉnh Bạc Liêu vừa lấy mẫu bệnh phẩm trên lợn đi xét nghiệm, đồng thời cử cán bộ phối hợp người dân thu gom, xử lý số xác lợn vứt trên sông, phun hóa chất tiêu diệt mầm bệnh, tránh ô nhiễm nguồn nước.

 

Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi tỉnh Tiền Giang đã họp với các ngành chức năng để triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn. Theo đó, ngành thú y tỉnh tổ chức xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng như tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại hai lần/ngày đối với hộ có lợn bệnh và một  lần/ngày đối với các hộ chăn nuôi chung quanh. UBND tỉnh cũng đã đồng ý với đề nghị công bố dịch lợn tai xanh ở huyện Châu Thành và thành lập các tổ kiểm tra lưu động kiểm tra hoạt động ở các lò giết mổ, khu vực chợ.
 
(Theo Nhan Dan)