Sự kiện - vấn đề nổi bật trong tuần
Vòng tay nhân ái – sáng những tấm lòng.
Trong tuần qua, UBND tỉnh Nghệ An, Qũy bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Đài PT- TH Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật từ thiện "Vòng tay nhân ái" giúp trẻ em khuyết tật và trẻ em đặc biệt khó khăn vượt lên số phận hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Ngay trong đêm giao lưu, đã có trên 200 đơn vị trực tiếp ủng hộ và đăng ký thông qua tài khoản với tổng số tiền quyên góp ủng hộ 10 tỷ 915.000 đồng cùng với 25 suất học bổng cho trẻ em nghèo khuyết tật, 10 xe lăn cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh. Những con số của tấm lòng nhân ái…
Trao bằng khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc giúp đỡ trẻ em khuyết tật tỉnh (2006-2010) |
Hiện trên, toàn tỉnh Nghệ An có trên 30.000 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 13.000 trẻ em khuyết tật và hàng ngàn em bị nhiễm chất độc da cam và hàng trăm trẻ em mồ côi cha mẹ... Các em cần nhiều hơn nữa những bàn tay sẻ chia, nương tựa.
Hãy tiếp tục chung tay vì một thế giới trẻ thơ!
Lạm thu: Câu chuyện chưa đến hồi kết.
Mặc dù, năm học này, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm thu trong các trường học, các tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo về việc này, và các cơ quan thông tấn báo chí cũng tốn nhiều giấy mực lên tiếng về vấn đề này nhưng Nghệ An và không ít các tỉnh bạn, lạm thu vẫn diễn ra dài dài. Theo kết luận số 2486/SGD&ĐT-TTr ngày 18/11/2010 của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, sau khi thanh tra 65 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, đã phát hiện 19 trường lạm thu, trong đó, 12 trường tự đặt ra các khoản thu ngoài quy định, 07 trường thu vượt quá mức của các khoản thu theo quy định. Giám đốc Sở yêu cầu các đơn vị phải hoàn trả ngay cho phụ huynh, học sinh những khoản thu ngoài quy định và cao hơn quy định. Tuy nhiên, đến ngày 14/12/2010 chỉ duy nhất 01 trường là THPT Thanh Chương 3 có báo cáo sửa sai gửi về Sở.
Trường THPT Thanh Chương 3, 1/19 trường có báo cáo sửa sai về việc lạm thu |
Xã hội hóa giáo dục là một việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện – một mục tiêu mà ĐH Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII đề ra. Tuy nhiên, hình như các trường học nói chung, trường học ở Nghệ An nói riêng đã xem xã hội hóa thành một “luật thu” riêng khiến nhiều bậc phụ huynh từ khó khăn cho đến khá giả đều bất bình, cảm thấy con em mình đi học mà như một thứ “hàng hóa” đặc biệt, không được phép “mặc cả” mà chỉ biết chấp hành! Hơn nữa, việc xử lý tình trạng lạm thu sau khi phát hiện chưa mạnh nên chưa đủ tính răn đe, do đó, mới có chuyện sau gần 01 tháng phát hiện sai phạm mà chỉ có 1/19 trường có phương án sửa sai. Có lẽ các trường, đặc biệt là các trường ở TP Vinh đã “chờn” với kiểm tra kiểu này chẳng khác gì “chờn luật”.
Thêm một dự án “Cong” của cấp Sở.
Cách đây chưa lâu, truyenhinhnghean.vn đã điểm một công trình do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, đó là dự án “nâng cấp hồ Ba Cơi” (tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn) khiến cho các hộ dân ở xóm 14 ngập trong nước.
Nay, lại thêm một công trình nữa cũng do cấp Sở làm chủ đầu tư. Đó là Sở Công thương với dự án Năng lượng nông thôn II tại Nghệ An. Đặc biệt, đây là dự án mà Nghệ An được thụ hưởng từ dự án dự án REE II do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2004 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt dự án với tổng số vốn là 196 tỷ đồng, trong đó vay của ngân hàng thế giới 174 tỷ, vốn đối ứng 22 tỷ. Dự án được chia làm 40 gói thầu trong đó có 36 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu hàng hóa do Sở Công thương làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án đã triển khai trên 48 xã, hoàn thành được 60% kế hoạch, giải ngân hơn 150 tỷ đồng.
Một trong những cột điện kém chất lượng của Dự án |
Tuy nhiên, sau khi đi vào sử dụng, một số người dân đã có đơn khiếu nại về việc các nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng, các cột điện cong, vênh, kết cấu bê tông kém. Nhưng Sở Công thương Nghệ An cũng như Bộ Công thương đều cho rằng: mặc dù dự án chậm tiến độ (2 năm) nhưng chất lượng công trình vẫn đảm bảo kỹ thuật, và là một trong những tỉnh đạt tiến độ khá trên toàn quốc. Báo cáo này cũng đồng nghĩa với việc người dân phản ánh sai. Trên thực tế, một số gói thầu của dự án là quá kém chất lượng.
“Có lửa mới có khói”. Người dân mong chờ từng ngày để diện mạo nông thôn thay đổi, góp phần thành công trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, chủ đầu tư và cơ quan chức năng cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan để tránh thất thoát, và tiếp tục thực hiện các gói thầu còn lại của dự án một cách tốt hơn.
(LT)