Sự kiện - vấn đề nổi bật trong tuần
Thắng thắn thừa nhận những tồn tại.
Đại biểu HĐND tỉnh khóa XV thảo luận tại tổ (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Điều đáng ghi nhận là 4 vấn đề được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 19 – HĐND tỉnh Nghệ An khóa XV diễn ra từ ngày 8-10/12 đã được trao đổi một cách thẳng thắn, thừa nhận những yếu kém kéo dài, chưa có giải pháp khắc phục. Đó là việc thực hiện một số chính sách đối với giáo viên đứng lớp chưa đúng theo quy định của các cấp có thẩm quyền; tình trạng lạm thu ở các cơ sở trường học; bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng; Công tác phòng chống bão lụt; việc tiếp nhận, phân bổ và sử dụng các nguồn cứu trợ đồng bào vùng bị bão lụt năm 2010. Giải pháp để hạn chế hậu quả thiên tai và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn cứu trợ; việc thu hồi đất, cho thuê đất để triển khai các dự án chậm; tình trạng cướp giật, đâm chém, trộm cắp, gây rối trật tự, bài bạc…
Tuy vậy, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các tồn tại nêu trên chưa được các cơ quan chức năng liên quan “tìm” ra. Vẫn là những giải pháp chung chung như giải quyết vấn đề bạo lực học đường cần sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội nhưng phối hợp như thế nào mới là yếu tố quyết định. Hay việc “khoanh nuôi đất” sẽ được giải quyết với nhóm gồm 6 giải pháp mà ông Giám đốc Sở TN-MT trả lời rất rõ ràng, rành mạch khiến nhiều đại biểu muốn “vặn” cũng khó. Thực tế đã cho thấy rằng, mặc dù tỉnh, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vấn đề “nhạy cảm” này cũng như việc ô nhiễm môi trường vẫn “âm thầm” diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, càng nhiều… Còn vấn đề ANTT giảm là do quy định, các tội phạm trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng chỉ bị lập hồ sơ xử lý hành chính, chỉ khi tội phạm trộm cắp có giá trị từ 2 triệu trở lên mới khởi tố hình sự, nhưng có những gia đình nông dân, một ổ gà, ổ chó hay vài con lợn tuy chưa đến 2 triệu đồng nhưng lại là tài sản duy nhất của họ, điều này quy định có lẽ chưa tính đến!
Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XV đã kết thúc với việc thông qua 21 Nghị quyết. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỳ họp được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà. Và tất nhiên, cử tri sẽ tiếp tục chờ đợi kết quả sau kỳ họp để khẳng định lá phiếu mà mình đã đi bầu cử là đúng đắn.
Phân bổ nguồn cứu trợ: đã đến hạn!
Cộng đồng người Việt tại Vương quốc Na Uy trao tiền hỗ trợ cho nhân dân xã Hưng Lĩnh - Hưng Nguyên (Ảnh: Báo Nghệ An)
|
Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp và thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp.
Trận lũ lụt từ ngày 14 – 20/10 vừa qua đã làm ảnh hưởng đến 13 địa phương trong tỉnh, trong đó nặng nhất là các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Trước những mất mát lớn, người dân vùng lũ Nghệ An đã nhận được sự chia sẻ động viên của nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước. Tính đến hết ngày 30/11, đã có khoảng 700 đoàn cứu trợ gồm các tập thể, cá nhân ủng hộ nhân dân vùng ngập lụt thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An là 33,6 tỷ đồng tiền mặt và nhiều lương thực, hàng hóa trị giá ước tính gần 25 tỷ đồng. Ban Cứu trợ của tỉnh và các huyện đã thực hiện việc tiếp nhận và phân bổ theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ và thông tư 72 của Bộ Tài chính. Trong đó, ưu tiên những địa phương bị thiệt hại nặng, những gia đình có người chết, nhà bị trôi, bị sập. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hạnh - PCT UBMTTQVN tỉnh Nghệ An thừa nhận việc tiếp nhận, phân bổ gặp không ít khó khăn bởi các đoàn cứu trợ về dồn dập cùng lúc, nhiều đoàn chủ động về các cơ sở. Hàng hóa thì đa dạng không không tránh khỏi sự mất công bằng ở cơ sở. Với số tiền lớn nên UBMTTQ cần có các cứ liệu chính xác để phân bổ và sẽ xây dựng phương án, xin ý kiến của thường trực tỉnh ủy và các thành viên trong tuần này.
Đã hơn hai tháng kể từ ngày Nghệ An trắng xóa trong nước lũ. Người dân vũng lũ từng ngày từng giờ mong được hỗ trợ để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống bởi các vụ mùa cứ liên tiếp đến, nếu “lỡ thì” lại mất toi cả mùa, lại thiếu ăn, thiếu mặc, cái sự học cũng dễ mà bị dở dang… còn cơ quan tiếp nhận, phân bổ vẫn phải làm đúng quy định và thông tư mà Nhà nước đề ra, dù biết đã gần hết thời hạn!
Lại thêm một công trình “rùa bò”.
Công trình đã được giải ngân 80% hợp đồng nhưng vẫn còn nham nhở thế này |
Dự án xây dựng đường vào trung tâm xã Quang Phong, huyện Quế Phong với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Quế Phong có mức đầu tư lên tới trên 34 tỷ đồng. Theo kết quả đấu thầu, hai đơn vị liên doanh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 423 và Công ty TNHH xây dựng An Thịnh trúng thầu với thời gian thi công 510 ngày, kể từ sau 5 ngày hợp đồng kinh tế được ký giữa Ban QLDA và đơn vị nhận thầu vào ngày 15/11/2007. Thế nhưng, đến thời điểm này, đã hơn 3 năm kể từ ngày khởi công nhưng con đường chưa đầy 10km có đến hàng chục đoạn đang bị cày xới nham nhở, mặc dù, đến hết năm 2009, đã giải ngân hơn 17 tỷ đồng, tương đương 80% giá trị hợp đồng.
Dự án quá chậm trễ nhưng ban quản lý dự án rất lơ mơ vì đều mới nhậm chức. Còn nhà thầu thì cho biết nguyên nhân lỡ thầu là “luôn thay đổi trưởng ban điều hành dự án”. Còn người dân, khi đi đoạn đường này, hoặc là tháo dép, hoặc chịu “mất dép” như ông Chủ tịch xã “chân đất vào cuộc họp trên huyện”.
Đường thi công ì ạch, nhân dân đi lại trong lầy lội, bùn đất, một khoản lớn ngân sách nhà nước bị chiếm dụng, trách nhiệm đó thuộc về ai? Thiết nghĩ, khuất tất này cần sớm được xử lý để dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, có như vậy mới cũng cố được niềm tin của nhân dân vào những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
(LT)