Sự kiện vấn đề - nổi bật trong tuần
Gặp mặt các nhà đầu tư là hoạt động thường niên của Nghệ An trong dịp đầu năm mới
|
Sức bật đầu Xuân.
Đầu xuân Tân Mão này, Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng đón chào các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Gặp nhau trong không khí sắc xuân để cùng nhìn nhận kết quả thực hiện một năm đầu tư và các thỏa thuận trên quê Bác. Năm qua, tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 102 dự án, gồm 95 dự án trong nước, 7 dự án nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 57.000 tỷ đồng, bằng 119% tổng vốn thu hút đầu tư giai đoạn 2006 – 2009 khẳng định Nghệ An đã và đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Nhiều dự án có tính đột phá về quy mô đầu tư, sử dụng công nghệ cao như: Sản xuất sắt xốp của công ty thép Kobe Nhật bản 1 tỷ USD; Nhà máy xi măng Tân Thắng; Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính của công ty CP lâm nghiệp tháng 5; Siêu thị Big C Vinh. Theo đó, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đã trở thành trọng điểm tập trung thu hút đầu tư, hình thành các cực tăng trưởng làm động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển. Có thể nói, những kết quả trong công tác xúc tiến đầu tư vào đầu xuân đã tạo nên khí thế, hiệu quả trong thu hút đầu tư của toàn tỉnh.
Việc lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành T.Ư, cùng các nhà đầu tư gặp gỡ đầu xuân trên quê hương Bác Hồ kính yêu vào ngày 12/2, một lần nữa cho thấy đây Nghệ An mong muốn thực sự là địa chỉ đầu tư thuận lợi, hấp dẫn tin cậy đối với các nhà đầu tư. Tín hiệu mừng cho biết đã có 16 dự án, hơn gấp 2 lần năm ngoái đăng ký và sẽ chính thức ký kết với số vốn hàng chục tỷ đồng. Thực tế, tỉnh ta vốn tỉnh nông nghiệp đất đai rộng lớn nhưng chưa mạnh, người đông nhưng thiếu việc làm, rất cần sự quan tâm hỗ trợ có tính ưu tiên thực sự của Trung ương về nguồn vốn đầu tư, dự án đầu tư. Phía tỉnh nhà không chỉ nhận rõ những hạn chế yếu kém trong thu hút đầu tư, mà quan trọng là quyết liệt khắc phục những hạn chế yếu kém đó... Tất cả nhằm tạo được "Làn sóng đầu tư mới" mạnh mẽ trong năm nay và các năm tiếp theo.
Hãy cùng nhau góp sức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.
Mùa xuân về, sau những ngày đoàn tụ gia đình ấm cúng, hạnh phúc, thăm hỏi lẫn nhau để mừng chúc một năm mới vui tươi an lành, thì theo tập quán truyền thống, trên mọi miền của đất nước, sau ngày Tết là đến ngày của các lễ hội.
Lễ hội đền Vua Mai ở Nam Đàn |
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay, mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, từ quy mô nhà nước tới quy mô địa phương. Như vậy, bình quân mỗi ngày, cả nứớc có gần 30 lễ hội và chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Nghệ An là địa phương có khá nhiều lễ hội, hàng năm có tới 21 lễ hội cổ truyền được tổ chức. Như lễ hội Hang Bua, Đền Cờn, Đền Cuông,Đền Vua Mai, đền Vạn Lộc, đền hoàng Mười, Đền Quả Sơn, lễ hội ở các khu di tích lịch sử... Đây là một tín hiệu tốt lành. Dịp lễ hội, người người tấp nập đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung kính, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tham gia vào các lễ hội là lúc con người tìm về với chốn tâm linh, cội nguồn của dân tộc sau những năm tháng vất vả làm ăn. Tuy vậy, thực tế một số lễ hội vẫn còn xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội còn hạn chế. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu, việc đốt vàng mã không đúng quy định của ban tổ chức lễ hội, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội… đã làm cho mục đích, tính văn hóa, vẻ đẹp vốn có của lễ hội bị xâm phạm. Làm sao để khai thác nó một cách có hiệu quả, cả về mặt lợi ích kinh tế cũng như lợi ích văn hóa tinh thần là vấn đề cần quan tâm.
Các năm gần đây, trong mùa lễ hội, báo chí đã phản ánh và phê phán khá nhiều hiện tượng, hành vi tiêu cực xuất hiện trong một số lễ hội, từ sự hoành hành của hoạt động "mê tín, dị đoan" đến các hành vi thiếu văn hóa. Và xét từ bất kỳ phương diện nào thì đó cũng là những hiện tượng, hành vi đáng trách! Đặc biệt cần chú ý rằng, các hiện tượng tiêu cực trong một số lễ hội không chỉ đưa tới sự thiếu lành mạnh, mà còn phí phạm thời gian lao động, lãng phí tiền của...Đi lễ chùa cầu phúc, cầu an là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt từ bao đời nay, bởi vậy mỗi người dân nên có ý thức giữ gìn, đừng để sự xô bồ, nhộn nhạo làm mất đi nét linh thiêng, uy nghiêm của đền, chùa và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Kinh nghiệm nhiều năm trước cho biết, ở đâu cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương có sự chuẩn bị trước mùa lễ hội một cách cụ thể, chu đáo, đầy đủ, thì ở đó hoạt động lễ hội diễn ra nhộn nhịp, đông đúc hơn hơn nhưng vẫn đảm bảo nét đẹp văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Hình ảnh dễ thấy trong dịp Tết nguyên đán
|
Nghịch lí: Biết mà… không biết.
Đã thành lệ, hàng năm vào những ngày trước và sau tết, báo chí lại tốn nhiều giấy mực để nói về việc vận tải hành khách! Nào là nhồi nhét khách quá số lượng quy định, chặt chém khách không thương tiếc, rồi tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe chạy nhanh phóng ẩu, tranh giành khách... Chuyện đó năm nào cũng biết, cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngành chủ quản thì tăng tuyến, tăng xe, quyết tâm phục vụ tốt… nhưng xem ra chứng nào vẫn tật ấy rất khó sửa. Đem việc này ra mổ xẻ mới hay lỗi cả khách và cả chủ xe. Chủ thì tham tiền mà bất chấp cả luật lệ, khách thì muốn đi nhanh, được việc, ngại chờ lâu và rất ngại vào bến mua vé; Cảnh sát giao thông thì phạt không kiên quyết, nên điều tưởng như đơn giản lại hoá ra thành nghịch lý khó sửa cả khách, chủ xe và thể chế quy định.
Một nghịch lý nữa nghe ra vô lý nhưng lại là sự thật, đó là: tất cả những điều trên mọi người chúng ta ai cũng biết, ngành chủ quản và cả cảnh sát giao thông… đều biết nhưng lại không… ai biết! nên nó cứ tái diễn lặp lại từ năm này sang năm khác?!
Để dịch vụ vận tải hành khách phát triển bền vững, văn minh, lịch sự, tất cả những nghịch lý trên cần phải sớm xoá bỏ ngay. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành mỗi khi tham gia giao thông, ủng hộ ngành chức năng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tất cả vì an toàn, hạnh phúc của bản thân, gia đình và xã hội.
(Nguyễn Vân)