Tổng kết đề án tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý
Qua 4 năm thực hiện đề án, các hình thức trợ giúp pháp lý được thực hiện đồng bộ với gần 22.000 vụ việc, đáp ứng 85% số người có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Hoạt động tư vấn pháp luật diễn ra dưới các hình thức: trực tiếp, qua điện thoại, điện tín, đơn thư, tư vấn bằng văn bản. Cơ quan trợ giúp pháp lý đã tiếp cận với người có nhu cầu trợ giúp pháp lý và thông qua kênh giới thiệu của các cơ quan tiến hành tố tụng, các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên. Trung tâm trợ giúp pháp lý và UBND cấp huyện, xã phối hợp tổ chức trên 140 đợt trợ giúp pháp lý về tận thôn bản của 347 xã thuộc chương trình 135. Tại các đợt trợ giúp lưu động có hơn 11.000 vụ việc trợ giúp pháp lý cá biệt được thực hiện, tập trung nhiều ở lĩnh vực dân sự, đất đai, chính sách xã hội. Các CLB trợ giúp pháp lý ở cấp cơ sở được thành lập cũng đã góp phần thiết thực vào công tác trợ giúp pháp lý. Đến nay, đã có 91 CLB hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, mạng lưới công tác viên các cấp cũng đã được mở rộng với 500 người.
Tuy vậy, công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc do cộng tác viên cấp xã thực hiện chưa cao; tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng mới đạt 30% nhu cầu. Số lượng vụ việc tham gia chủ yếu là hình sự, chưa chú trọng các vụ án dân sự, hành chính, lao động.
Kết luận tại buổi tổng kết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Văn Hằng đánh giá: Công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn 2007 – 2010 đã tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, giải quyết khiếu nại ngay từ cơ sở. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý, thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở tư pháp và các ngành tham mưu xây dựng đề án thực hiện công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2011 - 2015, trong đó chú trọng vào việc đổi mới, nâng cao hoạt động; tăng cường mạng lưới cộng tác viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các trung tâm trợ giúp pháp lý hoạt động.
(Dương Cầm)