Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa 17
Trong phiên họp ngày hôm nay, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành thảo luận và cho ý kiến vào Đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020; thảo luận và thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Sau khi có Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Quyết định 147-2005 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế- xã hội miền Tây Nghệ An, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo để đưa kinh tế- xã hội miền Tây phát triển tòan diện. Trong giai đoạn 5 năm 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An đạt bình quân 11,92%, cao hơn giai đoạn trước 2,08%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,8 triệu đồng/năm, gấp 2,5 lần năm 2005. Tỷ trọng ngành nông- lâm- nghiệp giảm từ 45,6% xuống còn 41,07%. Công nghiệp xây dựng tăng từ 28,2% lên 29.08%; Dịch vụ tăng từ 26,2% lên 29,85%. Đặc biệt, sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản phát triển mạnh với tổng sản lượng lương thực gần đạt 398 ngàn tấn, gấp 1,2 lần so với năm 2005. Kinh tế nông nghiệp nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa ngành nghề tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ, giảm sản xuất thuần nông, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống. Hệ thống kết cấu hạ tầng không ngừng phát triển nhất là giao thông, thủy lợi, điện, đô thị. Giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ rõ rệt. Công tác bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng hơn. Đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể; Quốc phòng được củng cố và giữ vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Hệ thống chính trị tiếp tục được củng có và tăng cường; Đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ cơ sở được quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ; chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác từng bước được nâng lên.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020, Đề án đã nêu rõ: Toàn tỉnh sẽ tập trung đề đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội miền Tây cao hơn tốc độ phát triển chung của cả tỉnh, sớm đưa miền Tây Nghệ An thóat khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biển giới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; Gắn phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng- an ninh- chính trị và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Về dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, các đại biểu đã khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình quan trọng để thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, vừa là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và tòan xã hội. Cần phải xác định rõ việc xây dựng nông thôn mới theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây là một chương trình mang tính toàn diện vì vậy các cấp các ngành cần phải đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm vận động nhân dân hiến đất, tích tụ ruộng đất, tạo sự đồng thuận cao, huy động tổng nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc đã cho rằng: các ngành, các huyện cần phối hợp nghiên cứu bổ sung để đến khi đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây đưa vào thực hiện sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng của vùng. Đồng thời cần phải cân nhắc để xác định rõ những lĩnh vực, ngành nào cần khuyến khích; những lĩnh vực, ngành nào cần hạn chế nhằm đưa khu vực miền Tây phát triển nhanh và bền vững. Riêng về dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, đ/c bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đây là Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 17 nhằm tăng sức mạnh lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trước mắt, lâu dài của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và tòan xã hội. Cần huy động và lồng ghép các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới trong đó đề cao vai trò thôn, bản, làng xóm và toàn thể nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch, kế hoạch quản lý và triển khai thực hiện tốt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ban hành các cơ chế chính sách về xây dựng nông thôn mới, chọn điểm chỉ đạo, định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp có hiệu quả và trách nhiệm cao.
(Hiến Chương)