Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hội thảo phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía tại Nghệ An

14:29, 15/04/2011
Trước tình hình bệnh chồi cỏ hại mía đang diễn biến phức tạp trên vùng nguyên liệu của các Công ty mía đường trên địa bàn tỉnh, sáng nay (15/4), tại TP Vinh, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện Cục trồng trọt, Viện Bảo vệ thực vật, Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, Trung tâm mía đường Bến Cát,  lãnh đạo một số sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

 

Bệnh chồi cỏ mía là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam và được phát hiện lần đầu tiên ở Nghệ An vào năm 2005 trên vùng nguyên liệu mía của Công ty mía đường Tate&Line. Triệu chứng của bệnh là cây mía đẻ nhiều chồi, các chồi thường nhỏ, lùn, lá nhỏ và cổ lá xít lại với nhau. Những diện tích bị bệnh thường không cho thu hoạch. Năm 2008, khi bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và diện tích bị nhiễm lên đến gần 4 nghìn 900ha làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng vùng nguyên liệu, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định công bố dịch bệnh chồi cỏ hại mía trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, các ngành liên quan như: Viện nghiên cứu Cục BVTV, Chi cục BVTV Nghệ An đã vào cuộc, tập trung nghiên cứu và xác định được tác nhân gây bệnh do một loại vi sinh vật trung gian giữa vi rút và vi khuẩn có tên là Phytoplasma gây ra.

 

Mặc dù vậy, cho đến nay các biện pháp được khuyến cáo như: tiêu hủy nguồn bệnh, xử lý hom bệnh bằng nước nóng, phun trừ rầy môi giới truyền bệnh, luân canh cây trồng… vẫn chưa thực sự hữu hiệu. Tính đến tháng 3 năm nay, bệnh vẫn tiếp tục phát triển và lây lan mạnh không những trên vùng nguyên liệu mía của Công ty mía đường Nghệ An Tate&Line mà còn lây lan sang các vùng khác trong tỉnh với diện tích bị nhiễm hơn 1.930ha. Do đó, không những năng suất mía kém và diện tích vùng nguyên liệu cũng bị giảm xuống từ 30.000ha năm 2007 xuống còn 23.000ha năm 2010 và năng suất giảm đến gần 5.000 tấn.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp, biện pháp nhằm giúp nông dân phòng trừ dịch bệnh một cách hiệu quả. Trước mắt là có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí cũng như nâng cao nhận thức cho nông dân đối phó với dịch bệnh. Từ đó, đưa ra biện pháp quản lý dịch bệnh hại một cách hữu hiệu nhằm bảo vệ vững chắc cả về số lượng và chất lượng vùng nguyên liệu mía của Nghệ An.

 

(An Duyên)