Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sơ kết 1 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:14, 16/04/2011
Chiều qua (15/4), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Về phía điểm cầu Nghệ An, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì.

   

Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thươmg binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo khái quát kết quả sau một năm thực hiện đề án. Năm 2010, cả nước đã dạy nghề cho khoảng 400.000 lao động nông thôn theo mục tiêu của dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo; thí điểm mô hình dạy nghề cho 18.000 người và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người; hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2006-2010. 

 

Đối với tỉnh Nghệ An, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo tỉnh đã triển khai xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Đồng thời, ban hành các chỉ thị, quyết định liên quan để thực hiện. Nghệ An đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho gần 1.600 cán bộ xã, phường, thị trấn; dạy nghề ngắn hạn cho 2.250 người là lao động nông thôn, người nghèo, người khuyết tật. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt trên 70% và trên 50% có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. 

 

Như vậy, có thể nói sau một năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở Nghệ An đã đa dạng hóa được các hình thức dạy nghề và cơ cấu ngành nghề đào tạo, quy mô dạy nghề hàng năm tăng từ 2,9-3,2%. Công tác dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: việc xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề còn chậm; các cơ sở dạy nghề cấp huyện thiếu giáo viên, giáo trình và học liệu dạy nghề; nhiều dự án đầu tư nâng cấp xây dựng mới cơ sở dạy nghề đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng còn thiếu vốn đầu tư, không đảm bảo đúng tiến độ thực hiện...

 

Cùng với kế hoạch của TƯ về thực hiện đề án trong năm nay, tỉnh ta đã đề ra 4 nhiệm vụ và 7 giải pháp để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp dạy nghề, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn...

 

Sau khi nghe đại diện các tỉnh tham gia điểm cầu báo cáo tình hình thực hiện của địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của các tỉnh trong quá trình chỉ đạo và thực hiện đề án, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp bộ, ngành gắn kết chặt chẽ giữa  chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề. Việc triển khai đề án "đào tạo nghề cho lao động nông thôn" đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thực của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội với người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển KTXH ở nông  thôn và xây dựng nông thôn mới...

 

Để thực hiện thành công mục tiêu: năm 2011, cả nước sẽ hỗ trợ dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn. Trong đó, có ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo, triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn và thí điểm một số lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách và 7 chức danh chuyên môn cấp xã, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương cần tiếp tục đổi mới các hình thức đào tạo, tổ chức dạy  nghề cho lao động nông thôn, tập trung dạy nghề theo các mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả, huy động các trường ĐH, CD, TTGDTX, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông khuyến công và các cơ sở SNKD dịch vụ trên địa bàn tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, phân bổ và sử dụng có hiệu quả kinh phí thực hiện đề án.

 

(Lê Thủy)