Siết chặt công tác kiểm dịch tại gốc các huyện trên tuyến đường 7
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, trong đó các huyện trên tuyến đường 7. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 31/3 đến nay, dịch tai xanh xảy ra tại 75 xã thuộc 6 huyện, trong đó có 2 huyện nằm trên tuyến đường 7 là Thanh Chương, Đô Lương, đến trung tuần tháng 4, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 5 xã thuộc 4 huyện; dịch lở mồm long móng xảy ra tại 26 xã thuộc 8 huyện, trong đó có huyện Con Cuông, Anh Sơn. Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phòng chống dịch tai xanh ở lợn và dịch cúm gia cầm. Tại buổi giao ban, các huyện trên tuyến đường 7 đã báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Nhìn chung, công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc chỉ đạt tỷ lệ thấp, có huyện mới đạt 20% tổng đàn do tập quán chăn nuôi của người dân trâu bò thường thả rông trong rừng khó kiểm soát được dịch bệnh.
Trong thời gian tới, các huyện cần tập trung tuyên truyền đến tận người dân chăn nuôi về tính nghiêm trọng của dịch bệnh, về chủ trương, chính sách chống dịch của tỉnh, các triệu chứng tai xanh để người dân tự giác, phát hiện, báo cáo dịch và tích cực tham gia phòng chống; tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn trên địa bàn đã xảy ra dịch bệnh; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm và tiêm bổ sung cho đàn gia súc nuôi mới, nhập đàn, tái đàn.
(Huy Cung)