Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

"Khơi dậy lòng dũng cảm dân sự"

13:56, 17/02/2015
(truyenhinhnghean.vn) Đầu xuân 2015, nhà báo Nguyễn Như Khôi có cuộc phỏng vấn Doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả Nguyễn Trần Bạt xung quanh một số vấn đề về phát triển KTXH của tỉnh Nghệ An.
 
Nhà báo Nguyễn Như Khôi (trái) phỏng vấn Doanh nhân - Học giả Nguyễn Trần Bạt

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, với góc độ của một học giả, một nhà đầu tư - kinh doanh, xin ông có thể chia sẻ những dự cảm của mình về đất nước trong năm 2015?

 

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ năm 2015 sẽ là một năm kinh tế của chúng ta sẽ bắt đầu bước những bước đầu tiên ra khỏi khó khăn. Đây là lúc mà tất cả chúng ta đều phải thận trọng. Mọi việc làm, mọi quyết sách, mọi kế hoạch đầu tư đều phải thận trọng cả. Đó là bước đi đầu tiên sau một “cơn bệnh”, một giai đoạn khủng hoảng. Có lẽ tôi sẽ không nói bất kì điều gì dễ dàng về chuyện này. Nhưng tôi nghĩ rằng: những bước đầu tiên ra khỏi khủng hoảng kinh tế, ra khỏi các khó khăn là bắt đầu từ năm nay, năm 2015.

 

 

Doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946, quê  xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Investconsult - Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh; tác giả của nhiều tác phẩm tạo được sự quan tâm của nhiều giới, như: Văn hóa và con người, Cải cách và sự phát triển, Suy tưởng, Đối thoại với tương lai...

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Trong bối cảnh chung của nước nhà, dự cảm của ông về bức tranh KTXH Nghệ An 2015 sẽ như thế nào?

 

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng, Nghệ An chúng ta xưa nay là một từ khó. Chúng ta là một tỉnh kiên cường trong nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước. Nhưng chúng ta chưa tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu tinh thần mà tôi linh cảm thấy là năm 2015 là năm bắt đầu một giai đoạn mới để người Nghệ An có thể đi ra khỏi quá khứ một cách lạc quan hơn. Sở dĩ tôi nói như vậy là tôi chịu ảnh hưởng của đêm lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO về dân ca Ví, Giặm. Cái đó làm cho người dân ở trong nước cũng như trên thế giới nhận ra rằng: Nghệ An không chỉ truyền thống cách mạng còn là vùng đất có những truyền thống lãng mạn, có những giá trị tinh thần sâu sắc, thú vị và rất độc đáo. Tôi nghĩ rằng, những giá trị có chất lượng hành vi, những giá trị có chất lượng lý trí ở những giá trị tinh thần như vậy làm cho người ta hiểu, làm cho tôi cảm thấy người Nghệ toàn diện hơn, người Nghệ nhân văn hơn, khác những gì mà tôi vẫn nghĩ trước đó.Tôi nói ở đây với góc độ của một người Nghệ xa quê đã rất lâu năm.

 

Doanh nhân - Học giả Nguyễn Trần Bạt khẳng định: Muốn phát triển, cần thiết phải phát huy lòng dũng cảm dân sự

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Là một người luôn theo dõi kinh tế tỉnh nhà, những dấu ấn nào về kinh tế xã hội của tỉnh ta trong năm vừa qua mà ông cảm thấy có ấn tượng?

 

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: Có. Tôi nghĩ là năm ngoái, tôi đã xem cuộc tọa đàm giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh với Đài Truyền hình Việt Nam về những kế sách để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Điều tôi quan tâm nhất là thái độ khi bàn bạc. Cái việc suy nghĩ một cách sâu sắc về lý thuyết của sự phát triển đến nguyên lý tinh thần về sự phát triển của nền kinh tế địa phương làm cho tôi linh cảm thấy rằng, chúng ta bắt đầu tư duy có chất lượng, bắt đầu không nói một cách dễ, mà i có suy ngẫm, có kế sách. Tôi nghĩ là khi các nhà lãnh đạo bắt đầu tính đến kế sách phát triển là lúc mà xã hội được động viên. Bởi vì, phải nói rằng, nếu các nhà lãnh đạo không nghĩ một cách sâu sắc thì xã hội rất khó phát triển.

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Thưa ông, dù đã rất nỗ lực, nhưng đến nay Nghệ An vẫn còn là tỉnh nghèo. Theo ông, chúng ta cần khai thác những nội lực gì để sớm trở thành một tỉnh khá và giàu mạnh?

 

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ để cho một vùng đất phát triển thì chúng ta phải tìm ra một người anh hùng, tìm ra một ban lãnh đạo có chất lượng anh hùng.Và ban lãnh đạo có chất lượng anh hùng ấy phải thổi không khí anh hùng ấy vào trong đời sống xã hội, nhân dân dũng cảm làm ăn. Mà khi nghiên cứu về sự dũng cảm trong làm ăn tôi cho đó là lòng dũng cảm dân sự. Nếu như lòng dũng cảm dân sự được động viên, được biểu dương thì sự làm ăn đó tích cực hơn. Mà xã hội làm ăn tích cực hơn thì chắc chắn kinh tế sẽ phát triển. Có rất nhiều điều kiện để một tỉnh phát triển, nhưng điều kiện tiên quyết là tìm ra một người lãnh đạo, tìm ra một ban lãnh đạo thống nhất với nhau để dẫn dắt nhân dân dũng cảm làm ăn.

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Thưa ông, xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng vùng đất có truyền thống hiếu học và lớp trẻ hiện nay đang đầy khát vọng cống hiến. Trong những ngày đầu xuân, ông có thể chia sẻ đôi điều với bà con quê nhà, nhất là với lớp trẻ?

 

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt: Tôi phải nói rằng, không phải nghĩ gì và không phải nói thêm câu gì về sự hiếu học của người Nghệ. Lý do rất rõ đó là một truyền thống rất lâu đời, hết đời này qua đời kia chúng ta đều chăm chỉ, đều cần cù. Nhiều chục năm và nửa thế kỉ trôi qua, lãnh đạo các bộ môn, các khoa tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trong nước... 60-70% là người Nghệ Tĩnh. Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội là người Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, tính thực dụng khi học là một trong đặc điểm gắn với việc học với việc phát triển kinh tế và xã hội. Vậy chúng ta phải làm như thế nào đó để gắn sự học vốn là truyền thống lâu đời của người Nghệ với sự phát triển kinh tế Nghệ An. Đấy là điều tôi chúc cho các cháu học sinh, sinh viên học phải gắn liền với sự nghiệp phát triển của địa phương và đất nước.

 

Nhà báo Nguyễn Như Khôi: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.

 

(Nguyễn Như Khôi thực hiện)