Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông sản gặp khó nhưng không bi quan

14:45, 11/06/2015
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết dưa hấu, hành tím, lúa sản xuất ra thừa thãi nhưng giá “rớt” thê thảm, thậm chí không bán được. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng tình hình không đến mức bi quan.


Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội từ sáng 11/6 và đây là lần thứ 4 ông trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIII.

 

Trấn an đại biểu như trên, Bộ trưởng cho biết vừa rồi Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết lúa hè thu và trái cây được mùa và còn được cả giá. Tại Hậu Giang, lúa hè thu cũng được giá và tình hình chung cả nước là như vậy.

 

Trong các mặt hàng xuất khẩu thì có 5 mặt hàng xuống giá là lúa, cao su, cà phê, cá tra, hành tím nhưng cũng có một số mặt hàng tăng giá là hồ tiêu, điều, sắn...

 

Do đó, ứng xử với những hiện tượng "được mùa, mất giá", không tiêu thụ được như trong thời gian qua, ông Phát cho biết “trong mọi tình huống phải bình tĩnh xử lý”.

 

Với dưa hấu, khả năng thông quan thấp trong khi thời điểm xuất bán lại chỉ tập trung trong tháng 5. Với hành tím, lý do chính là 70% sản lượng hành tím của Sóc Trăng thường được xuất khẩu sang thị trường Indonesia. Từ 2015, Indonesia dừng nhập khẩu nên tồn đọng. "Chúng tôi đã sang Indonesia làm việc nhưng cần có thời gian vì đây là chính sách của họ", ông Phát cho biết.

 

“Nhưng để người nông dân có thu nhập cao hơn, phải lựa chọn sản xuất mặt hàng có chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn, làm căn cơ để phát triển bền vững và có hiệu quả”, ông Phát nói.

 

Theo ông Phát, không thể kỳ vọng một thị trường sẽ luôn có giá ổn định ở mức cao, có lợi cho nông dân mà chính quyền và người nông dân phải tìm cách thích ứng để trong mọi tình huống, hàng sản xuất ra luôn có khả năng cạnh tranh cao, bán được nhiều, có lợi cho nông dân.

 

Khi thị trường diễn biến bất lợi thì vẫn phải hỗ trợ nông dân, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tổn thất cho nông dân.

 

“Liên kết 4 nhà” còn khó

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói “liên kết 4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) là chủ trương đúng để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp nhưng nay đã “thất bại hoặc bị lãng quên” và đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu nguyên nhân, đưa ra giải pháp.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết 10 năm qua cả nước đã thực hiện "liên kết 4 nhà". Một số sản phẩm như bò sữa, mía đường thì làm khá phổ biến. Nhưng những sản phẩm của nông dân không nhất thiết gắn với nhà máy và thị trường thì liên kết lỏng lẻo hơn.

 

Qua tổng kết 10 năm, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 62 về một số chính sách liên kết mạnh mẽ hơn. Năm 2014 đã thực hiện với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, với 100 DN liên kết với nông dân trên 72.000 ha đất lúa, nhưng chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại bỏ cuộc giữa chừng.

 

Ông Cao Đức Phát nhận định, trong liên kết 4 nhà, DN đóng vai trò chính nhưng chưa thành công, vì  DN trong nông nghiệp chiếm khoảng gần 4% tổng số DN của cả nước. DN thực sự muốn liên kết có năng lực tài chính, kho bãi, nhà máy chế biến thì không nhiều.

 

Tại khu vực nông thôn, các hình thức tổ hợp tác, HTX rất ít nên DN gặp khó khăn khi phải liên kết với hàng nghìn hộ nông dân chứ không phải là 1 đơn vị đại diện. Nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp. Ông Phát cho rằng phải có tiêu chí cánh đồng lớn ở mỗi địa phương và có quy hoạch sản xuất nhưng hiện cả nước có chưa tới 10 tỉnh làm được những việc này.

 

“Ngoài vận động nhân dân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp”, ông Phát nói.

 

(Theo VGP)