Cần tôn trọng cử tri
Trong những ngày này, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đang tiến hành tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của mình và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Thực tế cho thấy, do trình độ nhận thức ngày càng được nâng lên, đặc biệt là nhận thức về kinh tế, chính trị, pháp luật nên cử tri không còn thụ động, dễ dàng chấp nhận những chương trình hành động chung chung, những cam kết mang tính hình thức của các ứng cử viên. Điều này góp phần làm cho các buổi tiếp xúc cử tri tránh được bệnh hình thức, hướng cử tri đến ngày bầu cử một cách chủ động và thực chất hơn.
Cùng với sự trưởng thành của xã hội, nhất là từ khi có đổi mới đến nay, vai trò và vị trí của Quốc hội trong đời sống chính trị đất nước cũng ngày càng được nâng lên. Sự trưởng thành của Quốc hội cũng đồng nghĩa với sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh chính trị của cử tri-những người thực hiện quyền công dân tối cao của mình bầu ra Quốc hội.
Ngày nay, hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng hậu và không gian vô tận của internet giúp cử tri có rất nhiều thông tin đa chiều, từ đó chủ động trong nhận thức và hành động của mình. Đáng chú ý, cử tri ý thức rõ, chính họ mới là chủ thể của cuộc bầu cử. Họ là người quyết định sẽ ủy quyền, trao quyền cho ai. Và họ tìm hiểu, dõi theo các ứng cử viên không chỉ qua những lần tiếp xúc cử tri.
Chương trình hành động của mỗi ứng viên được xem là những cam kết ban đầu về những việc sẽ làm nếu trúng cử. Qua chương trình hành động, cử tri sẽ hiểu được phần nào năng lực của đại biểu và quan trọng hơn, qua đó, cử tri tìm được người thấu hiểu tâm tư, nguyên vọng của họ. Điều này đặt ra yêu cầu với các ứng viên là phải thấu hiểu cuộc sống của người dân, tình hình kinh tế-xã hội địa phương. Chỉ khi ấy các chương trình hành động mới không chung chung, hình thức, na ná nhau.
Ngày nay, cử tri đi bầu cử không chỉ là đi bỏ phiếu cho một bộ máy chính quyền cụ thể mà là bỏ phiếu cho một chính sách với tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Vì thế, họ không chấp nhận lối thông tin một chiều, thiếu chính xác, những cách làm áp đặt, thiếu minh bạch. Họ đòi hỏi minh bạch và dân chủ thực sự ở tất cả các khâu của quy trình bầu cử.
Còn nhớ trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 1994-2004, nhân dân đã phát hiện và yêu cầu thay đổi những thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử không đủ năng lực, phẩm chất; nhân dân đã phát hiện 28 điểm bầu cử vi phạm nghiêm trọng Luật Bầu cử và kiên quyết đề nghị tổ chức phụ trách bầu cử hủy kết quả bầu cử.
Rõ ràng, khi dân trí được nâng lên, nhân dân đã quan tâm một cách toàn diện hơn đến cuộc bầu cử, không chỉ đến chất lượng ứng cử viên mà kể cả chất lượng thành viên các cơ quan tổ chức bầu cử. Họ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Luật Bầu cử.
Điều đó cho thấy khi dân chủ được đảm bảo, nhân dân cũng là lực lượng tham gia tích cực nhất trong việc bảo vệ pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.
Đảm bảo dân chủ thực chất và tôn trọng cử tri là yêu cầu quan trọng nhất quyết định thành công của cuộc bầu cử, tránh được những hiện tượng như bầu cho xong việc, nhờ người đi bầu hộ… Và chỉ có như vậy, kỳ bầu cử năm nay mới là ngày hội chính trị thực sự của toàn dân.
(Theo VOVnews)