Sáng mãi con đường vì dân, vì nước
Sự kiện này là một dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Tuy sớm thể hiện lòng yêu nước thương dân từ thuở còn đi học, nhưng đến thời điểm quyết tâm rời xa Tổ quốc tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước có chí lớn và đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành đã dứt khoát chọn lẽ sống của đời mình là vì dân vì nước. Và Người đã dâng trọn đời mình cho lẽ sống cao đẹp này. Có thể nói ngày Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước là điểm khởi đầu sự nghiệp cách mạng to lớn của Người – sự nghiệp của một lãnh tụ cách mạng, người anh hùng giải phóng dân tộc.
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, người Việt Nam chúng ta không bao giờ quên được trang đen tối cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước ta chìm đắm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Không chịu khuất phục, bao người con ưu tú của đất nước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… bằng cách lựa chọn của mình, đều đã tìm đường cứu nước nhưng đã không thành công. Bài học thất bại của những nhà yêu nước lớp trước đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm hiểu để lựa chọn, xác định một con đường đúng đắn có thể đập tan xích xiềng nô lệ của thực dân, giải phóng đất nước, mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình, mang lại ấm no hạnh phúc cho đồng bào mình.
Trên hành trình tìm đường cứu nước của mình, nhà yêu nước Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba qua châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi, đã sống, làm việc, hoạt động ở gần 30 nước. Chính sự trải nghiệm và tầm nhìn được mở rộng như vậy cộng với tài năng thiên phú, khả năng tự học, tự nghiên cứu cao và trái tim vốn giàu tình thương yêu con người, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một nhận thức quan trọng: Chính chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân đẩy người lao động cần lao ở các nước thuộc địa cũng như chính quốc rơi vào cuộc sống lầm than. Từ đó Người đã tìm đến với Chủ nghĩa Mác – Lê nin, xác định được con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn. Sau này, Nguyễn Ái Quốc, khi đó đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Với việc tìm đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã phất lên ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam.
Tìm hiểu sâu thêm tư tưởng, tình cảm và con đường mà Hồ Chí Minh đã đi, chúng ta có thể hình dung chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh đã được hình thành và dựa trên nền tảng của một chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, một tình yêu thương con người bao la như biển cả. Người nói nhiều đến nhân dân, nhân dân đất nước mình và nhân dân thế giới. Đối với nhân dân đất nước mình, Người hay dùng từ “đồng bào” rất đỗi thân thương. Khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Lễ Quốc khánh đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Người dừng giữa chừng và bằng giọng trầm ấm thân thiết hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Kể cả khi nói và khi viết về nước hoặc về dân, Người thường gắn liền nước với dân, dân với nước, yêu nước gắn với thương dân, thương dân nước mình và yêu thương nhân loại với cái tâm hướng tới một thế giới đại đồng, thế giới xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Yêu nước thương dân nên phải làm cách mạng để giành độc lập tự do cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đó là mục đích, là lẽ sống, là con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn, đã đi và đã truyền lửa cho lớp lớp cháu con tiếp bước. Chúng ta có thể điểm qua những dấu ấn, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh kể từ khi Người tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, nghĩa là sau khi Người đã xác định được con đường đúng đắn cứu dân, cứu nước. Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp. Ngày 21/6/1925 Báo Thanh niên được thành lập; Báo do Người sáng lập nhằm chuẩn bị đường lối chính trị cho một tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Năm 1925, Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; và khi điều kiện chín muồi, ngày 3/2/1930, Người đã chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 8/1945, Cách mạng thành công thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta tiếp tục tiến hành thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch. Các sự kiện nêu trên đã ghi dấu trong lịch sử dân tộc và khẳng định tính đúng đắn của con đường cứu nước, cứu dân mà Hồ Chí Minh đã chọn và sau đó đã suốt đời đi theo hy sinh, phấn đấu để biến ước mơ, hoài bão, lý tưởng vì nước, vì dân của mình trở thành hiện thực.
Đã 100 năm kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 42 năm kể từ ngày Người mãi mãi đi xa. Xin kính dâng Người một nén tâm nhang. Tháng 5 đến rồi, khắp đất nước mình, khói hương đang mang mang dâng lên tưởng nhớ Người. Với công lao như trời biển với dân, với nước, Người đã hiển thánh trong lòng dân tộc. Dù Người đã đi xa nhưng hình ảnh của Người, sự nghiệp của Người vẫn còn mãi mãi. Chúng con vẫn hằng soi vào tấm gương trong của Người để tâm hồn mình thêm trong sáng và để được tiếp thêm sức mạnh bước tiếp trên con đường mà Người đã tìm ra và đi trọn cuộc đời. Con đường vì dân vì nước của Người sẽ sáng mãi, cuốn hút, thúc giục toàn dân tộc bước tiếp, hướng tới một ngày mai tươi sáng, vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như điều Người hằng mong ước.
(Theo GD&TĐ)