Điêu khắc Đình làng xứ Nghệ
Đình làng: Gương mặt kiến trúc Việt cổ
Trải qua thời gian, rêu phong đã làm cho ngôi Đình làng trở nên cổ kính, tĩnh mịch và dường như Đình làng chỉ còn sống với thời đã qua. Nhưng khi bước vào bên trong đình, chìm vào không gian tâm linh bao bọc xung quanh để tĩnh trí mà chiêm bái trước đức Thành Hoàng làng, nhìn ngắm những hình chạm khắc trên kiến trúc, mới hiểu rằng ngôi đình đang ôm vào bên trong, thầm lặng giữ gìn một di sản nghệ thuật vô giá, mà đến hôm nay nhìn ngắm nó vẫn thấy hiển hiện, xôn xao đời sống xã hội mấy trăm năm về trước và để lại những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.
Chạm khắc ở một ngôi đình làng Nghệ An |
Đến thăm bất cứ ngôi đình nào ở Xứ Nghệ, dù đơn giản đến đâu, hầu như trên các thành phần của kiến trúc Đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao, làm cho ngôi đình thêm uy nghi tráng lệ. Trong lòng Ðình, Bộ giàn trò (sườn nhà) trừ các cột và hoành rui, các thành phần khác hầu hết được chạm trổ, trang trí. Nhiều nhất ở những tấm riềm gió (thượng diệp, hạ diệp), cốn, lòng giá chiêng, kẻ hiên, đầu bẩy. Người thợ làm đình nắm cấu tạo lực của toàn bộ xà, dầm gỗ, nên việc trang trí điêu khắc không những chỉ đơn thuần làm đẹp mà còn tôn trọng nguyên tắc sức bền vật liệu của các cấu đầu, các con rường, đầu bẩy, đầu dư, kẽ hiên, lá gió, cốn, xà nách, khấu đầu, trôm rường,... những thứ ấy được các nghệ nhân trang trí hợp lý.
Điêu khắc trang trí của Đình làng phổ biến là tứ linh, tứ quý, hoặc tách ra từng cá thể: long, ly, quy, phượng; tùng, mai, cúc, trúc; đặc biệt là hình ảnh về hoạt cảnh dân gian, những hình ảnh thân thuộc ở làng quê. Ngoài những đề tài kinh điển, mỗi người thợ còn tuỳ theo nhận thức và khả năng diễn tả của mình mà chạm khắc những hình ảnh lấy ra từ hiện thực cuộc sống đương thời. Cùng một đề tài, một chi tiết trang trí như nhau, mỗi hiệp thợ lại có cách thể hiện riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Tài năng của nghệ nhân kiến trúc cổ là biến các chi tiết, các thành phần kết cấu vốn thực dụng chuyển sang mang dáng vẻ hấp dẫn, giảm đi cảm giác nặng nề, thô phác, mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân dã, hồn nhiên và ý nhị. Trong số đó cũng không thiếu tác phẩm đạt tới trình độ điển hình của từng thời đại.
Nói đến điêu khắc trong Đình làng trước hết phải nhắc đến những hình ảnh chạm khắc về "tứ linh, tứ quý" . Một môtíp có tính trang trí biểu tượng. Đứng đầu Tứ linh là Rồng với nhiều lớp nghĩa. Trước hết, Rồng là biểu tượng cho uy quyền của bậc quân vương và cũng là biểu tượng cho mây, mưa với tâm thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Rồng là linh vật tượng trưng cho quyền lực thời phong kiến, mang tính oai phong, dữ tợn. Nhưng khi nghệ nhân điêu khắc đưa Rồng vào đình, Rồng trở nên gần gũi với hiện thực cuộc sống. Bởi vậy, ở bất cứ ngôi đình nào không chỉ xuất hiện hình tượng Rồng trên phần phù điêu trên bờ nóc, mà còn được các nghệ nhân nông dân đưa vào các vị trí quan trọng trong kết cấu gỗ của nội thất tùy quan niệm thẩm mỹ ở mỗi vùng quê.
Lân - linh vật huyền thoại, biểu trưng cho ước vọng thái bình; Quy - linh vật biểu tượng cho sự trường tồn, trường thọ và Phượng - biểu tượng cho hạnh phúc, giàu sang phú quý. Trong Tứ linh, một số ngôi đình còn bổ sung bốn linh vật nữa để thành Bát vật. Đó là Ngư (cá chép) gắn với truyền thuyết “cá hóa rồng” biểu tượng cho sự thành đạt, hanh thông, Phúc (dơi) biểu tượng cho phúc đức; Hạc biểu tượng cho sự cao khiết và trường thọ; Hổ biểu tượng cho sức mạnh.
Trong Tứ quý có 4 loài cây: Mai - biểu tượng cho sự hồn nhiên; Lan - biểu tượng cho sự tinh khiết; Cúc - biểu tượng cho sự thanh nhàn mà sang trọng; Trúc - thể hiện tính cách cứng rắn của người quân tử. Đồng thời Tứ quý còn mang ý nghĩa của bốn mùa trong năm...
Một góc kiến trúc ngôi Đình làng ở Nghệ An |
Những nhà điêu khắc xuất thân từ nông dân đã đưa vào Đình làng không chỉ là những hình ảnh tứ linh, tứ quý, mà còn đưa vào những những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực với một phong cách hết sức độc đáo và một tâm hồn hết sức sôi nổi. Với sự phong phú về đề tài phản ánh, đa dạng về thủ pháp tạo hình và trình độ cao về kỹ thuật chạm khắc gỗ, điêu khắc Đình làng thực sự là cuốn biên niên sử về làng xã mấy trăm năm qua.
Các sinh hoạt của muôn mặt đời thường như uống rượu, đánh cờ, đi săn, đi cày, đi cấy, đánh vật,... đến cảnh phạt vạ, vinh quy bái tổ, dạy học, hội làng... đều được người nghệ sỹ nông dân đưa vào các bức chạm khắc một cách hồn nhiên, làm cho người ta có cảm tưởng cuộc sống chạy thẳng vào tác phẩm chạm khắc, mà không tuân theo một quy định nào về nghệ thuật, về quan điểm và thẩm mỹ. Sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc trang trí Đình làng thể hiện ở tính khái quát cao trong thủ pháp xây dựng tác phẩm như nhấn mạnh trọng tâm, biết chọn những vấn đề quan trọng nhất để diễn tả, phản ánh, hướng người xem vào nội dung, giản lược về hình thức, để không ảnh hưởng đến quá trình tri giác. Các chạm khắc Đình làng đã bỏ qua định luật xa gần, những nguyên tắc về giải phẫu, bố cục, tính hợp lý của hiện thực, để tạo ra một sự hợp lý của nghệ thuật do người nghệ sỹ dân gian sáng tạo ra.
Điêu khắc trang trí Đình làng là tác phẩm của những nghệ nhân nông dân. Nghệ thuật của họ xuất phát từ đời sống và cái nhìn có tính bản năng thuần phác của người nông dân. “Nó được sản sinh trong khoảng khắc lịch sử mà tinh thần dân tộc vùng dậy tưng bừng nhất, mà nền văn nghệ dân gian thắng thế nhất”. Khi sáng tạo để phản ánh, tái tạo hiện thực và giải toả những ẩn ức, họ không bị câu thúc từ bất cứ những quy chuẩn tạo hình nào. Trong họ đồng thời có hai con người: người nghệ nhân với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện và người nghệ sĩ với sự tự do trong tưởng tượng, phản ánh, bộc lộ cái cảm tự thân về hiện thực, bằng bất kỳ thủ pháp nào mà họ cho là phù hợp. Nhiều thủ pháp tạo hình được sử dụng để sáng tạo ra các bức chạm khắc, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống.
Cảnh sinh hoạt xã hội ở đình Trung Cần xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, đình Hoành Sơn xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn diễn tả cùng một lúc nhiều hoạt động rất khác nhau. Nếu như ở đình Trung cần có bức phù điêu cảnh: quan ngồi uống rượu có người hầu, cảnh ông già ngồi hóng mát, cảnh thầy đồ dạy học, rồi cảnh vinh quy bái tổ. thì ở đình Hoành Sơn lại có bức phù điêu cảnh đi cấy, cùng lúc bên cạnh có người đang cày ruộng, nơm cá, gánh củi qua cầu. Những trò vui trong lễ hội dân gian của làng - như hát chèo, gẩy đàn, chèo thuyền, đấu vật, chọi trâu, đánh đu, chọi gà, đá cầu, chuốc rượu.... Ở một nơi khác, bức chạm khắc cảnh đánh cờ, người nghệ nhân đã đưa hai điểm nhìn từ trên xuống và nhìn ngang, tạo ra bố cục đặc sắc. Bàn cờ ở vị trí trung tâm, có hình vuông như nhìn từ trên xuống, còn các nhân vật lại như nhìn ngang theo phối cảnh, mặc dầu bố cục của chạm khắc không theo định luật xa gần.
Có một hình trang trí đầy sáng tạo, là việc nắm bắt một đề tài rất hư ảo... đó là mây bay. Để đưa thành một vật để trang trí, người thợ Việt Nam diễn đạt được cái nhẹ nhàng phù vân của mây vào các bẩy hiên cổn; mây đã thành hình khối di động uyển chuyển chỗ dày chỗ mỏng như có gió lay động. Ở những đầu bẩy này, mây như dồn tụ lại để làm một đòn kê chịu lực.
Mộc bản được lưu giữ ở đình làng Nghệ An |
Người thợ chạm khắc ở làng xã, từ thuở nhỏ đã quen đục chạm gỗ, nhưng vẫn là một nông dân vì họ cũng tham gia mọi việc đồng áng. Nhát chạm dứt khoát, chắc tay, nhưng nguồn cảm hứng lại rất chân thật, không phải là chân thật một cách sơ khai không đạt tới nghệ thuật, mà là chân chất của nghệ sĩ lớn, tươi mát và sinh động, kết quả một quá trình hấp thụ, cố kết cao độ giữa những tình cảm sâu xa với những hình thức biểu hiện. Nghệ nhân chạm gỗ ở làng xã khi hứng lên, diễn tả bằng ngôn ngữ hàng ngày những điều rất bình thường, nhưng rất xúc động lòng người. Những tác phẩm ấy phản ánh lên tất cả vẻ đẹp, chứa đựng mọi hương thơm của quê hương đất nước. Những nhà điêu khắc ấy không chạm trổ theo khuôn mẫu mà theo cuộc sống. Những cảnh tượng diễn đi diễn lại xung quanh họ, ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, in vào tâm khảm nghệ nhân những nét không thể xoá, vì thế cuộc sống đi thẳng một cách hầu như tự nhiên vào tác phẩm nghệ thuật, giải phóng nghệ nhân khỏi những quan niệm phong kiến thống trị.
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, điêu khắc Đình làng là kết quả sáng tạo của nghệ nhân - dân gian nhằm phục vụ cho đời sống chung của làng xã. Bằng những nhát đục bạt khoẻ khoắn, thô phác, với cảm hứng sáng tạo dạt dào, hiện thực cuộc sống ở làng dường như lung linh, sinh động cho đến ngày nay. Vì vậy, điêu khắc Đình làng luôn mang đậm tâm hồn, tình cảm của người dân Việt và mỹ thuật Đình làng trở thành sản phẩm đặc sắc của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Chỉ tiếc vì khí hậu nhiệt đới quá khắc nghiệt, cộng với sự tàn phá của chiến tranh liên miên, đặc biệt trong ý thức, con người chưa nhận thấy tầm quan trọng của các di tích lịch sử quý báu đã làm không ít ngôi Đình làng bị huỷ hoại. Nhưng còn sự thực khác lớn hơn khi người nông dân luôn mặn nồng với tình cảm quê hương, dân tộc, nguồn cội đã giữ gìn được những ngôi Đình làng để hôm nay chúng ta được chứng kiến, chiêm ngưỡng cả một kho báu mỹ thuật cổ độc đáo của dân tộc. Những kho báu đó không còn nhiều cần được gìn giữ và tôn tạo để các thế hệ tiếp nối được chiêm ngưỡng vẻ đẹp điêu khắc truyền thống của ông cha - vẻ đẹp điêu khắc Việt Nam.
(Thanh Hùng)
Phần 4: Văn hóa đình làng với tín ngưỡng nông dân