Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đình làng xứ Nghệ

08:33, 22/06/2011
Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người, là nơi chứng kiến những đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, là đại diện, biểu tượng của quyền lực làng xã. Đình làng cũng lại là nơi tụ họp trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Đình làng - một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng đã in vào

 

Phần 1: Cội nguồn Đình làng

 

Ngày xưa đất rộng, người thưa, đất đai hoang vu, đường xá lại gập gềnh khó đi, núi sông hiểm trở nên cuộc hành trình nào, dù xa hay gần người vi hành thường phải ngủ lại dọc đường. Ở Việt Nam và các nước Á Ðông, cách di chuyển còn thô sơ, muốn đi từ nơi này sang nơi khác người ta phải đi bộ, quan viên hoặc những người giàu có thì đi cáng, đi võng, đi kiệu do mấy người khiêng, đi ngựa, đi xe do người đẩy. Cách vận chuyển phiền phức, khó nhọc. Trên đường vi hành trời tối mà không gặp thôn cư, làng mạc thì dù là “thiên tử” cũng bị dãi tuyết dầm sương. Do đó, vua sai lập ở bên các đường cái quan, những cái quán trú chân, phòng khi vua quan đi tuần du, giữa đường trời tối còn có chỗ trú chân. Việc lập quán dọc đường đó có định lệ hẳn hoi. Cứ năm dặm lập một quán nhỏ gọi là đoản đình, mười dặm lập một quán to gọi là trường đình.

 

Các quán đình hầu hết đều có kiến thiết chắc chắn, tường gạch, mái ngói và làm theo một kiểu giống nhau, hình vuông, nóc có bốn mái. Để giữ gìn quán đình, người ta đặt ra một chức, chọn giao cho một người dân sở tại trông nom, gọi là đình trưởng. Tuy phận sự của viên đình trưởng chỉ là trông nom giữ gìn ngôi đình, song cũng thường rất vất vả, bận rộn. Khi có vua, quan, quí khách đến nghỉ ngơi, lưu trú tại Ðình thì đình truởng phải tổ chức canh phòng, phải mua sắm thức ăn, thức uống, dầu đèn... phải phục dịch như có quí khách đến nhà mình vậy. Ðể đến bù vào công đó, các viên đình trưởng được hưởng những quyền lợi như có quyền sai phái và trừng giới dân đinh thuộc Ðình mình, được quyền cày ruộng công hay được lương bổng và được vinh ân…

 

 

Đình làng Nhân Trung, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương

 

 Xã hội Việt Nam đã được tổ chức rất sớm cả ngàn năm nay. Đến thời Lý, thời Trần nhà nước được tổ chức phân minh. Nhà vua chia nước thành các Lộ, mỗi Lộ chia ra làm nhiều xã, đứng đầu mỗi Lộ là chánh, phó An phủ sứ, dưới lộ có Ðại tư xã và Tiểu tư xã. Còn mỗi xã, bổ xã quan trực tiếp cai trị dân làng gọi là xã chánh và xã giám, tức như lý trưởng và phó lý sau này. Trong làng xã có quan do nhà vua bổ về cai trị thì phải có công đường để làm nơi bàn việc quan, việc làng và dùng làm công quán để vua quan, quí khách dừng chân lưu trú, một thứ dịch đình được thiết lập tại khắp các làng xã, vì vậy dịch đình trở thành Ðình Làng.

 

Từ thời Trần, do sự hiện diện của các xã quan mà quy chế ngôi thứ, tôn ti trật tự được xếp đặt ở chốn đình trung tại các làng xã Việt Nam. Chỗ ngồi ở đây cũng quý không kém gì chỗ đứng ở sân chầu triều đình; thứ bậc trên dưới rồi đến lễ nghi, tế tự cũng được rập theo khuôn mẫu, kiểu cách của triều đình: ''Lễ nghĩa tương tiên thiên hạ đại phong tục/ Tôn ti hữu tự hương đảng tiểu triều đình ''. (Nghĩa là: Lễ nghĩa cùng đứng, trước là phong tục lớn trong thiên hạ/Tôn ti có chữ, hương đảng là triều đình nhỏ).

 

Ðến khi nhà nước không bổ xã quan về cai trị nữa, dân làng tự bầu lấy người đại diện ra làm xã trưởng, để một đằng giao thiệp với quan trên, một đằng gánh vác, giải quyết việc làng cùng với các vị hương chức, các phe giáp trong làng xã. Theo quy lệ này thì mỗi làng trở thành một đơn vị hành chính gần như tự trị, một nước nhỏ trong một nước lớn. Phép vua lan tỏa ra khắp nước, nhưng khi đụng đến lũy tre xanh của cổng làng, phải ngưng lại để làng xem có thích hợp để đón nhận hay không. Vua xa, làng gần nên “phép vua thua lệ làng” là vậy.

 

Dân ta tin rằng đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần, làng có thành hoàng. Dân phải thờ phụng thần linh, để các ngài phù hộ độ trì cho được bình an, khỏe mạnh, may mắn, tốt lành... Tục thờ thành hoàng có từ đó. Nguyên thủy, thành hoàng được thờ ở miếu, ở nghè. Khi làng vào đám, mở hội, mới rước về Ðình. Về sau, vua đặt lệ phong các đại thần khi thất lộc được làm phúc thần, cho thờ bằng lọng vàng trong Ðình làng. Làng nào không có phúc thần thì xin phép hoặc tự ý tìm một thần linh, hoặc đế vương, trung thần, liệt nữ đời trước làm thành hoàng. Kể từ đó, mới có lệ thờ thành hoàng thường trực ở Ðình và Ðình này gọi là Tử Ðình

Hầu hết các vị thần thánh thờ tự ở các đình, đền, miếu mạo, được Bộ Lễ kiểm tra, lập danh sách để dâng lên vua, để sắc vua phong cho làm thượng đẳng, trung đẳng hay hạ đẳng thần; tùy theo công đức, sự nghiệp đã giúp dân, giúp nước lúc sinh thời của vị nhân thần, hoặc căn cứ vào sự âm phù, linh hiển, hộ trì dân nước của vị thần linh. Có những vị mà sự nghiệp hiển hách, công đức rõ ràng, hoặc u linh u hiển, dậy tiếng đồn, đâu đâu cũng biết, nhưng cũng có nơi thành hoàng chỉ là một người tầm thường chết vào giờ linh, đã báo ứng cho dân làng thờ phụng. Có khi thành hoàng là một vị sơn thần, hoặc cũng có khi người đang còn sống, vì một lý do nào đó, được dân làng chịu thờ làm thần thành hoàng sống. Trong trường hợp nào thì dân làng cũng rất mực tôn kính vị thành hoàng của làng mình, kiêng tên ngài mà nói chệch ra một tiếng tương tự. Có nhiều nơi hàng năm diễn lại sự tích hay một vài hành vi đặc trưng của thần, trở thành một tiết mục nghi lễ, cho là có thế thì dân làng mới được bình yên, làm ăn thịnh vượng. Thành hoàng tiêu biểu cho niềm hướng vọng chung, là thể hiện cho luật lệ, phong tục, luân lý và cho cả sự thưởng phạt. Thành hoàng là nhân cách hóa của uy quyền tối cao mà uy lực lại xuất phát từ cộng đồng dân thôn:“Thần bảo hộ hay Thành hoàng đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm chung, những nguyện vọng chung. Ngài hiện thân cho tục lệ, luân lý và đồng thời sự thưởng phạt trừng giới; chính Ngài thưởng phạt khi nào dân làng có người phạm lệ hay tôn trong lệ làng. Sau cùng Ngài còn là hiện thân đại diện cho cái quyền tối cao bắt nguồn và lấy hiệu lực ở chính xã hội nhân quần. Hơn nữa Ngài còn là môi giới của tất cả phần tử của đoàn thể, Ngài kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân”.

 

Đình còn là nơi hội hè, sau khi tế lễ, các vị hương chức, các phe giáp trong làng xã, cùng với đại biểu của làng từ đàn anh đến đàn em ăn uống, chia phần lộc thánh có ý nghĩa thiêng liêng vì “một miếng ở làng còn hơn một sàng xó bếp”. Sau khi ăn uống rồi, thường có các cuộc biểu diễn văn nghệ bình dân, ca hát, đánh cờ, đánh bạc tất cả các trò tiêu khiển tập thể của nông dân. Ngày thường, có nơi sân Đình còn dùng để nhân dân họp chợ làng, hành lang có khi dùng làm trường học làng,…

 

Ðình còn ảnh hưởng đến sự bình an, thịnh vượng hay nghề nghiệp của dân làng vì ''hướng đình'', vì cuộc đất dựng Ðình. Muốn biết vận mệnh của một Làng, kẻ hay người dở, tính tình nhân sự của nó hãy nhìn hướng Đình. Bởi Đình là linh hồn của Làng, hưng thịnh cũng vì hướng Đình, suy bại cũng vì hướng Đình. Đủ biết vai trò của Đình trọng đại đối với dân làng ngày xưa đến nhường nào. Dân Việt Nam xưa tin rằng: hướng Ðình ảnh hưởng đến nét đặc thù về nghề nghiệp hoặc tính cách chung của dân làng, vì vậy việc chọn đất, cắm hướng Ðình được xem rất quan trọng. Chẳng hạn như trước Ðình phải tụ thủy, nên Ðình thường nhìn ra một khúc sông vòng bọc lại, một ao, hồ hoặc một cánh đồng trũng thấp, có thế thì mới đọng của, làng mới giàu; nếu có những mô đất nổi lên làm án, làm bút thì dân làng dễ học hành thi đỗ, làm quan...

 

Đình là biểu tượng điển hình nhất, tập trung nhất của làng về mọi phương diện với các chức năng là trung tâm về hành chính, văn hóa, tôn giáo, tình cảm của người Việt. Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam. Đình trang trọng và thiêng liêng, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, Đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi của những người nông dân Việt Nam. Đình là biểu tượng truyền thống cho tính tổng hợp của văn hóa Việt Nam ở phạm vi làng xã. Đình gắn bó với làng xã đến mức được gọi là Đình làng.

 

Tất cả những niềm tin ấy, các thế hệ dân Việt Nam tiếp nối nhau tạo thành một nền vǎn hoá đình, một nền vǎn hóa hỗn hợp, đa dạng khiến cho đình trở thành một tập thể siêu thần, tạo một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức mạnh vô hình của làng, cộng đồng xã Việt Nam.

 

(Thanh Hùng)

 

Gương mặt kiến trúc Việt cổ

Điêu khắc Đình làng xứ Nghệ

Văn hóa Đình làng với tín ngưỡng nông dân