Người mẹ làng Sen
Bà Hoàng Thị Loan (1868-1901)
|
Bà Hoàng thị Loan sinh năm (1868 - 1901) trong một gia đình nho học truyền thống lâu đời ở làng Hoàng trù, xã Kim liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Hoàng Xuân Đường - một nhà nho yêu nước, giàu tình nhân ái. Còn mẹ là Nguyễn Thị Kép cũng xuất thân trong một gia đình danh giá, là người phụ nữ xinh đẹp và sắc sảo. Chính nền tảng gia đình giàu truyền thống văn hoá cao đẹp của quê hương xứ nghệ ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn bà Loan, hình thành trong bà những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Bước vào tuổi trăng tròn, Bà Hoàng Thị Loan được mọi người biết đến là một cô gái nết na, thuỳ mị, luôn vui vẻ, hoà nhã, dung nhan tươi đẹp. Ngày thì chăm chỉ việc đồng áng, tối về nhà lại miệt mài canh cửi. Con người Bà đã hội tụ đủ bốn đức tính của người phụ nữ truyền thống: công, dung, ngôn, hạnh. Vượt qua mọi lễ giáo phong kiến bà đem lòng yêu cậu học trò nghèo mồ côi là ông Nguyễn Sinh Sắc - người được cha mẹ đưa về nuôi ăn học trong gia đình. Ngày cưới của Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan được tổ chức vào mùa sen nở năm Quý Mùi (1883). Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời bà gắn với những truân chuyên vất vả của người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con. Ngày ngày, “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Bà không chỉ làm việc nuôi chồng nuôi con, mà bà còn là người nối chí, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ông Sắc trong bước đường công danh sự nghiệp.
Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo ròng rã hàng tháng trời để vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc và các con. Nếu như ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền văn hoá bác học, một nhân cách yêu nước thương nòi mang đậm tính nhân văn, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân in đậm trong tình mẫu tử. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Từ nếp sống giản dị và những nhân cách, đạo lý ban đầu của nền tảng gia đình ấy, mà hôm nay dân tộc Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý, bà trút hơi thở cuối cùng khi vừa sinh hạ cậu con trai thứ tư là Nguyễn Sinh Xin trong sự khốn khó tủi cực. Bà ra đi trong tiếng khóc xé lòng của đứa con khát sữa. Suốt một đời tần tảo vất vả nuôi chồng, nuôi con nhưng khi từ giã cõi đời thì chồng và hai con lớn của Bà đều ở xa không ai hay biết. 33 năm tuy ngắn ngủi nhưng bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, đóng góp quan trọng vào những thành công của chồng, của con sau này.
Thi hài của Bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của Bà được người con gái là Nguyễn Thị Thanh đưa về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen - Kim Liên. Năm 1942, cậu con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm đã đưa hài cốt của bà lên an táng tại núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn hiện nay.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển, sau lưng có núi động tranh cao làm huyền vũ như ngai tựa vững vàng, bên trái có động Khe Cùng làm “tả thanh Long”. Theo thuyết phong thuỷ, thì mộ bà Loan đạt đủ tiêu chí cát địa hay còn gọi là linh địa. Đây là việc làm chí hiếu của ông Nguyễn Sinh Khiêm với người mẹ đức hạnh đã qua đời sớm nơi đất khách quê người.
Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang Quân khu IV thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của Bà đàng hoàng, khang trang và đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Tháng 7/2010, nằm trong dự án “bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch” với tầm vóc của một di tích lịch sử, văn hoá đặc biệt của quốc gia, mộ Bà Hoàng Thị Loan một lần nữa được tiến hành tôn tạo. Đây là dự án lớn, có quy mô và mang tầm ý nghĩa quan trọng. Công trình vừa thể hiện nét văn hoá truyền thống, giản dị của người mẹ Việt Nam lại vừa thể hiện sự vĩ đại to lớn mà không danh hiệu cao quý nào có thể sánh được với nhân cách, công lao của bà. Đặc biệt đó còn là tấm lòng thành kính của lớp lớp thế hệ người Việt Nam dành cho bà, dành cho người mẹ đã sinh ra cho dân tộc một người con anh hùng.
Với vai trò, tầm vóc và sức lan toả rộng lớn của dự án đối với toàn thể nhân dân Việt Nam nên lộ trình thực hiện dự án đã diễn ra một cách cẩn trọng, bài bản với nhiều công đoạn. Riêng hạng mục bảo tồn tôn tạo Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan đã có 7 phương án được đệ trình, trong đó có 2 phương án thiết kế được lựa chọn để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhân dân cả nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời bản thiết kế cũng được xây dựng để lấy ý kiến nhân dân trong ngoài tỉnh. Ngày 21/7/2010 công trình đã chính thức được khởi công dưới sự giám sát chỉ đạo sát sao của UBND Tỉnh nghệ an và các sở ban ngành có liên quan.
Tôn trọng vẻ đẹp vốn có của công trình cũ, phần mộ bà Loan được giữ nguyên trạng, đồng thời xuyên suốt trong kiến trúc tôn tạo khu mộ là hình ảnh bông sen và chiếc khung cửi đã gắn bó với cuộc đời bà lúc sinh thời.
Công trình tôn tạo mộ bà Hoàng Thị Loan đã hoàn thành (Ảnh: Trần Lan Anh) |
Nằm trên độ cao hơn 100 mét, với hơn 4.000 tấn vật liệu, chưa kể đến đá, xi măng, cát, nước, trong đó có những phiến đá, bức cuốn thư bằng đá nặngj gần 15 tấn được vận chuyển bằng sức người và thông qua hệ thống tời được thiết lập xen giữa rừng thông với sườn núi có độ dốc lớn. Vật liệu thi công được đem về từ nhiều nơi khác nhau, đá Kim Sa nhập về từ Ấn Độ, đá trắng để làm bức cuốn thư đem về từ Yên Bái, đá xanh đen ở Thanh Hoá, và đá trắng từ vùng mỏ Quỳ Hợp… Sự chọn lọc lỹ càng và công phu ấy đều chỉ với một mong muốn làm sao cho công trình hoàn thành đạt chất lượng cao nhất cả về kiến trúc và giá trị thẩm mỹ.
Từ chân núi động tranh, cổng vào khu mộ được thiết kế rất đẹp với lối kiến trúc dân gian độc đáo, có mái che uốn lượn tạo sự mềm mại cho công trình. Men theo con đường với 269 bậc thang được ghép đá vuông vức, lan can uốn lượn theo nếp núi, ẩn hiện thấp thoáng sau những lùm thông. Xen giữa những bậc thang lên ấy là ghế đá và những bụi hoa giấy phủ trên giàn thêu như hình chiếc khung cửi làm nơi để du khách ngồi nghỉ chân. Sau khi du khách đi qua 269 bậc thang - một con số mang nhiều ý nghĩa gợi nhớ đến năm 1969 khi bác hồ kính yêu đi xa, ta sẽ đặt chân đến khuôn viên khu mộ của Bà Hoàng Thị Loan. Từ đây, qua 33 bậc thang tượng trưng cho tuổi đời của bà, khu mộ được thiết kế như một bông hoa sen khổng lồ với đầy đủ phần đế sen, đài sen và tâm sen. Mái che phiá trên mộ được lấy ý tưởng cách điệu từ hình chiếc khung cửi và giải lụa. Chạm trổ mềm mại như hai giải lụa rủ xuống che mát cho phần mộ. Xung quanh phía trong mái che là ô cửa hình những bông sen kế tiếp nhau tạo sự thông thoáng và thanh thoát. Đặc biệt sau ngôi mộ là một bức cuốn thư bằng đá, nặng tới 14,7 tấn. Bức cuốn thư được chạm trổ tinh xảo với hình tượng đầm sen toả ngát hương thơm. Phía trên là 9 đám mấy quần tụ, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi chứng giám và trường tồn cùng hình tượng người mẹ Việt Nam - Người đã sinh ra một vị thiên tài, người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh.
Có thể nói, với một lối kiến trúc rất riêng, rất độc đáo, vừa gần gũi chân thực vừa tinh tế lại sắc sảo thanh tao trong từng chi tiết chạm trổ hoa văn, công trình đã hoàn thành với một dáng vẻ uy nghi hoành tráng và trang trọng. Triệu triệu người dân Việt Nam và du khách kỳ vọng vào một công trình vừa mạng đậm dấu ấn văn hoá Xứ Nghệ của người mẹ Làng Sen bình dị mà thanh cao, lại vừa mang đậm nét văn hoá lịch sử độc đáo của hình tượng người mẹ Việt Nam truyền thống mà hiện đại, không chỉ bởi Bà Hoàng Thị Loan đã sinh thành ra một nhân cách lớn, một con người vĩ đại HCM mà còn bởi bà là hình mẫu tuyệt vời nhất, cao đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam - người mẹ Việt Nam.
(Khánh Ly)