Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lê Mao - nhà cách mạng tiền bối xuất sắc

10:16, 13/07/2011
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT) 1930-1931 được lịch sử đánh giá là một trong những mốc son quan trọng mở đầu cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam sau này. XVNT vừa là bài tập đầu tiên cho cách mạng, vừa là cái nôi sản sinh ra những tấm gương dũng cảm hy sinh thân mình cho nền độc lập dân tộc. Trong số đó có một con người, một cái tên mà lịch sử mãi

 

  

Lê Mao (1903-1931)

 

 

Lê Viết Mao - tức Lê Mao (bí danh là Cát), sinh năm 1903 tại phố Đệ Thập, nay là khối 3 - Bến Thuỷ - TP Vinh, Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo nên Lê Mao sớm phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Năm 15 tuổi, người chú xin cho anh vào làm công nhân tại nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Chính trong thời gian này, Lê Mao hiểu rõ tình cảnh của giai cấp công nhân, sự áp bức bóc lột tàn bạo của bọn chủ tư bản. Bọn chúng đã lợi dụng quyền thống trị cướp đất của nông dân quanh vùng để mở mang nhà máy. Sự kiện này đã gây ra mâu thuẫn cao độ giữa người nông dân và các nhà tư bản pháp ở Vinh.

 

Nhiều người kể rằng, Lê Mao thích chơi cờ và chơi khá giỏi. Cứ sau giờ làm việc, anh ở lại cùng một vài người đánh cờ, có cả xếp, đội. Có lần ngồi chơi cờ với một viên đội, viên đội dồn anh vào nước bí. Lê Mao bình tĩnh nói: “Tôi sẽ lật lại thế cờ, cũng như lật lại cái chế độ này”. Câu nói đã thể hiện bản lĩnh, khí chất và lòng căm thù cao độ của Lê Mao đối với chế độ thực dân. Đồng thời cũng bắt đầu từ đây, Lê Mao ngấm ngầm tổ chức cho công nhân trong nhà máy đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Anh xin gia nhập Đảng Tân Việt và được Hà Huy Tập huấn luyện truyền dạy kinh nghiệm đấu tranh.

 

Tháng 7/1926, Lê Mao cùng một số người khác vận động công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ đấu tranh đòi chủ nhà máy tăng lương và không được đánh đập công nhân. Sự nhượng bộ của chủ nhà máy như, tăng 25% lương cho thợ là đàn ông và 40% cho thợ đàn bà đã khuyến khích anh em công nhân hăng hái đấu tranh hơn. Đầu năm 1928, theo chủ trương của Tân Việt, công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ tiếp tục tổ chức đấu tranh đòi chủ nhà máy tăng lương, bỏ cúp phạt, hạ giá bán gạo. Lấy số tiền được hạ giá, Lê Mao và nhiều công nhân đã góp thêm tiền để ủng hộ cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi Nam Định vừa nổ ra ngày 16/3/1930.

 

Đầu năm 1930, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Lê Mao được kết nạp vào Đảng. Ngày 14/3/1930, Lê Mao được bầu làm Bí thư chi bộ nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Sau đó, được cử làm Bí thư lâm thời đầu tiên Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ năm 1930. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Mao.

 

Trên cương vị Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ, Lê Mao càng hăng hái hoạt động. Anh biết rằng, số phận của bao công nhân được đặt trên đôi vai rắn chắc của mình. Vì vậy anh càng ra sức phấn đấu, lãnh đạo thúc đẩy phong trào ở Vinh - Bến Thuỷ lên cao. Lê Mao đã trải qua những ngày gian khổ, len lỏi khắp xóm thợ này đến xóm làng khác để xây dựng cơ sở và gây dựng phong trào trong công nhân và nông dân. Anh đã biến nhiều cơ sở Trắng thành cơ sở Đỏ.

 

Chủ trương của Tỉnh bộ trong ngày 1-5-1930 là phải huy động hàng vạn công nhân, nông dân khu vực Vinh - Bến Thuỷ. Đồng chí Thịnh (tức Nguyễn Phong Sắc), đặc phái viên của Trung Ương Đảng tại Trung Kỳ được cử phụ trách chung cuộc đấu tranh quy mô rộng lớn này. Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ do đồng chí Lê Mao làm Bí thư trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân các nhà máy thuộc khu vực Vinh -Bến Thuỷ. Anh theo dõi sát mọi diễn biến cuộc đấu tranh, thường xuyên rút kinh nghiệm và có những chỉ thị cần thiết để công nhân hành động. Tuy chưa phải là nhà lãnh đạo tầm cỡ, nhưng là một người trung thành và có bản lĩnh, Lê Mao đã gây được lòng tin trong công nhân. Họ mến anh ở cái chân chất trong con người anh. Sự gần gũi, cùng ăn, cùng ở, nằm gai nếm mật của Lê Mao đã làm cho công nhân cảm động, một lòng đi theo cách mạng. Theo hồi ký của Đinh Văn Đức, năm 12 tuổi anh là công nhân nhà máy Diêm, thường bị tên cai Học đánh đau vì bỏ que diêm chậm. Mỗi khi Đức bị đánh đau, Lê Mao khuyên “Đừng khóc... trong đau khổ tìm lấy con đường sống...”.

 

Tình hình ở Vinh - Bến Thuỷ thời điểm này rất căng thẳng. Do những cuộc đấu tranh liên tiếp của công nhân, chính quyền thực dân và phong kiến tìm mọi cách đàn áp phong trào. Cuộc truy lùng những người cộng sản diễn ra khắp các xóm thợ. Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao và những người lãnh đạo Xứ uỷ, Tỉnh uỷ phải chui lủi khắp nơi.

 

Trước tình thế nguy khốn, có người đề nghị chuyển cơ quan lãnh đạo của Tỉnh uỷ đến một vùng nào đó. Anh vẫn kiên trì để cơ quan đóng sát ở Vinh, tiện chỉ đạo và bám sát công nhân.

 

Tháng 9 năm 1930, Lê Mao nhận được giấy báo sang Hồng Kông dự Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Tại Hội nghị này, Lê Mao phát biểu phân tích tình hình cách mạng ở Nghệ Tĩnh, nhất là khu vực Vinh - Bến Thuỷ do anh trực tiếp chỉ huy và được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương đảng. Cũng chính trong thời gian phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ cần anh nhất cũng là lúc trong con người anh hội tụ đầy đủ nhất bản lĩnh tài năng và kinh nghiệm của một nhà cách mạng lão thành thì anh đã anh dũng hy sinh. Tại khu vực Cầu Đoan Bến Thuỷ năm xưa, nay là khu vực Cảng bến Thuỷ, đồng chí Lê Mao đã bị địch truy sát và anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 28. Lê Viết Mao - một người con ưu tú của quê hương Xứ Nghệ, một bí thư Tỉnh uỷ, một uỷ viên xứ uỷ xuất sắc đã ngã xuống cho nên độc lập dân tộc. Máu anh đã  hoà vào dòng nước mát lành của quê hương và tiếp tục là mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, lòng căm thù giặc cho lớp lớp thế hệ con cháu thời đó và sau này.

 

Có thể nói Lê Mao là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, mưu trí có công đóng góp to lớn trong phong trào cách mạng Việt Nam từ ngày đầu có Đảng. Lê Mao là người bạn, người đồng chí trung thành, đã kề vai sát cánh cùng đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Cũng như Nguyễn Phong Sắc, tên tuổi của Lê Mao gắn liền với Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bởi anh đã có công lớn trong việc xây dựng và tập hợp lực lượng cách mạng, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa công nông liên minh từ ngày đầu có Đảng. Máu đào của đồng chí Lê Mao đổ xuống sẽ tô thắm thêm trang sử vàng của thành phố Đỏ trên quê hương Xô Viết, quê hương Xứ Nghệ. Và câu nói cuối cùng khi Lê Mao ngã xuống trên dòng sông Lam đã thể hiện rõ bản chất của người chiến sỹ cộng sản đang ngùn ngụt ngọt lửa căm thù đối với bọn cướp nước.

 

Để rồi hôm nay, trên thành phố Vinh thân yêu, đã có những ngôi trường, những con đường mang tên anh và đặc biệt tại khuôn viên thành uỷ Vinh vẫn còn đó bức tượng đài Lê Mao - người bí thư thành uỷ đầu tiên, nhà cách mạng tiền bối xuất sắc sẽ luôn là tấm gương để lớp lớp thế hệ con cháu, cán bộ đảng viên trên thành phố đỏ anh hùng phấn đấu noi theo.

 

Có thể nói, với tài năng, lòng dũng cảm và những công hiến to lớn của Lê Mao cho phong trào xô Viết nghệ Tĩnh trong những ngày đầu có đảng ấy, ông xứng đáng được lịch sử tôn vinh, xứng đáng trở thành người anh hùng trên quê hương xứ nghệ. Sau 80 năm đi xa, tại nghĩa trang thành phố Vinh, mộ phần của người cộng sản kiên trung ấy vẫn lặng lẽ khiêm nhường bên đồng đội và các thế hệ cháu con đã hoà dòng máu đỏ của mình tô thắm cho lá cờ vẻ vang của Đảng của Tổ quốc.

 

(Khánh Ly)