Nghĩa Đàn với mục tiêu là trung tâm phát triển mới của vùng Tây Bắc Nghệ An
Mục tiêu của NQ ĐH Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ này là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong xã hội làm động lực lớn cho sự phát triển. Khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương, thu hút tốt ngoại lực và các dự án phát triển, tạo bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH – HĐH; Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và các vấn đề XH, bảo vệ môi trường; tạo bước chuyển biến lớn trong giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Làm tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn XH; chủ động kiểm soát tình hình; kiềm chế và đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội; phấn đấu nhanh chóng đưa Nghĩa Đàn thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, vươn lên thành một trung tâm phát triển mới của vùng miền núi Tây Bắc tỉnh Nghệ An.
Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Nghĩa Đàn |
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà NQ đã đề ra, Ban thường vụ Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện NQ gồm 15 chương trình đề án cụ thể. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề trọng tâm là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung tâm huyện đến nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo QĐ 491 của TTCP.
Sau khi chia tách, Nghĩa Đàn là một huyện nghèo còn lại 24 đơn vị hành chính với tổng diện tích tự nhiên gần 62.000ha và trên 13 vạn dân. 3 năm đầu, Nghĩa đàn vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 10%/ năm, giá trị sản xuất toàn xã hội đạt gần 1.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,6 triệu đồng/ năm. Việc thu hút đầu tư đạt kết quả khá, khu công nghiệp nhỏ của huyện bước đầu được hình thành tại xã Nghĩa Long với các dự án như : nhà máy Gạch Tuynen, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc, Nhà máy bột đá… Hạ tầng khu hành chính - trung tâm huyện ly đã hoàn thành những hạng mục cơ bản chỉ sau 2 năm - kể từ khi có quy hoạch. Các dự án đường giao thông nông thôn và các dự án mục tiêu quốc gia đang tiếp tục được triển khai hoàn thiện. Đây là những kết quả và tín hiệu khả quan trong sự nghiệp phát triển lâu dài và bền vững của huyện. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng từ trung tâm huyện lỵ đến nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống đường giao thông. Gần như các đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã đều chưa được bê tông, nhựa hóa. Vì vậy mà BTV đã đề ra NQ về xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa - coi đây là một chương trình trọng tâm nhằm tạo nền tảng, động lực để thực hiện các chương trình, đề án khác. UBND huyện đã giao cho các phòng ban, các cơ quan chức năng xây dựng các đề án phát triển kinh tế XH thuộc các lĩnh vực mà UB phải chỉ đạo. Đến thời điểm hiện nay, UBND huyện đã xây dựng được 5 đề án, trong đó có 3 đề án đã được BTV huyện uỷ thông qua. Và hiện nay, huyện đang cho xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai rộng trên toàn địa bàn. UBND huyện đã tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế XH trên địa bàn.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế XH đến năm 2020, gắn với quy hoạch phát triển khu vực tăng trưởng của tỉnh, hoàn thiện và thực hiện tốt quy hoạch về sử dụng đất với phương châm tiết kiệm và hiệu quả lớn; quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện; quy hoạch và bố trí dân cư tập trung nhất là quy hoạch dân cư vùng trung tâm thị trấn huyện lỵ. Các thị tứ dọc đường HCM và các trục đường lớn, quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và các vùng trọng điểm kinh tế; quy hoạch sản xuất cây, con và các sản phẩm hàng hóa chủ lực, quy hoạch phát triển đàn bò sữa để NĐ trở thành trung tâm bò sữa lớn của cả nước; chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước ngọt theo công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện còn có nhiệm vụ tập trung quy hoạch cho các xã theo tiêu chí Nông thôn mới. Vì vậy mà BCH đảng bộ huyện đã đề ra NQ về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Hiện nay, huyện đang tổ chức lập kế hoạch và rà soát các tiêu chí. Công tác quy hoạch đã hoàn thành được một nửa số xã, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành quy hoạch 24/24 xã trên địa bàn.
Thực hiện chương trình mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới, huyện Nghĩa Đàn đã chọn 2 xã là Nghĩa Long và Nghĩa Khánh để thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, căn cứ vào 19 tiêu chí của bộ tiêu chí NTM thì cả 2 xã này đều có tỷ lệ đạt thấp. Riêng xã Nghĩa Long - xã được quy hoạch xây dựng KCN nhỏ của huyện đến nay cũng mới chỉ có 14 nội dung trên 39 nội dung đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ khoảng 36%. Vì vậy, việc xã này trở thành xã điểm về xây dựng NTM của Nghĩa Đàn vào năm 2015 là vấn đề mà cả huyện NĐ và đảng bộ xã Nghĩa long đều đang phải quan tâm đầu tư.
Là một huyện mới được chia tách, gần như mọi thứ đều bắt đầu từ con số không nên Nghĩa Đàn bước vào triển khai NQ ĐH Đảng các cấp nhiệm kỳ này với không ít khó khăn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ khoá 27 sẽ là quãng thời gian có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa đàn bởi đây là nhiệm kỳ đầu tiên sau khi Nghĩa đàn chia tách. Những kết quả mà đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đạt được trong nhiệm kỳ này sẽ là nền tảng, là tiền đề cho huyện nghèo này vươn lên thành một trung tâm phát triển mới của vùng miền núi Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Đó là sự phấn đấu vững về chính trị, ổn định và tạo ra bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tới. Đảng bộ Nghĩa Đàn phấn đấu đến năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19-21%/năm, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 24-25 triệu đồng/ năm; phấn đấu trong giai đoạn 2010- 2015, mức tổng đầu tư toàn xã hội đạt 6000 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%, đến năm 2015 giảm xuống dưới 10%.
Lịch sử vùng đất Nghĩa Đàn đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, và lần mới nhất là 10/5/2008, Nghĩa Đàn một lần nữa phải chia tách nhằm tạo sự phát triển tương xứng giữa các đô thị của các vùng miền trong toàn tỉnh. Nhưng dù ở bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, ở thời kỳ nào thì Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa đàn vẫn nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà NQ ĐH Đảng các cấp đã đề ra; đưa Nghĩa Đàn trở thành là trung tâm phát triển mới của vùng miền núi phía Tây Bắc Nghệ An.
(Lê Hằng)