Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nâng tầm cánh sóng

09:19, 13/09/2011
Trong lịch sử phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo nói và báo hình là 2 thể loại ra đời muộn hơn so với báo viết. Tuy nhiên, bằng hình thức thể hiện công phu, sống động, 2 loại hình báo chí này nhanh chóng trở thành người bạn tin cậy của mọi người, mọi nhà. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, Đài PT-TH Nghệ An đã trở thành

 

“Đây là đài truyền thanh Nghệ An” - Tiếng nói dõng dạc mà hào hùng ấy đã vang lên, báo cáo với nhân nhân tỉnh nhà sự ra đời của tờ báo nói đầu tiên vào ngày 7/9/1956. Khởi đầu với biết bao khó khăn, thiếu thốn, thiết bị kỹ thuật thô sơ: hai máy TA 600W, 01 máy ghi âm MAG8, 01 máy thu thanh, hai máy phát điện 10KVA và 27km đường dây truyền thanh; đội ngũ cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên chỉ gồm 17 người, nhưng Đài Truyền thanh Nghệ An đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, trở thành công cụ đắc lực của Đảng đối với công cuộc dựng xây, kiến thiết miền Bắc XHCN. Giữa những năm chiến tranh ác liệt của thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Đài Truyền thanh Nghệ An đã trở thành vũ khí sắc bén góp phần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, đồng thời là công cụ cổ vũ tinh thần và sức chiến đấu của quân dân Nghệ An.

 

Ngày 9/12/1961 trở thành mốc son lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của tờ báo nói - phát thanh Nghệ An khi lần đầu tiên đài thực hiện thành công buổi truyền thanh trực tiếp lễ mít tinh Bác Hồ về thăm quê. Cũng từ đây, các sự kiện trọng đại của tỉnh, của đất nước đã nhanh chóng đến được với đông đảo thính giả Nghệ An thông qua làn sóng phát thanh đang ngày càng được mở rộng diện tích phủ sóng.

 

Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Thành phố Vinh là một trọng điểm hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân đi sơ tán hết, chỉ có những người có trách nhiệm ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Đài truyền thanh Nghệ An đã cùng bám trụ, làm nhiệm vụ tuyên truyền.

 

 

Làm vịêc trong thời chiến nên đài cũng hoạt động theo phương thức dã chiến, Thiết bị cồng kềnh, nhân lực mỏng, song để đảm bảo an toàn máy móc thiết bị, đài thường xuyên phải di chuyển nơi đóng quân. Đài di chuyển đến đâu, đường dây điện kéo theo đến đó để thường xuyên có đủ nguồn điện phục vụ hoạt động. Sau từng đợt bắn phá của máy bay Mỹ, công nhân đường dây lập tức lên đường để nối lại những đoạn dây bị máy bay Mỹ đánh phá làm hư hỏng. Suốt những năm chiến tranh, tiếng nói của đài tiếng nói Việt Nam và đài truyền thanh Nghệ An không bao giờ tắt. Đây chính là nguồn động viên rất lớn, khích lệ tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của bộ đội, dân quân thành phố Vinh và các huyện trong những năm chiến tranh ác liệt và gian khó. Hoà bình lập lại, cả nước thống nhất cùng bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra ngày càng cao hơn. Cùng với hệ thống phát thanh và truyền thanh cơ sở, đưa tiếng nói 4 cấp đến với cán bộ, nhân dân trong tỉnh, thì thực tiễn sôi động của thời kỳ xây dựng đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh đòi hỏi phải có thêm những phương tiện truyền thông hiện đại. Ngày 7/9/1976, sự ra đời của Trung tâm phát sóng Truyền hình Vinh đã ghi dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử truyền thống của ngành PT-TH Nghệ An. Thời đó,  trung tâm phát sóng truyền hình được xây dựng tại ngã 5 Thành phố Vinh, trực thuộc đài truyền hình trung ương. Ban vô tuyến truyền hình trung ương cử cán bộ kỹ thuật, biên tập giµu kinh nghiÖm về thành phố đỏ trực tiếp giúp đỡ đội ngũ những người làm báo nói, báo hình tỉnh Nghệ An.

 

Trong khí thế hào hùng, khẩn trương xây dựng và kiến thiết đất nước sau ngày giải phóng, 2 tờ báo nói và báo hình trên đất Nghệ An đã tiếp thêm sức mạnh, động viên, cổ vũ tinh thần cho toàn Đảng, toàn dân hăng say thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, phát huy các giá trị, truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng, góp phần từng bước đưa Nghệ An vượt qua những khó khăn gian khổ sau chiến tranh. Tại thời điểm lịch sử này, mặc dù đội ngũ cán bộ, phóng viên của Đài còn mỏng nhưng ngọn lửa nhiệt tâm với nghề vẫn bùng cháy. Để rồi, dẫu phải ăn sương, nằm suối, ngủ rừng, các tin bài của phóng viên từ mọi miền vẫn khá nhanh chóng được cập nhật, đến với khán thính giả.

 

Ngày 3/2/1977, khán giả ở thành phố Vinh bắt đầu được tiếp cận với thể loại báo chí truyền hình. Buổi phát sóng truyền hình đen trắng đầu tiên đã phục vụ cho 500 máy thu hình trong nội thành phố Vinh. Trong các giai đoạn lịch sử sau đó, hệ thống trang thiết bị truyền hình bắt đầu được nâng cấp, trang bị thêm, cánh sóng càng ngày càng vươn xa, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo khán giả trong tỉnh. Cùng với sự lớn mạnh về cơ sở hạ tầng, năm 1988, Đài truyền hình Vinh được chuyển về tỉnh Nghệ Tĩnh  hợp nhất  cùng với đài đài Phát thanh để trở thành Đài PT-TH Nghệ Tĩnh.

 

Ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài đã được trang bị máy phát hình màu Zona 5KW và cột ăng ten cao 76m đi vào hoạt động, tại số 01 - Nguyễn Thị Minh Khai - TP Vinh hiện nay. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng của Vô tuyến truyền hình Nghệ Tĩnh.   

 

 

Năm 1991, đài lắp đặt TVRO thu phát tín hiệu trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam qua vệ tinh, chấm dứt thời kỳ nhận các chương trình của Đài trung ương qua đường bưu chính. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, góp phần nâng cao thời lượng, chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình. Hàng ngày, trên 2 sóng đều có chương trình thời sự của Đài PT-TH Nghệ Tĩnh, nhiều chuyên mục ra đời đáp ứng nhu cầu nghe xem của nhân dân.

 

Tháng 9/1991, Nghệ Tĩnh chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, theo đó, 2 đài PT-TH Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã được hình thành riêng biệt. Tên gọi Đài PT-TH Nghệ An đã trở nên thân thuộc với khán thính giả từ thời điểm này đến tận ngày nay.

 

Trên chặng đường phát triển mới, Đài PT-TH Nghệ An liên tục đầu tư, cải tiến hệ thống trang thiết bị cũng như nâng cao chất lượng chương trình. Cùng với hệ thống máy móc thiết bị hiện có, ngày 19 tháng 5 năm 1995, Đài PT-TH Nghệ An đầu tư lắp đặt đưa vào hoạt động máy phát hình quốc gia Thomson 5KW, tiếp phát toàn bộ chương trình của Đài THVN. Sóng phát thanh, truyền hình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài THVN cũng như Đài PTTH NA đã đến được với đồng bào các dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

 

 

Từ tháng 10 năm 2004, dự án ODA của Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho Đài “Hệ thống sản xuất chương trình truyền hình kỹ thuật số” có đầy đủ phòng sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình như: thời sự, văn nghệ, chuyên đề, phim trường, xe truyền hình lưu động... đặc biệt, chuyển đổi công nghệ từ Analog sang Component - Digital với thiết bị kỹ thuật hiện đại, chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt hơn. Từ tháng 7 năm 2005, máy phát thanh FM 10W đi vào hoạt động đã phủ sóng phát thanh trên địa bàn toàn tỉnh, chấm dứt tình trạng in băng gửi đài huyện phát sóng. Đồng thời, đề án “phát triển hệ thống truyền dẫn bằng cáp quang từ đài tỉnh về các đài huyện và ngược lại” đã được triển khai, phục vụ nhanh nhạy, kịp thời chất lượng chương trình cho đông đảo khán thính giả trên khắp mọi miền, góp phần hiện đại hóa nhanh sự nghiệp phát thanh, truyền hình.

 

Một trong những sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất của Đài PT-TH Nghệ An chính là việc sóng phát thanh, truyền hình được phát trên vệ tinh Vinasat 1. Tháng 1 năm 2009, khán giả cả nước và rộng hơn là một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã có thể xem chương trình truyền hình của Đài qua sóng vệ tinh; gần một năm sau, sóng phát thanh Nghệ An cũng đã lên vinasat. Có thể nói, đây là sự kiện hết sức quan trọng về thành công  mở rộng diện phủ sóng PT-TH Nghệ An trên phạm vi toàn tỉnh, trong điều kiện địa hình nhiều núi cao, nhiều vùng lõm. Đồng thời mở ra khả năng quảng bá hình ảnh "Non xanh nước biếc" và tiềm năng phong phú của Nghệ An ra cả nước và khu vực. Bước phát triển này đánh dấu sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài trong lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành.

 

Bên cạnh việc đưa 2 sóng phát thanh, truyền hình lên vệ tinh vinasat, đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2010), trang thông tin điện tử Phát thanh - Truyền hình Nghệ An với tên miền “truyenhinhnghean.vn” đã chính thức đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của khán thính giả qua hệ thống thông tin Internet. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, đã có hơn 2,5 triệu lượt người truy cập. Như vậy, cùng với sự phát triển của hệ thống sóng điện tử phát thanh, truyền hình, báo mạng truyền hình Nghệ An đã kịp thời đáp ứng như cầu nghe, xem của khán thính giả một cách toàn diện. Sóng phát thanh, truyền hình Nghệ An đã có thể đến với công chúng tại mọi lúc, mọi nơi, trong hầu hết mọi điều kiện. Ước mơ “nâng tầm cánh sóng”, " mở rộng diện phủ sóng" đã được thỏa nguyện. Tuy nhiên, đi liền với thành công và niềm vui lín là hành trình đầy gian nan, thử thách đối với những người làm phát thanh, truyền hình Nghệ An. Bởi vì Cánh sóng vươn cao, vươn xa, chất lượng chương trình cũng theo đó phải được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu nghe xem của khán thính giả.

 

Tiếp nối những truyền thống vẻ vang mà thế biết bao thế hệ đã dày công vun đắp, đội ngũ cán bộ, phóng viên hôm nay đang từng ngày, từng giờ bám sát hơi thở của cuộc sống để nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng diện phủ sóng, tiếp tục đổi mới và khai thác có hiệu quả các nguồn lực hiện có, đầu từ và từng bước hiện đại hóa phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển trên địa bàn tỉnh nhà. Ngoài việc làm tròn chức năng tiếp phát sóng các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, hiện nay Đài PT-TH Nghệ An đã mở thêm nhiều chuyên đề, chuyên mục mới, phản ánh sinh động bức tranh toàn cảnh của tỉnh Nghệ An, được đông đảo công chúng đón nhận, đáp ứng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với tinh thần đổi mới để tiến lên, Đài PT-TH Nghệ An đã tuyên truyền mạnh mẽ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, dám nhìn thẳng và đấu tranh, phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, đồng thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, chính quyền; cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình nhân tố mới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Nghệ. Đặc biệt, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện là một điểm nổi trội của Đài PT-TH Nghệ An trong nhiều năm qua. Bằng việc xây dựng các chương trình nhân đạo phát trên hai sóng, đài đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBMT tổ quốc, văn phòng UBND tỉnh, Quỹ bảo trợ trẻ em, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội chữ thập đỏ, tỉnh đoàn, Viễn thông Nghệ An, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng... thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp với nội dung nhân đạo, từ thiện, kêu gọi được nhiều tập thể, cá nhân, những nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ được hàng chục tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo khó, người không may mắn trong những năm qua... đem lại giá trị nhân văn sâu sắc trong các cuộc vận động, được công chúng hết sức hoan nghênh. Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác sản xuất phát sóng, từ năm 2006 đến nay, đài đã hợp tác cùng với một số đài PT-TH trong nước, vận động các công ty thực hiện chương trình “vượt lên chính mình”, giúp đỡ cho 36 hộ nghèo của 14 huyện, thành thị hơn 2 tỷ đồng; chương trình “lục lạc vàng” đã giúp 24 hộ gia đình của 4 xã, thuộc 2 huyện Anh Sơn, Tân Kỳ 48 con bò, tổng giá trị gần 500 triệu đồng. Những hoạt động của Đài thực sự góp phần tích cực cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng, xứng đáng là “tiếng nói của Đảng, chính quyền, diễn đàn tin cậy của nhân dân”.

 

Nét đặc trưng của thể loại báo chí phát thanh, truyền hình là cần phải ghi lại một cách trực quan, sinh động hơi thở của cuộc sống thông qua phương tiện máy ghi âm, camera. Vấn đề này đòi hỏi những ngưòi làm báo phát thanh, truyền hình phải hết sức chịu khó, lăn lộn và bám sát cơ sở. Trong chiến tranh, phóng viên của Đài đã đạp lên bom đạn của kẻ thù để kịp thời đưa tin, tuyên truyền và cổ vũ sức chiến đấu của quân dân Nghệ Tĩnh, thì giờ đây, đội ngũ những người làm báo phát thanh, truyền hình Nghệ An đang tiếp bước thế hệ cha anh bằng việc trau dồi thêm tri thức, kinh nghiệm và bản lĩnh của người làm báo, để tại bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi vấn đề, mỗi sự kiện đều được thông tin nhanh nhạy, cập nhật trên sóng phát thanh, truyền hình. Có những vất vả, khó khăn của nghề báo, đặc biệt là đối với báo nói, báo hình. Tuy nhiên, những khó khăn ấy đã lùi lại phía sau khi bản lĩnh của những nhà báo NTV được toát lộ. Với đội ngũ cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên h¬n  515 người, sức mạnh của khối đoàn kết phát thanh - truyền hình Nghệ An như một thứ vũ khí sắc bén, một công cụ đặc biệt đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp  xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An giàu mạnh.

 

Đặc biệt, Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của Đài PT-TH Nghệ An theo quy hoạch phát triển báo chí Nghệ An đến 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Đài PT-TH Nghệ An đã và đang phấn đấu để trở thành một trong những Đài mạnh của khu vực và cả nước. Một trong những nhiệm vụ chiến lược đã được hoạch định, với việc tập trung tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng nội dung chương trình, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp nhận thông tin và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; nâng cao tính cập nhật, tính phát hiện của tin tức thời sự; chú trọng tính chuyên sâu trong tổng kết, đánh giá các vấn đề của chuyên đề, chuyên mục; đổi mới và nâng cao tính nghệ thuật, hấp dẫn trong các chương trình văn nghệ, giải trí; tăng cường nội dung và chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, góp phần xây dựng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh Nghệ An; một số chương trình, chuyên mục mới đã được mở thêm, đáp ứng nhu cầu nghe xem của khán, thính giả; được đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An ghi nhận.  

 

Hành trình 55 năm phát thanh và 35 năm truyền hình là những bước chân không mệt mỏi của đội ngũ những người làm báo nói, báo hình trên quê hương Bác Hồ. Vượt qua bom đạn của chiến tranh, đến thời kỳ dựng xây, phát triển đất nước, tiếng nói của những người làm báo phát thanh, truyền hình Nghệ An đã trở nên thân thuộc, không thể thiếu vắng của mọi người, mọi nhà. Đài PT-TH Nghệ An, cơ quan báo chí lớn nhất trong tỉnh đã thực sự trở thành công cụ sắc bén của Đảng, của chính quyền, cầu nối tin cậy của lòng dân với Đảng trong công cuộc dựng xây quê hương Nghệ An giàu đẹp.

 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, biết bao thăng trầm và đổi thay đã diễn ra trên quê hương xứ Nghệ, Đài PT-TH Nghệ An đã để lại những dấu ấn lịch sử, những kỷ niệm khó quên với những thành tích đáng trân trọng, được khắc ghi trên 2 sóng điện tử phát thanh và truyền hình. Đó là cả một quá trình cống hiến không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ, để đến tận hôm nay, khi cánh sóng đã vươn cao, vươn xa, câu chuyện về những người làm báo, phát thanh, truyền hình vẫn sống mãi trong lòng khán thính giả của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.

 

(Ngọc Dũng)