Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An với mục tiêu trở thành trung tâm thu hút đầu tư

14:54, 20/09/2011
Hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội cho nhiều địa phương và Nghệ An nói riêng những động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, một trong những lĩnh vực đã phát huy hiệu quả hết sức rõ nét ở Nghệ An trong thời gian qua là các dự án thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Với chiến lược chuyển hướng từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp và thực hiện mục tiêu đưa Nghệ

 

Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới; là tỉnh đất rộng, người đông, có bề dày về lịch sử và văn hoá, có nhiều tiềm năng lợi thế để hợp tác và phát triển. Với điều kiện tự nhiên, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng và miền núi, Nghệ An cũng hội đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa; là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam và là cửa ngõ thông ra biển Đông của Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua Cảng Cửa Lò. Nhìn tổng thể, Nghệ An hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và được đánh giá như một Việt Nam thu nhỏ. Đặc biệt, Nghệ An được Trung ương tạo nhiều điều kiện về phát triển kinh tế, nhất là khu vực miền Tây của tỉnh và phát triển thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ. Đây là cơ sở hết sức thuận lợi để Nghệ An tăng cường vận động, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

 

Các đại biểu tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An tại Gặp mặt và Tọa đàm " Nghệ An hội nhập và phát triển" (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Tiếp tục được cải thiện công tác vận động xúc tiến đầu tư và gắn với Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, Nghệ An đã ban hành nhiều quyết định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính,  tích cực quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của Nghệ An trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng... Cùng với sự đổi mới trong hoạt động thu hút đầu tư, nhằm giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, cơ hội đầu tư, các chính sách cơ chế ưu đãi, tỉnh cũng đã tập trung xúc tiến thu hút đầu tư với các đối tác trọng điểm như Mỹ, EU, khu vực Trung Đông, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư gặp gỡ, trao đổi với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các cơ quan trung ương và các doanh nghiệp nhằm lắng nghe, ghi nhận những ý kiến phát biểu, đóng góp xây dựng và đồng hành với các nhà đầu tư  trong quá trình sản xuất kinh doanh tại Nghệ An. Chương trình gặp mặt – toạ đàm “Nghệ An – hội nhập và phát triển” được tổ chức tại TP Vinh vừa qua là một hoạt động có nhiều ý nghĩa được đại diện các bộ, ngành TƯ, các tổ chức, ĐSQ và nhà đầu tư tham gia đánh giá cao. Ông Philip Stonehouse - Phó Đại sứ - ĐSQ Úc tại Việt Nam đánh giá rất cao hội nghị này: Thời gian qua, nước Úc đã viện trợ cho Nghệ An một số dự án trong lĩnh vực XĐGN, trồng rừng và trong quá trình triển khai, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm và hỗ trợ rất nhiều. Ông Philip Stonehouse cho biết thêm: Theo tôi, Nghệ An có những lợi thế so sánh tốt như có nguồn lao động dồi dào, giáo dục tốt, có hạ tầng, cảng biển và đường biên giới. Đây là thuận lợi để Nghệ An thu hút được nhiều dự án hơn nữa.

 

Còn Tham tán thương mại - ĐSQ Nhật Bản, ông Hirosumi Miyake cho biết: Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều dự án ở VN trên nhiều lĩnh vực. Ở Nghệ An, Nhật Bản đã và đang thực hiện một số dự án ODA về giao thông, về sức khoẻ sinh sản, phát triển hạ tầng nông thôn... nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của giúp địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường và tăng cường chăm sóc sức khoẻ. Tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng tốt để các công ty Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư và đã có nhiều dự án hoạt động như khai thác khoáng sản, năng lượng... Hiện nay ở huyện Quỳnh Lưu có dự án KOBECO với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD đang được tiến hành. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác và giúp đỡ của Nghệ An và sẽ tìm hiểu để tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án khác.

 

Mặc dù giai đoạn này, không riêng Nghệ An mà cả nước gặp phải khó khăn do lạm phát, suy thoái, thiên tai và dịch bệnh nhưng kết quả là số lượng dự án và số vốn đăng ký ngày vào Nghệ An ngày càng tăng. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh còn có 61 dự án viện trợ của tổ chức phi chính phủ (NGO) như Oxfam Hồng Kông, Oxfam Bỉ, CRS Mỹ, ORBIS Quốc tế…với tổng vốn 14,2 triệu USD, trong đó 43 dự án đã hoàn thành với số vốn thực hiện 7,5 triệu USD...

 

Bên cạnh đầu tư của các tổ chức, chính phủ với nhiều dự án đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, có nhiều dự án đầu tư trong nước có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã và đang hoạt động như Liên doanh mía đường Nghệ An Tate&Lyle, Dự án Chăn nuôi và chế biến sữa...., còn có các dự án lớn đang được triển khai thực hiện như Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò gắn với Khu kinh tế Đông Nam, Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Đông Hồi, Nhà máy Xi măng Tân Thắng, Dự án Trồng rau và hoa trong nhà kính...

 

Ông Graham Hansen - Tổng Giám đốc Công ty TNHH mía đường Nghệ An Tate & Lyle cho biết: Nghệ An Tate & Lyle thành lập và đi vào hoạt động được16 năm với hình thức 80% vốn của Anh quốc, 20% vốn của tỉnh Nghệ An. Chúng tôi sử dụng công nghệ tự động hoá cao, sản xuất 100 nghìn tấn đường/ năm. Thời gian đầu, chúng tôi phải thuê và đưa 60 chuyên gia từ nước ngoài sang, nhưng hiện nay thì chỉ còn 6 người. Tôi thấy, lao động ở Nghệ An có trình độ tốt, làm việc có năng suất, hiệu quả cao. Là nhà đầu tư đầu tiên đến Nghệ An, chúng tôi đã được hưởng nhiều chính sách và sự hỗ trợ to lớn của tỉnh Nghệ An và chúng tôi được ghi nhận là công ty nộp thuế lớn nhất tỉnh. Hiện nay, chúng đang tiến hành các thủ tục chuyển giao công nghệ cho người Việt Nam vì địa phương đã có thể tiếp quản được. Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều triển vọng đầu tư tiếp ở Nghệ An.

 

Thời gian qua, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Nghệ An đạt được những kết tốt. Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, ODA, NGO và từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ đáng kể. Về thu hút đầu tư trực tiếp, từ 2006 đến hết tháng 8/2011, Nghệ An có 332 dự án với tổng vốn đầu tư trên 107.480 tỷ đồng, trong đó có 23 dự án đầu tư FDI có tổng vốn đầu tư là trên 21.480 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. So với giai đoạn 2001 – 2005, số lượng dự án tăng 3,2 lần, vốn đăng ký tăng 3,86 lần. Các dự án đã và đang đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

 

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện có 19 Dự án ODA đang được triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 180 triệu USD, trong đó vốn ODA khoảng 143 triệu USD; đối ứng khoảng 37 triệu USD; vốn ODA đã giải ngân ước đạt khoảng 110 triệu USD. Bên cạnh vận động và quản lý các chương trình, dự án ODA, Nghệ An đã tích cực tham gia các hoạt động về thể chế ODA như các dự án: Theo dõi, đánh giá dự án ODA giai đoạn 1 và 2; nâng cao năng lực toàn diện về quản lý ODA; nâng cao năng lực lập kế hoạch ODA và các sáng kiến thực hiện Chương trình Nghị sự về hiệu quả viện trợ. Các cơ quan quản lý và cộng đồng hưởng lợi ODA trong tỉnh đã phát huy vai trò làm chủ đối với các chương trình và dự án ODA thông qua tham vấn cộng đồng về các nội dung liên quan của dự án. Để tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn nữa trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức đặt ra, Nghệ An cần có những chiến lược ưu tiên phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Nghệ An.

 

Ông Kimmo Lähdevirta - Đại sứ - ĐSQ Phần Lan tại Việt Nam đặt ra vấn đề: Hiện nay là Nghệ An sẽ phải cạnh tranh với nhiều địa phương năng động khác trong thu hút đầu tư. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm chính là sự rõ ràng, minh bạch, là một cửa trong cải cách hành chính. Qua hội nghị này, chúng tôi thấy Nghệ An đang làm rất tốt vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi sẽ chuyển thông điệp này đến các DN, các đầu tư của Phần Lan để Nghệ An ngày càng có nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

 

Bà Yumiko Tamura - Chuyên gia trưởng quốc gia - Ngân hàng ADB đánh giá: Sự phối hợp của tỉnh Nghệ An và các cơ quan quản lý ODA của Nhà nước Việt Nam để thực hiện các dự án trong thời gian qua rất tốt. Hiện nay, Nghệ An tập trung thu hút đầu tư về các lĩnh vực hạ tầng nông thôn, nước sạch, bảo vệ môi trường là những vấn đề phù hợp với chiến lược của chúng tôi, vì vậy, chúng tôi rất vui lòng được hợp tác với tỉnh. Nhưng để các đề xuất của địa phương có kết quả cao, tôi cũng có một vài đề xuất là tỉnh cần có kế hoạch và sự hợp tác chặt chẽ, có nguồn đối ứng tốt, các dự án phải có tính khả thi và thực thi cao, phải đáp ứng được các điều kiện và tiêu chí của ADB. Đặc biệt là cần phải đẩy mạnh cải cách chính sách, cải cách thể chế. Thực hiện tốt những nội dung này, tôn tin chắc sẽ có nhiều nhà đầu tư với những dự án đầu tư lớn tìm đến Nghệ An.

 

Trong bối cảnh khắc phục lạm phát, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư giữa các địa phương trong khu vực ngày càng có tính cạnh tranh cao, Nghệ An quyết tâm tạo nhiều cơ hội và điều kiện tối ưu để thực hiện kế hoạch thu hút đầu tư. Ngoài quan tâm đến nhóm sản phẩm có khả năng tạo nguồn thu ngân sách lớn như xi măng, bia, sử dụng nhiều lao động như CN may mặc, dự án sử dụng tiềm năng và lợi thế của tỉnh là trồng và chế biến gỗ rừng trồng, dự án chế biến nông – lâm - thuỷ sản, khoáng sản, tỉnh đã ban hành cơ chế ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng; ưu tiên các loại hình dịch vụ và công nghiệp phụ trợ để đón đầu, phục vụ các nhu cầu của 2 khu công nghiệp nặng Thạch Khê, Vũng Áng - Hà Tĩnh và Nghi Sơn - Thanh Hoá.

 

Nhu cầu vốn ODA giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Nghệ An khoảng 2 tỷ USD. Tập trung vào ưu tiên vận động các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới kết hợp xoá đói, giảm nghèo; Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội; Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai mà Nghệ An có tiềm năng. Hiện, Nghệ An đang tiếp tục vận động 8 dự án, như nâng cấp hạ tầng TP. Vinh, hệ thống thoát nước thải Thị xã Thái Hòa, phát triển nông thôn mới tại huyện Diễn Châu, Nhà máy nước Thị xã Cửa Lò...

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2011 - 2015 là huy động tối đa mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015; tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; phấn đấu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ. Do đó, trong những năm tiếp theo, thu hút đầu tư trực tiếp và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA vẫn sẽ là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra. Ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh cam kết: Nghệ An sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để xứng đáng là địa chỉ hấp dẫn, đáng tin cậy, là điểm đến của các nhà đầu tư, các nhà tài trợ.

 

Thành công của rất nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án đầu tư tại Nghệ An trong thời gian qua là bằng chứng sinh động và động lực thúc đẩy các nhà đầu tư, nhà tài trợ quyết định đến với Nghệ An, đến với quê hương Bác Hồ. Với những mục tiêu là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, quyết tâm thực hiện vận động, chắc chắn Nghệ An sẽ ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư và hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bền vững môi trường, hoàn thành mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

 

 

(Việt Anh)