Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhôn Mai xa mà gần

10:13, 01/09/2011
Với nỗ lực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong cán bộ đảng viên và sự vượt khó của người dân, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương đang khởi sắc từng ngày. Dẫu vậy, bao bộn bề vẫn còn đó đối với một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cùng với sự chung tay của nhiều cấp ngành, con đường đi lên no ấm đang ngày càng rõ dần bằng sự nỗ lực của mỗi

 

Đổi thay từ cuộc vận động lớn.

 

Để vào được trung tâm xã Nhôn Mai, nay chỉ mất ba giờ đi thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ, thay cho gần cả ngày đường vừa vượt thác, vừa phải leo dốc, lội suối như nhiều năm trước.

 

Đường vào Nhôn Mai nay đã thuận tiện và thật thơ mộng

 

Đã gần hai tháng sau cơn bão số 2 nhưng dấu tích của trận lũ kinh hoàng vẫn còn trên những ngọn cây đầy rác và những bãi đá cát ngổn ngang bên suối Huồi Hỷ, nơi trước đây là ao nuôi cá của bà con.

 

Hơn 3 năm mới được trở lại, Nhôn Mai đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng. Trường THCS, trạm y tế đến trụ sở ủy ban xã đều khang trang hơn. Cả xã có 12 bản với 100% là bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, nay đã có 3 bản văn hóa. Bí thư Đảng ủy xã Kha Dương Tiến cho biết: Mọi sự đổi thay được như hôm nay đều bắt nguồn từ việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Từ định hướng của huyện, xã quán triệt cho cán bộ cấp thôn bản trở lên học và làm theo trước. Nội dung làm theo cũng thật cụ thể, dễ nhớ. Đó là nhà cán bộ phải biết vượt khó làm giàu trước, phải phấn đấu đạt gia đình văn hóa, không được uống rượu say, không sinh con thứ ba, không có người nghiện ma túy, con em cán bộ phải đến trường chuyên cần hơn... Rồi vừa làm vừa học, bí thư, chủ tịch, trưởng các đoàn thể trong xã làm trước, đến cán bộ bản làm. Cán bộ làm tốt để vận động và làm gương cho dân bản làm theo. Ban đầu có không ít người băn khoăn, nói ra nói vào: Cán bộ đi suốt cả ngày làm sao mà lo được kinh tế cho gia đình, khó mà không để sinh con thứ 3 nếu chưa có con trai, rồi cán bộ làm sao mà từ chối uống rượu với mọi người khi về bản, nhất là trong các dịp lễ lạt...

 

Bản Thái bình yên trong nắng sớm - điểm đến hấp dẫn của du khách

 

Quả thật, chẳng có mấy việc là dễ dàng. Ấy vậy mà những gì đạt được của Nhôn Mai sau mỗi lần sơ kết 6 tháng, tổng kết cuối năm, cho đến hôm nay thật đáng phấn khởi.

 

Riêng việc cán bộ đảng viên làm kinh tế, sau khi bàn và ra nghị quyết, bí thư và chủ tịch xã đã tiên phong làm trước. Nhà neo người vì các con đều đi học xa, nhưng Bí thư Kha Dương Tiến vẫn nuôi được 20 con trâu bò, đủ tiền mua lúa gạo để không phải phát rẫy và có thêm chi phí cho các con ăn học. Nhà chủ tịch xã Vi Văn Kỳ nuôi được 6 con trâu. Anh vắng nhà luôn, nhưng được cái vợ con rất siêng năng, mấy năm nay, năm nào cùng xuất được 2- 3 tấn lợn thịt. Rồi đến bí thư chi bộ Và Khua Nứa ở bản Huồi Cọ, từ một hộ nghèo luôn thiếu đói trong mùa giáp hạt, sau mấy năm chịu khó làm ăn nay nhà ông đã có 30 con trâu bò, có hơn 1ha ao nuôi cá và làm lúa nước. Gia đình ông Học Văn Thành, trưởng bản Xói Voi cũng từ một hộ nghèo, nay đã có đàn trâu 20 con. Đảng viên Và Chắn Giờ là cán bộ y tế bản không lúc nào chậm trễ, khi trong bản có người đau ốm. Đã ngoài tuổi 50, vậy mà nhà ông vẫn nuôi được 50 con bò, khai hoang được 1ha ruộng nước. Nghe và tận mắt thấy cán bộ làm, nhiều hộ dân đã không ngần ngại vay vốn để chăn nuôi. Mới làm được 3 mùa rẫy mà hộ ông Già Xay Pó đã nhân đàn trâu bò lên tới 80 con, hộ ông Lô Văn Hùng cũng nuôi được hơn 40 con bò, đào được cả mấy sào ao thả cá. Tiếng lành đồn xa, nay cả xã Nhôn Mai đã có tới 400 hộ nuôi được nhiều trâu bò, 50 hộ đã đào được ao nuôi cá.

 

Chi bộ bản Huồi Cọ, một bản xa trung tâm xã tới gần cả ngày đi bộ đã vận động đảng viên và dân bản lập được quỹ khuyến học, vận động các hộ dân cho tất cả con em đến tuổi đi học tới lớp. Nhà khá giả hơn đã sẵn sàng cho nhà nghèo vay không tính lãi cho con cái được theo học cái chữ. Noi gương Huồi Cọ, nhiều chi bộ khác đã làm theo. Vì thế mà chưa tới ngày khai giảng, nhưng Trường THCS xã Nhôn Mai đã có 437 trên tổng số 439 em tới lớp. Lời nói, việc làm của đảng viên ngày càng được dân tin, dân mến. Cũng vì thế mà mấy năm trước việc kết nạp đảng viên còn khó khăn, thì nay chỉ riêng năm 2010, Đảng bộ xã Nhôn Mai đã kết nạp được 15 đảng viên trẻ.

 

Chủ tịch xã Nhôn Mai Vi Văn Kỳ cho biết: Xã đang có 18 em theo học THPT ở trường huyện và ở tỉnh, 4 em đang học đại học tận Hà Nội và đã có 3 sinh viên tốt nghiệp đại học nông nghiệp, đại học y trở về xã công tác. Về Nhôn Mai, từ bản ở trung tâm xã đến bản xa gần ngày đường đi bộ, dân bản ai cũng nhắc đến bác sỹ Và Bá Tủa với tất cả sự trìu mến, tin yêu. Là người con của bản Huồi Cọ, Bác sĩ Tủa về lại xã nhà đã tròn 10 năm. Trạm y tế do anh làm trạm trưởng mỗi năm khám và điều trị cho hơn 3500 lượt bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa về năng lực và tâm đức của bác sĩ trẻ người Mông cùng các đồng nghiệp ở trạm y tế Nhôn Mai đã lan xa khắp vùng. Nhiều bệnh nhân ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn và bệnh nhân ở các bản từ huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào cũng vượt núi qua điều trị tại trạm y tế Nhôn Mai. Nhờ được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên đã giảm rất nhiều. Lớp người trẻ như bác sĩ Và Bá Tủa chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sự đổi thay của vùng đất này.

 

Cũng từ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ mà đến nay, đội ngũ cán bộ xã Nhôn Mai đều đã có trình độ từ trung cấp trở lên. Hai năm nay huyện còn tăng cường về cho xã 3 kỹ sư kinh tế và nông nghiệp theo chương trình 30a. Nhờ vậy mà việc đưa các tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con dân bản đã dễ hơn. Toàn xã nay đã có 30ha ruộng nước, mỗi năm gieo cấy 2 vụ, năng suất đạt 35 tạ/ ha; tuy chưa phải là cao, nhưng nhờ đó đã giảm được việc đốt nương làm rẫy. Giống ngô lai cho năng suất cao cũng đã được bà con gieo trồng được 29 ha. Chuyện lạ mà mau quen nhất đối với bà con Nhôn Mai đó là trồng rừng. Từ đời ông đến đời cháu xưa nay chỉ biết chặt rừng, đốt nương, giờ theo cán bộ xã đi trồng rừng. Ban đầu chỉ một vài hộ trồng. Nay thì cả 12 bản đều đã có rất nhiều mô hình trồng rừng phân tán với gần 50 ha xoan và keo lấy gỗ. Màu xanh của rừng đang dần phủ kín những triền núi bạc màu nơi thượng nguồn hồ thủy điện Bản Vẽ. Lối thoát nghèo bền vững của bà con nơi vùng biên cương xa xôi đã ngày càng rộng mở, cái đích của no ấm đã và đang ngày một gần hơn.

 

Còn đó những khó khăn, trăn trở...

 

Dẫu vậy, Nhôn Mai vẫn còn là một xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Con đường đi lên no ấm còn lắm những gập ghềnh. Tới các bản, được nghe bà con phàn nàn: nghe cán bộ trồng ngô lai để cho năng suất cao, trồng khoai sọ, bí xanh thật nhiều để làm hàng hóa là trúng rồi. Nhưng ngô, khoai, bí xanh cõng từ trên nương về rât vất vả mà chẳng có ai vào mua. Bà con cũng không hiểu vì sao trâu bò đã được cán bộ thú y của bản tiêm phòng nhưng vừa rồi vẫn chết nhiều quá, có nhà chết tới 5- 7 con. Cứ nhẩm ra tiền mỗi con trâu 5-6 tuổi có giá gần 20 triệu đồng mà tiếc đến cả tháng không ngủ được.

 

Cái nghèo hiện rõ nhất ở Nhôn Mai là trên gương mặt các em nhỏ. Theo quyết định 112 của Chính phủ, học sinh bán trú thuộc diện hộ nghèo đã được nhà nước hỗ trợ mỗi tháng 140.000 đồng. Vào đêm, các em đã có điện để học bài, được xem ti vi trước giờ tự học. Nhưng những gì đã có còn thật ít ỏi đối với điều kiện học tập, sinh hoạt hàng ngày của các em. Để đến trường, rất nhiều em ở những bản xa, sát biên giới như Na Hỷ, Phà Đìa, Phà Luống phải đi bộ theo lối mòn tới hơn 7 giờ đồng hồ giữa rừng vắng. Căn nhà cấp 4 lợp tôn tuềnh toàng là chỗ trọ của gần 200 học sinh từ tiểu học tới THCS. Hành trang đi tìm con chữ là những sạp nứa thủng lỗ chỗ lát trên mấy cây rừng làm dường ngủ và những bộ quần áo, chăn màn cũ sờn treo vắt ngổn ngang. Hàng tuần, với 3-4 cân gạo, ít muối trắng gùi từ nhà tới và may mắn có thêm vài chục ngàn đồng bố mẹ cho, từng nhóm nhỏ các em góp lại nấu ăn chung. Củi và rau tự hái lượm lấy bên các bìa rừng quanh trường học. Hôm chúng tôi đến đúng vào giờ các em ăn trưa. Từng nhóm ba, bốn em ăn chung một nồi cơm nhỏ, không bát đũa, và không có gì hơn ngoài bát nước muối pha loãng.  Nhóm học sinh nữ “sang” hơn một chút nhờ có thêm nồi rau rừng nấu với mì tôm làm canh. Không thể tìm thấy một nét mặt hồn nhiên, thơ ngây, bởi hàng ngày các em cứ luôn phải tính toán sao cho đủ gạo ăn trong tuần; phải sắp xếp thời gian ngoài giờ học để đi kiếm củi và tìm thêm rau rừng cho bữa ăn được no hơn.

 

Gạo cứu trợ của nhà nước đến với bà con sau cơn bão số 2

 

Về Nhôn Mai đúng vào dịp bà con từ các bản ra xã nhận gạo cứu trợ sau cơn bão số 2. Nhận được mấy chục cân gạo, nhiều người đã gùi vào trường cho con đủ ăn được mấy tháng. Cũng đã có một số cơ quan vượt sông suối tới tặng sách vở cho các em vào dịp khai giảng năm học mới. Nhưng những gì hiện hữu trong học tập và sinh hoạt hàng ngày của các em làm cho bất cứ ai được chứng kiến cũng phải nhói lòng. Với điều kiện sinh hoạt để học tập của thế hệ chủ nhân tương lai như thế thì cái đích thoát nghèo đối với Nhôn Mai cũng như nhiều xã vùng sâu, biên giới của Nghệ An chắc vẫn còn xa vời vợi.

 

Lối thoát nghèo đã mở?

 

Lối đi nào để Nhôn Mai sớm thoát được nghèo? Trong câu chuyện về xây dựng nông thôn mới, nghe Bí thư Kha Dương Tiến và chủ tịch xã Vi Văn Kỳ trao đổi mà thấy vui. Nhôn Mai đang tập trung việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tới năm 2020; trong đó sẽ chú trọng khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa các dân tộc. Chợt nhớ tâm sự của Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hồ Cảnh. Anh cho biết, từ khi xây dựng thủy điện Bản Vẽ, lãnh đạo huyện đã nhìn thấy tiềm năng của các xã vùng lòng hồ. Hiện tại huyện đang nghiên cứu đề án phát triển kinh tế - văn hóa gắn với từng bước mở tua du lịch sinh thái tại vùng này. Để khai thác nhanh tiềm năng cho phát triển, Bí Thư huyện ủy Lương Thanh Hải cũng đang cùng một nhóm kỹ sư ra tận Hòa Bình, Yên Bái tìm hiểu kinh nghiệm nuôi cá lòng hồ để về triển khai trên hồ Bản Vẽ.

 

Theo đề án, huyện sẽ sớm thành lập đơn vị làm du lịch, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, xây dựng và đưa tua du lịch lòng hồ - thượng nguồn Bản Vẽ vào khai thác. Các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông và Mai Sơn rồi đây sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách không kém gì Pù Mát ở Con Cuông. Các dịch vụ như du thuyền ngắm cảnh rừng núi, câu cá trên lòng hồ, thăm và nghỉ lại ở những nếp nhà sàn xinh xắn bên những triền núi, những dòng suối trong xanh sẽ được mở. Đến đây du khách có thể tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt văn hóa của bà con, thưởng thức các món đặc sản không đâu ngon bằng như cá mát thượng nguồn suối Huồi Hỷ, lợn đen, gà đen, dưa rau vừa đưa về từ nương rẫy. Du khách cũng sẽ được đắm mình vào không gian văn hóa của các dân tộc nơi đây, như tham quan và mua các sản phẩm từ làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, thưởng thức điệu múa khèn hấp dẫn của người Mông, đắm mình trong tiếng sáo tầng quyến rũ của người Khơ Mú. Tất cả những đặc trưng văn hóa này đã và đang được huyện, xã cùng bà con tập trung khôi phục và phát triển.

 

Tiếp sức cho các em trên hành trình đi tìm con chữ

 

Những viễn cảnh ấy hy vọng sẽ thành hiện thực. Bởi từ hôm nay, chúng tôi cảm nhận được nỗ lực của cấp ủy chính quyền Tương Dương, của mỗi cán bộ đảng viên và từng người dân Nhôn Mai. Cạnh đó, để Nhôn Mai và cả huyện Tương Dương sớm thoát nghèo, cần lắm sự chung sức nhiều hơn nữa của các cấp các ngành, các địa phương có điều kiện tốt hơn; từ những việc làm cụ thể của các tổ chức đoàn đội, trường học ở thành phố, thị trấn như quyên góp giúp đỡ đồ dùng học tâp, sách giáo khoa, quần áo cho các em; sự chung tay của các cơ quan doanh nghiệp sớm dựng cho các em một căn nhà bán trú đủ che sương núi và gió lạnh; để bắc cho các em một cây cầu nhỏ trước mùa mưa lũ. Cần lắm việc cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng nhà nước về xóa đói giảm nghèo cho bà con, từ kế hoạch làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cho vay vốn đến bao tiêu các sản phẩm; Từ việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chỗ và tăng cường cán bộ có trình độ, tâm huyết về cơ sở giúp địa phương trong quy hoạch và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đến việc tăng cường kiểm tra đôn đốc của tỉnh, huyện đối với cơ sở. Tất cả nhằm sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực hỗ trợ và phát huy tốt nhất các tiềm năng sẵn có tại địa phương.

 

Vẫn còn đó nhiều khó khăn vất vả, nhưng làm được như vậy, mục tiêu vươn tới no ấm, giàu mạnh đối với Nhôn Mai và cả miền biên cương xa xôi, trọng yếu này sẽ là rất gần trong một tương lai không xa.

 

(Nguyễn Như Khôi)