Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phật giáo Nghệ An vì sự phồn thịnh của quê hương

09:46, 26/09/2011
Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam đến nay đã trải qua hơn 2.000 năm lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên. Bởi Phật giáo là một tôn giáo từ bi, bình đẳng, vị tha rất gần với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Phật giáo đã góp phần bỗi dưỡng tâm hồn nhân hậu cuả con người Việt với

 

Tiếp nối dòng chảy 2000 năm ấy, phật giáo đã được hưng phát tại đất Nghệ An. Mỗi làng xã đều có chùa để thờ phật, đặc biệt khi vua Trần Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân Nguyên Mông, nhiều ngôi chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều biến đổi thăng trầm nhưng phật giáo vẫn luôn tồn tại trong lòng người dân xứ Nghệ và là mạch nguồn dòng chảy từ ngàn năm của phật giáo trên dải đất Việt Nam.

 

Với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Phật giáo luôn hoà trong dòng chảy của dân tộc, cùng chung tay góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc. Từ trên đỉnh núi Đại Huệ với độ cao hàng trăm mét so với mặt nước biển, chúng ta có thể thấy một vùng non nước hữu tình, một không gian hùng vĩ, linh thiêng và thanh tịnh không chỉ của Nghệ An mà còn của cả nước. Bởi ngôi chùa Đại Tuệ đã ẩn mình trên vùng đất thiêng từ rất lâu đời. Thời vua Mai Hắc Đế, năm 627 đã chọn đất xây nên ngôi chùa này. Sang thế kỷ 15 Hồ Quý Ly đã trùng tu xây lại khang trang để thờ phật bà Đại Tuệ, người giúp ông xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc giữ nước. Đến năm 1789 Hoàng Đế Quang Trung trên đường thần tốc ra Thăng Long đại Phá quân Thanh đã chọn vùng đất thuộc khu vực chùa Đại Tuệ làm nơi đóng quân, luyện binh và dâng hương lễ phật. Sư trụ trì chùa Đại Tuệ thời đó còn giúp Quang Trung tìm ra con đường ngắn nhất ra thành Thăng Long.

 

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn

 

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, các tăng ni phật tử đã trực tiếp tham gia cách mạng, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi dấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào kháng chiến… như chùa Ân Hậu và nhiều chùa khác nữa. Tất cả những hy sinh đó đã góp phần vào sự thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 

Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn kẻ thù  cộng với những nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân, nhiều đền chùa ở Nghệ An đã bị tàn phá, giờ  trở thành phế tích. Theo số liệu thống kê, trước đây trên địa bàn Nghệ An có tới gần 500 ngôi chùa nhưng đến nay Nghệ An chỉ còn dấu tích của hơn 50 ngôi chùa. Trong đó, gần 30 ngôi chùa được đã UBND tỉnh ra quyết định trùng tu phục hồi. Song, cùng với sức sống bền bỉ của con người xứ Nghệ phật giáo trên đất Nghệ An vẫn tồn tại, phát triển trong lòng nhân dân. Không có nhiều nơi chốn để tu tâm hướng phật nhưng người dân vẫn tìm đến với giáo lý nhà phật, bằng cách tự thành lập nên những đạo tràng riêng, để hướng tâm mình về với phật pháp, chỉ là những ngôi nhà nhỏ, hay một chốn chân tu đơn sơ nơi quê nghèo nhưng họ xem đó là bến đậu bình yên của tâm hồn mỗi người giữa cuộc sống đời thường nhiều toan lo.

 

Chùa Cần Linh tại thành phố Vinh vẫn còn lại tương đối nguyên vẹn, là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì từ lâu nay. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 9 tổ chức hệ phái Phật Giáo. Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh là Thích Diệu Niệm đã được suy cử tham gia Uỷ viên hội đồng trị khoá I. Sư Thích Diệu Niệm với Đạo Tâm sáng ngời đã trở thành tấm gương soi của tăng ni phật tử 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thời đó. Sư đã cùng chính quyền địa phương tham gia nhiều phong trào yêu nước, lợi lạc quần sinh, minh xương Chánh Pháp. Trong quá trình phát triển phật giáo đàng Trong (Từ Quảng Bình ra Thanh Hoá) Chùa Cần Linh là điểm dừng chân của Chư tôn đức Trung ương giáo hội trong mỗi chuyến hành hương Phật sự và là cầu nối đạo pháp với Phật giáo các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Kế tiếp truyền thống “tốt đời đẹp đạo” do Ni trưởng Thích Diệu Niệm xây dựng nên, Chùa Cần Linh hôm nay do Ni cô Thích nữ Diệu Nhẫn làm trụ trì đã giữ vững và phát huy được điều đó, trở thành điểm đến tâm linh của người dân xứ Nghệ nói chung, người dân thành phố Vinh nói riêng. Ngôi chùa đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo khang trang và to đẹp hơn. Bên cạnh đó các tăng ni phật tử của chùa còn có nhiều chương trình làm từ thiện giúp người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt với tinh thần từ bi hỷ xả của Đạo Phật.

 

Chùa Cần Linh là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì từ lâu nay

 

Có thể nói, những năm gần đây phật giáo đã và đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có ảnh hưởng thiết thực đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nói chung, nhân dân xứ nghệ nói riêng. Bởi tín ngưỡng đạo phật đã đi sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. hướng tâm hồn các tăng ni phật tử đến với những việc làm tốt đẹp, ích đời, lợi đạo. Dù đời sống người dân xứ Nghệ còn nhiều  khó khăn nhưng các tăng ni phật tử vẫn luôn sát cánh, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Mặc dù hiện nay, trên đất Nghệ An, nhiều ngôi chùa đã trở thành phế tích và chỉ có thể phục dựng được một số ngôi chuà nhất định song trong tín ngưỡng của người dân xứ Nghệ, đức phật vẫn tồn tại và giáo lý nhà phật vẫn được xiển dương như chùa Cần Linh, chùa Ân Hậu thành phố Vinh, Chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn, Chùa Lô Sơn ở Cửa Lò, Chùa Viên Quang, Đức Sơn, Vĩnh Phúc ở Nam Đàn… Đặc biệt, ngôi chùa Đại Tuệ nằm trên dãy núi Đại Huệ đã được phê duyệt trùng tu rất quy mô với 4 hạng mục chính. Chùa trình, chùa hạ, chùa trung và chùa thượng. Công trình mang nét kiến trúc văn hóa truyền thống, hài hòa với không gian thanh tịnh và có giá trị hết sức thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học phật pháp của tăng ni phật tử Nghệ An và cả nước.

 

Cùng với các tăng ni phật tử Xứ Nghệ, thời gian qua Giáo hội phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực có sức lan toả trong tâm thức người dân địa phương. Như tổ chức long trọng các đại lễ cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại nghiã trang liệt sỹ Việt Lào huyện Anh Sơn. Lễ cầu siêu như một sự tri ân sâu sắc, là nén tâm nhang mà thế hệ hôm nay đã gửi đến các anh- những người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc.

 

Có thể nói, với những bài học mang đậm chất nhân văn trong giáo lý nhà phật ngay từ buổi đầu đã đồng điệu cùng trái tim nhân hậu của con người Việt Nam, đồng điệu cùng những tâm hồn giàu thương xót và chia sẻ. Đức phật đã dạy rằng: “cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc”, cứu một người phúc đẳng hà sa... Đó chính là vẻ đẹp luôn được đức phật răn dạy để hướng tâm hồn con người đến những giá trị đích thực của Chân - Thiện - Mỹ.

 

Bên cạnh những tín ngưỡng tâm linh khác thì tìm đến giáo lý nhà phật, tìm đến chốn thanh tịnh của nhà phật, dâng nén hương thành kính lên đức phật từ bi là việc làm mà nhiều người dân hướng về trong cuộc sống hối hả xô bồ như một bến neo đậu bình yên cho tâm hồn. Con người tìm đến với Đức phật mỗi lúc mệt mỏi cần sự chở che như một liều thuốc an thần hữu hiệu cho mỗi người trước những bộn bề lo toan của cuộc sống hiện đại. Điều đó giải thích vì sao Phật giáo đang ngày càng có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt nói chung, nhân dân xứ Nghệ nói riêng.

 

Chính vì vai trò to lớn đó của Phật giáo. trong đời sống tâm linh mà điều quan trọng và thật sự cần thiết lúc này là phải có một tổ chức chính thức, một ban trị sự phật giáo để quản lý cũng như kiện toàn bộ máy phật pháp. Đề ra những chương trình hành động cụ thể hướng các tăng ni phật tử ở Nghệ An vào những hoạt động có tổ chức, có ý nghĩa, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước quê hương. Nhận thức được vị trí quan trọng của Phật giáo Nghệ An trong quá trình hình thành và phát triển phật giáo nước nhà, trong chương trình nghị sự và nghị quyết tại các hội nghị Trung ương, giáo hội phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất và luôn quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức kiện toàn nhân sự, phát triển phật giáo Nghệ An.

 

Với phương châm hoạt động: Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tin rằng, sau khi Đại hội phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất nhiệm kỳ (2011- 2016) thành công tốt đẹp, các tăng ni phật tử xứ Nghệ sẽ góp phần tích cực cùng với đảng bộ, chính quyền mặt trận và các tầng lớp nhân dân xây dựng tỉnh Nghệ An ngày một văn minh giàu đẹp, ổn định và bền vững, xứng đáng là quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh. Phật giáo Nghệ An đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc hướng tới một tương lai tươi sáng với nhiều hoạt động ích đời lợi đạo, vì sự phồn thịnh của quê hương.

 

(Khánh Ly)