Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phía sau những báo cáo và đề án...

09:34, 13/10/2011
Từ các bản báo cáo về tình hình, kết quả một vấn đề, lĩnh vực nào đấy, các cấp ủy, chính quyền hay ngành chức năng sẽ có căn cứ để đề ra các giải pháp, đề án thực hiện. Báo cáo càng sát đúng với tình hình thực tiễn thì đề án, giải pháp đưa ra càng mang tính khả thi cao. Thế nhưng trên thực tế, có lúc, có nơi báo cáo đã không phản ánh đầy đủ tình hình thực tiễn. Và cũng đã có

 

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của tỉnh đánh giá: 10 năm qua, các sở ban ngành, đoàn thể đã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị có các hoạt động phối hợp với ngành y tế thực hiện chiến lược quốc gia dinh dưỡng của tỉnh; đã đào tạo, tập huấn được gần 45.000 lượt cán bộ các cấp. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi trẻ dưới 5 tuổi giảm 1.63%/ năm. bình quân đầu người thực phẩm chính đạt: thịt cá các loại 30kg/ năm, cá tôm 7kg/ năm, đường mía đạt 4,3 kg/ năm…

 

Thế nhưng, có một thực trạng mà chúng ta không khỏi không lo lắng về những tác động tiêu cực đối với sự phát triển về thể chất và trí lực của một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay. Dễ nhận thấy là tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Ở nông thôn, nhất là những vùng chiêm trũng và ven biển, quy mô dân số ngày càng tăng, diện tích đất ở và đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, việc quy hoạch chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh  nhiều nơi chưa được quan tâm. Rác thải, nước thải từ khu dân cư không được xử lý an toàn đang là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương. Trên nhiều bản làng ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong..., nạn khai thác khoáng sản bừa bãi đã làm cho những dòng suối, lòng sông vốn trong xanh, nay 4 mùa đục ngầu bùn đất và chất thải công nghiệp, có nơi người dân đã kiến nghị nhiều, nhưng tình trạng vẫn không mấy biến chuyển.

 

Về một số vùng rau ở một số địa phương, được biết, nhiều người dân ở đây ngoài một khoảnh rau nhỏ cho gia đình mình, số diện tích rau hàng hóa đều được phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng. Chưa biết độ độc hại của thuốc như thế nào, nhưng nếu gánh rau đi chợ về không bán hết, thì họ chỉ có một cách duy nhất là... đổ ra bãi rác.

 

HS tiểu học ngày nay phải "cõng" cặp sách tới trường (Ảnh: Dân trí)

 

Ở thành phố, dường như cái cặp sách đến trường của các em học sinh bậc tiểu học ngày càng nặng hơn. Thay cho chiếc cặp nhẹ nhàng, tung tăng, giờ các em phải dùng cả ba lô, trong đó cùng với hàng chục cuốn sách vở là nước uống, thức ăn nhanh... Mỗi cái ba lô nặng bằng nửa trọng lượng của một học sinh lớp 1. Vì thế, các nhà sản xuất đã “sáng tạo” nên một loại cặp sách như chiếc va li kéo của hành khách ra sân bay. Một “sáng tạo” dường như chỉ có ở Việt Nam?! Và cái cảnh sau một ngày học ở lớp, nhiều đứa trẻ lại tiếp tục được bố mẹ chở ngay tới các trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao. Rời trung tâm ngoại ngữ, các em lại phải tới nhà thầy giáo dạy thêm môn toán. Bữa ăn tối và giấc ngủ muộn màng, mệt nhọc chỉ đến với các em khi tất cả các bài tập về nhà được hoàn thành. Nhiều em nhỏ hỏi cô giáo: Không biết cái ông ĐTM là ai mà em khổ thế, tới bữa ăn, hết mẹ rồi đến bố đều dọa: nếu không vào được trường ĐTM, mày đi đâu thì đi, đừng về cái nhà này nữa. Lo cho tương lai của con hay chính các ông bố bà mẹ đang làm khổ con mình vì sự sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp, với dòng họ?!

 

Kết quả khảo sát mới đây của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh về y tế, vệ sinh học đường ở một số trường học vào loại khá trở lên ở thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc đã cho những đánh giá khiến nhiều người phải dật mình. Đa số các phòng học thiếu độ chiếu sáng nhân tạo cần thiết, nhất là vào mùa đông, mùa mưa. Cơ sở vật chất trang thiết bị khu bếp ăn nghèo nàn, đội ngũ nhân viên y tế thiếu về số lượng và không đảm bảo chất lượng chuyên môn. Hầu hết các công trình vệ sinh đã xuống cấp, chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh. Kết quả kiểm tra của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh vào cuối năm 2010 cũng cho thấy: chỉ có 60/ 180 trường tiểu học, 50/ 145 trường THCS được kiểm tra có đủ nước uống đảm bảo vệ sinh cho học sinh, chỉ có 90/ 180 trường tiểu học, 80/145 trường THCS sử dụng bàn ghế đúng quy cách. Trong số 353 trường học được kiểm tra thì tất cả đều có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành không đạt tiêu chuẩn. Với thực trạng đó, việc hàng ngàn học sinh ít nhiều mắc các bệnh học đường như cận thị, vẹo cột sống là điều dễ hiểu.

 

Cuộc sống thường ngày của của HS vùng cao Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Như Khôi)

 

Tại một trường THCS của huyện Tương Dương, chỗ ở bán trú của gần 200 em là một căn nhà cấp 4 lợp tôn tuềnh toàng. Hàng tuần, với 3-4kg gạo, ít muối trắng gùi từ nhà tới và may mắn có thêm vài chục ngàn đồng bố mẹ cho, từng nhóm nhỏ các em góp lại nấu ăn chung. Bữa ăn của các em là một nồi cơm nhỏ, bát nước muối pha loãng và không bát đũa. Nhóm học sinh nữ “sang” hơn một chút nhờ có thêm nồi rau rừng nấu loãng làm canh. Theo số liệu của Sở Giáo dục đào tạo, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 6000 học sinh miền núi, biên giới đang theo học tại 60 điểm trường theo hệ bán trú dân nuôi. Nhà bán trú cho các em là những túp lều được phụ huynh dựng tạm bợ bên những triền núi, ven đường gần trường học. Hành trang đi tìm con chữ của các em là những sạp nứa thủng lỗ chỗ lát trên mấy cây rừng làm dường, những bộ quần áo, chăn màn không thể sờn và cũ hơn. Những chủ nhân của miền biên cương xa xôi này sẽ trưởng thành về thể chất và tri thức như thế nào, khi hàng ngày các em cứ luôn phải tính toán sao cho đủ gạo ăn trong tuần, làm sao cho bớt cái lạnh của sương núi về đêm? Chợt nhớ, một trong những giải pháp để xóa nghèo bền vững theo NQ 30A cho các địa phương đặc biệt khó khăn như Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong là xuất khẩu lao động. Như vậy, có thể hình dung về đội ngũ những lao động trẻ từ miền núi Nghệ An ra nước ngoài làm việc sẽ là những người có thể lực yếu, trình độ học vấn thấp, kiến thức pháp luật thiếu. Họ sẽ làm gì ngoài những nghề lao động tay chân, thu nhập thấp. Và việc không ít người vi phạm pháp luật ở nước sở tại là điều không mấy khó hiểu.

 

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2001- 2010, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu ngành Giáo dục đào tạo cần khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án đảm bảo “3 đủ” ( đủ ăn, đủ mặc ấm và đủ sách giáo khoa) cho tất cả học sinh tiểu học và THCS các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh. Chủ trương đúng đắn ấy đã thắp lên hy vọng cho nhiều người về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em. Đề án thực hiện “3 đủ” cũng như các chương trình về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tải trong giáo dục... đều là những giải pháp quan trọng cho việc nâng cao thể lực, trí lực của trẻ em nói chung, và cho trẻ em nơi vùng cao, biên giới nói riêng. Nhưng cứ băn khoăn một nỗi là từ chủ trương tới kết quả vẫn thường là một chặng rất dài. Bởi ngay vừa kết thúc cuộc họp Ban chỉ đạo Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng của tỉnh, không ít người đã phải vội về chuẩn bị nội dung cho những cuộc họp Ban chỉ đạo của trên dưới 10 chương trình liên ngành khác, mà họ là thành viên không thể thiếu.

 

(Nguyễn Như Khôi)