Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Một dự án giàu tính nhân văn

09:44, 01/11/2011
Với mục đích xây dựng được mô hình xã hội hoá công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi một cách bền vững, tổ chức hội Người cao tuổi Quốc tế đã phối hợp cùng hội Liên hiệp phụ nữ VN, người Cao tuổi Việt Nam, trung tâm Nghiện cứu trợ giúp người cao tuổi xây dựng dự án “thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam” do tổ chức Atlantic philanthropies

 

  
(Ảnh minh họa)  

Là một nước đang phát triển, Việt Nam hiện phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến người cao tuổi (NCT) như: số lượng NCT tăng nhanh, đời sống  NCT còn thấp, chủ yếu là ở mức nghèo và cận nghèo, hầu hết NCT có sức khoẻ kém. Họ ngày càng sống thu mình hơn và rất ít tham gia các hoạt động xã hội.

 

Nghệ An hiện có 33 vạn người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số toàn tỉnh. Đồng thời theo dự kiến số lượng người cao tuổi sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới bởi xu hướng già hóa dân số như hiện nay.

 

Bên cạnh đó, nhiều NCT không có cơ hội được trang bị kiến thức về chăm sóc sức khoẻ hoặc hiểu biết về tình trạng sức khoẻ của mình, điều đó dẫn đến việc tăng nguy cơ nhiễm các bệnh mãn tính. Đồng thời một xu thế hiện nay là sự di cư của hàng loạt thanh niên nông thôn ra thành phố tìm việc. Họ để lại bố mẹ già và những đứa con thơ dại ở quê. Điều này sẽ làm tăng sự đơn độc của người già ở vùng nông thôn. Và đần dần người cao tuổi ít được con cái chăm sóc hơn những thế hệ trước.

 

Từ thực tế đó, dự án “thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi” ra đời với mục đích cải thiện chất lượng sống của NCT nghèo và thiệt thòi ở Việt Nam thông qua trao quyền cho họ và cộng đồng của họ. Dự án được thực hiện bước đầu tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong thời hạn 53 tháng.  

 

 

Tại Nghệ An, dự án được thực hiện ở 4 huyện là Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Với 40 Câu lạc bộ ở các thôn xóm có số người cao tuổi sống ở mức Nghèo và cận nghèo cao, dự án được triển khai về cơ sở dưới hình thức thành lập các Câu lạc bộ “liên thế hệ tự giúp nhau”. Đối tượng được tham gia bao gồm 70% người cao tuổi, và 30% là người trẻ tuổi. Trong đó ,số nghèo và cận nghèo chiếm 70% và 30% còn lại là những thành viên có kinh nghiệm sản xuất, có sức khỏe và kiến thức chung để có thể hỗ trợ giúp đỡ các thành viên khác trong câu lạc bộ cùng vươn lên. Nội dung sinh hoạt rất phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn và đặc biệt thiết thực cho người cao tuổi như hoạt động nâng cao năng lực; Cung ứng hỗ trợ tăng thu nhập cho các thành viên bằng hiện vật, thúc đẩy nâng cao đời sống các hộ gia đình; Đào tạo và đào tạo tại chỗ các kiến thức cơ bản về kỹ thuật nghề để phục vụ cho hoạt động chăn nuôi hay kinh doanh; Phố biến kiến thức về thông tin sức khoẻ, cách phòng bệnh kinh niên và chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi; Cung cấp thẻ bảo hiểm y tế và những hỗ trợ xã hội cho các nhóm người cao tuổi thiệt thòi.; Khám sức khoẻ miễn phí cho thành viên câu lạc bộ ít nhất 2 lần/năm.

 

Ở Thanh Chương, các đợt khám sức khỏe miễn phí cho các thành viên của 2 câu lạc bộ “liên thế hệ tự giúp nhau” tại xã Võ Liệt huyện Thanh Chương đã mang lại niềm vui và lợi ích rất thiết thực cho người cao tuổi. Bởi người cao tuổi sống ở nông thôn rất ít có điều kiện đi khám sức khỏe định kỳ. Thường thì đến lúc có bệnh, thậm chí bệnh nặng mới đi kiểm tra, dẫn đến sự cứu chữa không kịp thời và tốn kém, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống không chỉ của họ mà cả của con cháu họ. Cho nên việc dự án được triển khai với những nội dung thiết thực như thế này thực sự có ý nghiã to lớn đối với người cao tuổi ở các địa phương được tham gia dự án.

 

Song song với việc khám sức khỏe thì các hoạt động nhằm nâng cao năng lực nhận thức cho người cao tuổi về nhiều lĩnh vực như kiến thức về sức khỏe, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cũng được đẩy mạnh tuyên truyền. Vai trò người cao tuổi trong gia đình là hết sức quan trọng. Bởi phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam là chủ gia đình, là chủ sở hữu và còn là người tổ chức mọi mặt của đời sống gia đình. Chính họ là người gìn giữ gia phong, chuẩn mực của lối sống có văn hóa biết kính trên nhường dưới của con cháu, là tấm gương phản chiếu nền nếp gia đình, với những việc làm, cử chỉ hành vi mẫu mực của họ đã thuyết phục con cháu, tạo niềm tin và sự kính trọng cho các thành viên trong gia đình. Vì thế, nếu người cao tuổi khỏe mạnh, có kiến thức, và tích cực đóng góp để nâng cao đời sống cả về vật chất, tinh thần cho con cháu thì bản thân họ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân mà cố gắng vui sống, trường thọ.

 

Nội dung Dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi” đã phần nào giúp người cao tuổi khắc phục được những yếu điểm của mình để phát huy thế mạnh, đóng góp công sức mình cho gia đình và xã hội. Một nội dung quan trọng nữa của dự án đó là hoạt động tăng thu nhập; tức hỗ trợ người cao tuổi vay vốn và trang bị cho họ kiến thức để làm kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Với mức hỗ trợ nguồn vốn cho mỗi Câu lạc bộ là 100 triệu đồng. Các thành viên trong câu lạc bộ tự giúp nhau vay vốn bằng hiện vật để trực tiếp sản xuất tăng thu nhập. Không chỉ cho người cao tuổi vay mà còn giải quyết cho nhiều thế hệ trong gia đình thành viên vay vốn (nếu gia đình đó có đủ điều kiện vay theo quy định của dự án).

 

Cả ông Hoàng Minh Giáp, bà Đặng thị Luận ở thôn Liên Kỳ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đều tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ “liên thế hệ tự giúp nhau”. Ông bà được vay 3 triệu đồng để mua con giống về chăn nuôi. Cùng với tiềm lực sẵng có, ông bà đã đầu tư chuồng trại để nuôi gà, nuôi ngan. Từ số tiền ít ỏi mua con giống ban đầu, đến nay sau một thời gian chăn nuôi, gia đình đã có hàng trăm con giống, cho thu nhập cao. Còn gia đình bà Phan thị Nhiễm cũng ở thôn Liên Kỳ, xã Võ Liệt, Thanh Chương lại được vay nguồn vốn từ dự án để giúp con cái đầu tư vào hệ thống hầm biôga, vừa tránh ô nhiễm môi trường, vừa cung cấp nguồn ga đốt rất lớn phục vụ gia đình.

 

Hay như gia đình ông Dương Văn Quế, Nam Thanh, Nam Đàn cũng được vay 3 triệu đồng đầu tư trồng hoa Thiên Lý. Được trang bị kiến thức cần thiết về trồng trọt, nguồn vốn bỏ ra ban đầu không nhiều nhưng mỗi vụ ông cũng thu hoạch được hơn 6 triệu đồng. Ông còn đúc kết được những kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ với các thành viên trong câu lạc bộ về cách để trồng hoa Lý đạt hiệu qủa cao.

 

Trong buổi giao lưu gặp gỡ của các thành viên tiêu biểu tham gia hoạt động tăng thu nhập đạt hiệu quả cao do Ban đại diện dự án huyện Nam Đàn tổ chức, tất cả các thành viên tiêu biểu được chọn lựa từ 10 câu lạc bộ trong toàn huyện đã tham gia phát biểu về thành quả mình thu được và kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ đó. Buổi gặp mặt đã giúp các thành viên học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời rèn luyện cho người cao tuổi khả năng nói chuyện trước đám đông, tránh sự rụt rè e ngại. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy họ tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Khẳng định họ luôn là người có ích cho gia đình và xã hội.

 

Không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong vay vốn làm kinh tế, câu lạc bộ “liên thế hệ tự giúp nhau” còn có một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm giàu tình nhân ái, đó là các thanh viên trong câu lạc bộ tình nguyện giúp đỡ chăm sóc người già neo đơn, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tình nguyện viên đến với gia đình mình nhận chăm sóc hàng ngày, một cách thường xuyên đều đặn. Chăm sóc họ như những người thân trong gia đình.

 

Chính thức được triển khai từ tháng 3/ năm 2010, đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện ở Nghệ An, dự án “Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi” đã thu được những kết quả rất khả quan. Có gần 900 thành viên trong các câu lạc bộ được tham gia vay vốn trong hoạt động tăng thu nhập, với 2,4 tỷ đồng. Nguồn lãi thu về tính đến tháng 9.2011 là hơn 100 triệu đồng; ngoài ra các thành viên của CLB tự đóng góp tiết kiệm tiền của mình cho CLB  để cho vay thêm được 76 người với số tiền gần 100 triệu đồng. Đối với hoạt động nâng cao sức khỏe thì đã có hơn 300 buổi truyền thông tư vấn cho người cao tuổi; Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho gần 800 thành viên từ nguồn quỹ của dự án. Những kết quả trên đã phần nào khẳng định được tác dụng toàn diện và tính nhân văn sâu sắc mà dự án mang lại cho người cao tuổi. Giúp họ cải thiện cả về đời sống vật chất và tinh thần bằng các hoạt động mang tính cộng đồng cao. Đồng thời Chất lượng sống của Người cao tuổi được cải thiện rõ nét. Khẳng định được vai trò, tiếng nói của họ trong cuộc sống.

 

Có thể nói, kính trọng, biết ơn và chăm sóc người cao tuổi là một giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Chăm lo tạo điều kiện để người cao tuổi có cuộc sống mạnh khoẻ, hạnh phúc, phát huy được khả năng đóng góp phù hợp của mình cho gia đình, cộng đồng, đất nước là trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức, từng cộng đồng và mỗi gia đình. Dự án sẽ là một tiếng nói riêng khẳng định vị trí người cao tuổi trong gia đình và xã hội.

 

(Khánh Ly)