Dân số Nghệ An - 50 năm một chặng đường
50 năm trước, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam đang phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là Xây dựng CNXH ở MB và đấu tranh giải phóng dân tộc ở MN để thống nhất đất nước. Hội đồng chính phủ đã thông qua một quyết định đặc biệt, đó là quyết định số 216, về việc “ sinh đẻ có hướng dẫn” do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 26/12/1961. Theo đó đồng loạt các địa phương trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã tiến hành triển khai thực hiện quyết định quan trọng và mang tầm chiến lược này.
Ngay từ văn bản pháp quy đầu tiên của nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ, tính nhân văn của quyết định đã được thể hiện rõ nét, bằng những lời lẽ hết sức thuyết phục: Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp. Đây là nền tảng là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cuả công tác dân số- KHHGĐ ở Việt Nam. Để kỷ niệm sự kiện này, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định và lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.
(Ảnh minh họa) |
Có thể nói, 50 năm là một chặng đường dài với biết bao thăng trầm, biến đổi, sự phát triển của công tác DS- KHHGĐ Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã trải qua rất nhiều bước chuyển quan trọng với những tên gọi khác nhau. Từ tên gọi ban đầu là “Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em” đến năm 1975 đổi thành “Trạm bảo vệ bà mẹ và sinh đẻ kế hoạch”; năm 1984 chuyển thành “Ủy ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ kế hoạch”; Năm 1989 là “ Cơ quan chuyên trách Ủy ban DS- KHHGĐ; năm 2001 là “ủy ban DS, GĐ&TE; Và từ năm 2008 cho đến nay với tên gọi “ Chi cục DS- KHHGĐ”…
Mỗi tên gọi gắn với mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, với những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau, để công tác DS- KHHGĐ phát triển phù hợp với xu thế chung của nền KT- XH đất nước. Đồng hành cùng những tên gọi ấy là các văn bản, nghị quyết của trung ương, của UBND tỉnh đã dần đưa công tác dân số-KHHGĐ vào cuộc sống, nhất là việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Nghị quyết 04 của BCH TW khoá VII, NQ số 47 của BCT về công tác Dân số đều xác định: "Công tác DS là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước, là yêu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện sự nghiệp CNH,HĐH đất nước"; "Đầu tư cho công tác Dân số là đầu tư cho sự phát triển. Đặc biệt giai đoạn từ 1991 đến 2000, chính sách dân số - KHHGĐ được cụ thể hóa bằng: “Chiến lược dân số- KHHGĐ với mục tiêu tổng quát “thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Rồi từ năm 2001 đến 2010 chiến lược Dân Số Việt Nam xác định: Công tác Dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển Kinh tế- xã hội, là nền tảng trong chiến lược phát triển con người của đất nước.
Hòa trong dòng chảy chung đó, ngành dân số Nghệ An cũng đã trải qua biết bao khó khăn, thách thức với rất nhiều thế hệ cán bộ làm công tác DS- KHHGĐ nhưng dù ở thời kỳ nào thì chúng ta cũng thấy rõ được niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và sự kiên trì bền bỉ của họ với công tác DS. Nhất là với Nghệ An, một tỉnh có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ ngày càng nhiều, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 đang ở mức cao nên những người làm công tác Dân số thời kỳ đó đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách.
Nửa thế kỷ trôi qua, ngành Dân số Nghệ An đã trải qua nhiều biến động, bộ máy tổ chức hết sát nhập rồi chia tách. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và có lúc quyết liệt trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đề ra những giải pháp cụ thể, trọng tâm; sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; sự nỗ lực hết mình của đội ngũ những người làm công tác dân số các cấp. Công tác DS- KHHGĐ Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác DS- KHHGĐ đã có sự chuyển biến rõ nét; quy mô gia đình ít con ngày càng phổ biến; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tăng lên; số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng giảm mạnh từ 6,78 con năm 1961 xuống còn 2,56 con năm 2010; Tỷ lệ phát triển Dân số từ 3,54% xuống còn 1,14% năm 2010; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần; Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình được nâng lên từ 42.5 tuổi năm 1961 lên 72,9 tuổi năm 2010; Cũng nhờ kết quả của mức tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, bình quân hàng năm đều đạt 9-10% và mức sinh giảm nhanh trong thập kỷ qua đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An tăng từ 300USD (1993) lên gần 800USD năm 2010. Đặc biệt, tỷ lệ hộ đói nghèo theo chuấn cũ đã giảm từ 35% xuống còn xấp xỉ 12%. Những kết quả trên đã khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng Nhà nước về Công tác Dân số.
Quả thực những con số biết nói mà công tác DS KHHGD Nghệ An đạt được trong thời gian qua, đã cho thấy phần nào vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Nếu chúng ta làm tốt công tác dân số - KHHGĐ thì chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, để có được điều đó thì cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự đồng thuận của nhân dân. Mà đặc biệt là lực lượng những người làm công tác dân số phải được trang bị đầy đủ từ nghiệp vụ, kỹ năng đến lòng nhiệt huyết yêu nghề. Với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” các hoạt động tuyên truyền, vận động về công tác DS- KHHGĐ đã trở thành một phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Nhiều tấm gương điển hình được tôn vinh vì họ đã gắn bó gần hết cuộc đời vì mục tiêu của sự nghiệp Dân số. Chính niềm đam mê, và tình yêu nghề của những con người như thế đã thắp sáng con đường đi đầy gian truân của biết bao cộng tác viên dân số trên khắp các nẻo đường quê xứ nghệ; Từ vùng núi cao sơn cước, đến đồng bằng trung du, rồi đến những người dân nghèo ở miền biển xa xôi… Không nơi đâu, không in đậm dấu chân những người làm công tác dân số. "Ở đâu có dân ở đó phải có công tác dân số". Để công tác dân số đến được với mọi người dân, phải thông qua rất nhiều hình thức tuyên truyền. Bên cạnh đó sự phối kết hợp chặt chẽ với các ban nghành đoàn thể, để xây dựng mô hình câu lạc bộ lồng nghép nội dung DS- KHHGĐ với các vấn đề khác như: “Câu LB Gia đình trẻ”; “CLB Tiền hôn nhân”; “CLB bà nội bà ngoại”; “CLB những người không sinh con thứ 3 trở lên”..vân vân, đã mang lại hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là tại một số địa bàn miền núi, vùng giáo hay vùng biển.
Bên cạnh những thành quả nổi bật mà suốt chặng đường dài 50 năm ngành dân số Nghệ An đã đạt được thì hiện nay Công tác DS - KHHGĐ lại đối mặt với những khó khăn thách thức riêng, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội và đặc biệt các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương cần phải hiểu đúng bản chất và tầm quan trọng của công tác dân số.
Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 4 cả nước, đang nằm trong nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế; Tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong những năm qua giảm còn chậm; quy mô dân số trong toàn tỉnh vẫn đang tiếp tục tăng. Đây là bài toán khó, đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết như nhà ở, học hành, khám chữa bệnh, việc làm và cả vấn đề tăng trưởng kinh tế hàng năm. Bên cạnh đó, tình trạng mất cấn đối giới tính khi sinh đang là một vấn đề xã hội lớn, nếu không được khống chế ngay từ bây giờ thì trong vài thập niên tới sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong việc mất cân đối giữa nam và nữ. Chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp…
Ở Nghệ An hiện nay, bộ máy những người làm công tác DS - KHHGĐ cơ sở còn thiếu ổn định. Đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở phần nhiều chưa đáp ứng được so với yêu cầu công việc, nhất là tỉnh ta là một tỉnh có dân số đông, diện tích lớn và địa hình đi lại rất khó khăn. Mức phụ cấp cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số còn quá thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ (Cán bộ chuyên trách chỉ được hưởng 0,6 mức lương cơ bản và phụ cấp từ 150.000 đến 200.000/ tháng; còn CTV thì chỉ được hỗ trợ 50.000 tháng từ chương trình mục tiêu). Chế độ và chính sách quá thấp như vậy dẫn đến việc các cộng tác viên gắn bó lâu dài với công tác dân số là rất ít. Phần lớn họ chỉ làm dân số trong lúc chờ đợi một cơ hội công việc khác ổn định và có thu nhập cao hơn. Đây là một trong những thách thức lớn mà nếu các cấp ủy đảng chính quyền không sớm có giải pháp để đảm bảo ổn định và thu hút nguồn nhân lực có trình độ và gắn bó với nghề thì công tác DS - KHHGĐ ở Nghệ An trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Các nhà kinh tế đã tính toán, nếu để tăng 1% dân số thì phải tăng 4% GDP mới giữ được mức sống như hiện tại, mà dân số tăng thì việc phấn đấu để tăng GDP là rất khó, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giống nòi. Trong khi giai đoạn tới chúng ta phải tiến nhanh tiến mạnh để thực hiện thành công mục tiêu của Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là: “phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp”. Để đạt được mục tiêu này, điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực chất lượng. Vậy thì công tác DS - KHHGĐ phải được quan tâm hàng đầu và phải thực sự đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Như một sợi chỉ xuyên suốt cả quá trình hình thành và phát triển, ngành Dân số Nghệ An đã để lại bao dấu ấn và thành tựu lớn trong việc nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện quy mô gia đình ít con; các chủ trương chính sách của đảng nhà nước về pháp lệnh Dân số. Từ buổi ban đầu sơ khai mới chỉ 7-8 người đến nay đã có tới hàng ngàn cán bộ, chuyên trách, cộng tác viên làm công tác Dân số, rải đều ở khắp 20 huyện, thị, thành trên địa bàn toàn tỉnh. Từ sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng của đội ngũ những người làm Dân số, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ngành Dân số Nghệ An thời gian qua đã được ghi nhận và khẳng định bằng nhiều thành tích như: Huân Chương Lao động hạng 3, bằng khen của Thủ tưởng chính phủ cùng nhiều bằng khen giấy khen khác.
50 năm, xây dựng và trưởng thành, ngành Dân số Nghệ An đã bước những bước đi vững chắc ngay từ ngày đầu tiên với những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011- 2020, Nghệ An phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Bắc trung bộ và là một tỉnh Công nghiệp. Công tác dân số cũng đặt ra các vấn đề toàn diện hơn, cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Nhưng chúng ta tin rằng, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, sự vào cuộc trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ Dân số, y tế từ Tỉnh đến thôn, bản, với sự thực hiện các giải pháp, biện pháp một cách đồng bộ, công tác DS - KHHGĐ giai đoạn tới sẽ thực hiện thành công, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.
(Khánh Ly)